Đổi mới dạy học bằng sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử
VOV.VN - Lần đầu tiên, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ đã phối hợp với Trường THPT An Khánh, quận Ninh Kiều thực hiện chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử. Đây là mô hình đổi mới học tập sáng tạo nhằm giúp các em học sinh hiểu sâu hơn về các tác phẩm trong chương trình học.
Sau gần 3 tháng tập luyện, dưới ánh đèn sân khấu tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, các diễn viên không chuyên là các em học sinh các cấp đến từ Trường THPT An Khánh đã hoàn thành hoạt cảnh, ca múa và trích đoạn cải lương với hình tượng chị Võ Thị Sáu, chuyển thể từ một phần nội dung của sự kiện lịch sử trong giai đoạn năm 1945 – 1954. Hoạt động nghệ thuật này được dàn dựng theo kế hoạch của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ về Chương trình “Sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử” giai đoạn 1.
Các công tác tập huấn kỹ năng chuyển thể, kỹ thuật biểu diễn, dàn dựng chương trình, viết kịch bản, lựa chọn âm nhạc, hóa trang, tư vấn trang phục, đạo cụ, cảnh trí… do giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật đảm nhiệm. Trải qua thời gian tập luyện chương trình, học sinh đã hiểu rõ hơn về diễn biến lịch sử, tình hình đất nước trong giai đoạn năm 1945 – 1954. Các em được dành thời gian nghiên cứu và được hướng dẫn về đặc điểm, tính cách nhân vật chị Võ Thị Sáu, từ đó “nhập vai” sao cho sát nhất với nội dung của tác phẩm văn học, lịch sử.
Bà Lê Thu An, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Khánh, quận Ninh Kiều, Cần Thơ cho biết, việc chuyển hoá các tác phẩm văn học, lịch sử... lên các tiết học được nhà trường thường xuyên thực hiện trong nhiều năm nay tại trường, nhưng đây là lần đầu tiên nhà trường phối hợp với trường có chuyên môn nghệ thuật như Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ nên chúng tôi lựa chọn tác phẩm gần gũi quen thuộc và độ khó không quá nhiều để học sinh dễ tiếp cận. Thông qua hình thức trình diễn, các tác phẩm văn học đã sống động và hấp dẫn hơn so với những giờ giảng trên lớp.
"Học sinh hầu như tiếp cận rất ít và các em chưa từng được thử qua về cải lương, qua chương trình các em được rèn giũa, giống như một viên ngọc hay viên sỏi giờ được mài giũa sẽ sáng lên. Khi tiếp cận được với loại hình cải lương, các em tự khám phá ra được tiềm năng của mình, ngày càng yêu thích và tạo cho các em một sân chơi rất lành mạnh, bổ ích" - bà Lê Thu An chia sẻ.
Sân khấu hoá tác phẩm văn học lịch sử cho nhiều thể loại văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại… là dịp để học sinh rèn luyện thêm kĩ năng cảm thụ tác phẩm, mang tính sáng tạo, được chủ động tham gia vào tác phẩm, đánh thức sự say mê trong các em.
Với sự hướng dẫn, dàn dựng nhiệt tình của quý thầy cô Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ cùng thái độ, tinh thần tôn trọng giá trị, ý nghĩa của tác phẩm văn học, lịch sử, kết hợp lối diễn xuất mộc mạc, tự nhiên và hiệu ứng trên sân khấu chuyên nghiệp, 40 phút của hoạt cảnh đã thể hiện ra một tác phẩm chuyển thể mang đậm tính nghệ thuật, gây xúc động cho người xem. Đặc biệt, quan trọng nhất chính là các em học sinh được hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về chặng đường hào hùng của ông cha thuở trước.
Bạn Trần Đức Minh, học sinh trường THPT An Khánh chia sẻ cảm xúc khi xem chương trình: "Tiếp thu một cách tốt hơn, chúng ta nhớ lâu hơn và học được nhiều bài học sau những bài học được tiếp thu trên lớp. Diễn như vậy có thể biết rõ hơn về tâm trạng cũng như tính cách của từng nhân vật, qua đó rèn luyện thêm những phẩm chất tốt học được qua tác phẩm".
Không chỉ bạn Trần Đức Minh mà có thể thấy hoạt động “Sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử" đã là sân chơi bổ ích cho các em học sinh sau những giờ học tập trên lớp, giúp các em nuôi dưỡng sâu sắc hơn tình yêu đối với quê hương, đất nước, niềm tự hào về dân tộc, đặc biệt là niềm đam mê đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống như cải lương, đờn ca tài tử.
Ông Lâm Tấn Phát, Giảng viên Khoa Sân khấu, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ cho biết, học sinh cùng thầy cô hai trường đã trải qua quá trình khổ luyện hơn 2 tháng để có những tiết mục quy mô cũng như chuyên nghiệp cho ngày công diễn này. Thông qua chương trình, ngoài thể hiện sự quan tâm của chúng tôi đến ngành giáo dục và đào tạo của thành phố, còn là dịp để Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ tìm kiếm và phát hiện các tài năng nghệ thuật trong các trường phổ thông.
"Rất là quý các em ở chỗ tuy còn non nớt nhưng các em rất yêu nghệ thuật, rất yêu những nhân vật lịch sử mà các em sẽ yêu hơn nữa khi chính các em tự hóa thân vào những nhân vật đó. Mong rằng chương trình này sẽ được quan tâm nhiều hơn, nhân rộng nhiều hơn để lứa tuổi học sinh của các em vừa có sân chơi bổ ích, vừa nâng cao tinh thần học tập của các em" - ông Lâm Tấn Phát bày tỏ.
Từ thành công vở diễn chuyển thể từ một phần nội dung của sự kiện lịch sử trong giai đoạn năm 1945 – 1954, nhân vật chính là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu do các em học sinh trường THPT An Khánh biểu diễn, có thể thấy phần nào phát huy được tính sáng tạo và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh trung học trên địa bàn Cần Thơ. Chắc rằng, chương trình “sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử" thời gian tới sẽ được nhân rộng tại các trường THCS – THPT ở Cần Thơ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018./.