Đón Tết cổ truyền của người Huế
VOV.VN - Phong tục đón Tết là một nét đẹp văn hóa được lưu truyền từ xa xưa trong mỗi gia đình người Việt Nam nói chung và các gia đình người Huế nói riêng. Từng là kinh đô xưa, người Huế luôn lưu giữ nhiều phong tục cổ truyền trong việc đón Tết thật thú vị và độc đáo.
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, gia đình nghệ nhân ẩm thực Mai Thị Trà, 91 tuổi, ở phường Trường An, thành phố Huế vẫn giữ cách đón Tết của ông bà ngày xưa. Ngày Tết, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên luôn được gia đình bà coi trọng. Chuẩn bị Tết, tất cả các bát hương trên bàn thờ đều phải thay cát trắng mới. Bàn thờ sáng, đẹp, ấm cúng thể hiện niềm tin và lòng biết ơn đối với tổ tiên. Mâm cỗ Tết dâng lên bàn thờ gia tiên được bà Trà chuẩn bị rất kỹ đầy đủ ngũ quả, bánh ngọt, bánh mặn và món ăn ngày Tết.
Nghệ nhân Mai Thị Trà nói: “Mâm ngũ quả biểu trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, với mỗi màu sắc của trái cây tượng trưng cho một yếu tố trong ngũ hành đó. Khi dân Huế dâng mâm ngũ quả cúng, không chỉ là sự thể hiện vẻ đẹp, hương vị, mà còn là tấm lòng, ước vọng hòa hợp giữa các yếu tố ngũ hành, mong cầu sự tương sinh, cuộc sống hòa thuận, may mắn và sự phát triển”.
Đầu tháng chạp, gia đình bà Trà đã chuẩn bị các loại bánh như: bánh tét, bánh chưng, nem tré, dưa món và các loại mứt.
"Các món mứt, món khô làm trước. Ví dụ bánh sen tán là bánh làm từ hạt sen, ráo lên tán cho mịn mà in. Tiếp theo làm mứt gừng, mứt me, mứt bí, mứt cam…", bà Trà nói.
Nghi lễ cúng kiếng trong 3 ngày Tết được người Huế coi trọng. Lễ cúng cỗ lên nêu, cúng rước ông bà về ăn Tết với các gia đình thường diễn ra vào ngày 30 Tết. Sau lễ cúng mời tổ tiên về ăn Tết, các thành viên trong gia đình đoàn tụ bên mâm cơm ngày cuối năm. Những chuyện buồn, không vui, bất hòa trong năm cũ đều được bỏ qua, mọi người cùng hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới.
Nhà văn Thái Kim Lan, một người con xứ Huế cảm nhận, mỗi món mứt, món bánh mà mẹ và chị ngồi tỉa tót tỉ mỉ càng nhìn lâu càng thấy đẹp, cảm thấy ấm lòng khi mùa xuân đang về: "Tết là dịp quan trọng trong đời người, là tiếng vọng từ đất mẹ, nhắc nhở con người nhớ về ông bà tổ tiên. Tết Huế đặc biệt mang đậm tính hướng nội. Dù không khí Tết có sôi động với hoa, quả và mứt ngọt ngào, nhưng bản chất của Tết Huế vẫn là thời gian để hướng về gia đình, để đoàn tụ và tận hưởng hạnh phúc bên nhau".
Từ mùng Một Tết trở đi, mỗi ngày trong mỗi gia đình đều dâng mâm cơm cúng ông bà; sau đó ông bà, con cháu trong nhà quây quần ăn bữa cơm ngày Tết. Hết 3 ngày Tết, nhà nào cũng làm mâm cỗ cúng tiễn ông, bà về trời. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết: Ngày Tết mọi gia đình đều hướng vọng tổ tiên, ông bà, hướng về công lao của tiền nhân.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói: “Tết ở Huế mang đậm ý nghĩa đoàn viên, không chỉ là sự sum vầy của những người còn sống mà còn là sự kết nối với ông bà, tổ tiên. Ngày 30 Tết, các gia đình chuẩn bị mâm cơm chu đáo để đón rước ông bà về. Từ ngày rước ông bà cho đến ngày đưa ông bà vào mùng 3, mùng 4 Tết, các bàn thờ ở Huế luôn được thắp hương, đèn sáng tỏ. Trong những ngày này, người dân Huế tin rằng bàn thờ là nơi tổ tiên, ông bà trở về cùng con cháu đón Tết. Vì vậy, trong suốt thời gian Tết, mâm cơm bao giờ cũng được đặt lên bàn thờ, với các món như bánh tét, mứt, và bánh cúng. Những món ăn này không chỉ tạo nên không khí Tết mà còn là phần không thể thiếu trong phong tục đón Tết của người Huế”.
Bây giờ, người Huế vẫn giữ được “cái nếp ăn ở” trong 3 ngày Tết. Đó là, Mùng Một nhà cha, Mùng 2 nhà mẹ, Mùng 3 nhà thầy.
Chị Đặng Thị Hạnh, ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền cho rằng, ở Huế rất nhiều gia đình còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết: “Quan điểm của tôi là vẫn giữ gìn những nét truyền thống trong việc đón Tết mà ông bà đã dạy. Ngày Tết đầu tiên, tôi cùng con cháu sẽ đi thăm viếng tổ tiên, ông bà. Chúng tôi sẽ ra mộ ông bà, tổ tiên để thắp nhang, sau đó đến chúc Tết ông bà nội ngoại. Sau đó, các cháu mới được vui chơi lễ hội và đến thăm bạn bè”.
Ngày Tết, những người con xứ Huế, dù ở đâu, đi đâu cũng luôn trở về gia đình, sum họp với người thân, cùng hướng về ông bà, tổ tiên, tỏ lòng biết ơn công lao các bậc tiền nhân. Phong tục truyền thống tốt đẹp ấy luôn được các thế hệ gìn giữ, tạo nên bản sắc văn hóa riêng của người Huế.