Già Alăng Mỹ lan tỏa văn hóa Cơ Tu
VOV.VN - Những nỗ lực của già Alăng Mỹ đã góp phần vào thực hiện thắng lợi "Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", được xác định trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng già Alăng Mỹ ở xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng vẫn luôn tâm huyết với việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống Cơ Tu. Không chỉ hát dân ca hay, đàn giỏi, ông còn là một trong số ít nghệ nhân Cơ Tu có tiếng trong lĩnh vực chế tác nhạc cụ, đan lát và điêu khắc. Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện cùng già Alăng Mỹ ở xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
PV: Thưa già, được biết, năm nay đã 70 tuổi nhưng già vẫn hát dân ca Cơ Tu, chơi đàn n’jưl và cả biết chế tác nhiều nhạc cụ dân tộc nữa?
Già Alăng Mỹ: Lúc nhỏ chỉ nhìn các cụ trong làng chế tác các nhạc cụ các loại tôi rất thích nhưng mãi tới năm hơn 20 tuổi tôi mới học chơi đàn, nghe tiếng đàn là mê. Ban đầu học thấy khó, mãi 1 năm sau tôi mới biết đánh đàn n’jưl - một nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu. Hiện nay, tôi có thể chơi và chế tác một số loại nhạc cụ người Cơ Tu và tham gia đánh trống chiêng khi có lễ hội rồi tham gia múa, chơi nhạc cụ cùng tổ dân vũ. Việc tạo ra những tác phẩm mang đậm bản sắc riêng, giúp người xem khám phá và hiểu rõ hơn về văn hóa độc đáo của cộng đồng Cơ Tu.
PV: Thưa già, phải chăng niềm đam mê, tình yêu văn hóa dân tộc chính là động lực để ông không chỉ hát hay, đàn giỏi mà còn biết nhiều nghề truyền thống Cơ Tu hay không? Trong các nghề truyền thống này, nghề nào gắn bó với ông hơn cả?
Già Alăng Mỹ: Tôi cũng có chút năng khiếu về điêu khắc. Tôi hay làm hòm cho người đã khuất, điêu khắc, chạm, trổ mồ mả… theo cách truyền thống của người Cơ Tu. Chỉ cần tôi nhìn nơi khác làm dù chỉ một lần thì tôi về làm y như vậy.
PV: Điêu khắc quan tài gỗ và làm mồ mả của người Cơ Tu có gì đặc biệt hơn so với các dân tộc khác?
Già Alăng Mỹ: Quan tài Cơ Tu có đặc trưng riêng, gỗ tròn, vanh 200cm (đo vòng gỗ tròn), chia làm đôi thân gỗ đó. Sử dụng đục, rìu, xuồng (đồ mộc) để bỏ dăm, tạo rỗng trong thân cây, khi up lại 2 miếng gỗ lại tạo thành cái hòm cho người đã khuất. Còn chạm trổ bên ngoài thì theo yêu cầu người mua. Ai muốn con rồng thì mình khắc rồng, ai muốn rắn thì mình khắc rắn.Giờ đây, ai cũng mua hòm từ đồng bằng hết, không dùng hòm truyền thống nữa. Những chiếc hòm chưa được trang trí nên không có sơn đỏ thì mình mua giấy đỏ dán vào. Ở xã có vài người biết làm, riêng ở thôn tôi thì chỉ có một mình tôi biết làm thôi.
PV: Còn kiến trúc mộ của người Cơ Tu thì có gì khác?
Già Alăng Mỹ: Đối với xây dựng mồ mã người Cơ Tu gồm có: 6 cây trụ, Diện tích mộ cũng vừa phải, chiều dài và chiều rộng đủ thân hòm thôi. Khuôn viên mộ tầm 2m nữa. Xung quanh mộ được trang trí bởi các vật dụng người đã khuất, đối với nam giới thì có trang trí thêm thanh la, trống, chiêng, tượng vài người đánh trống chiêng hoặc tượng người nam cầm cái khiêng trong điệu mua tân tung da dặ. Làm những tượng trang trí mồ người Cơ Tu rất công phu, làm cả tháng trời vẫn chưa xong. Ở thân cột đẽo thêm vài con rắn, thằn lằn; trên nóc mồ vẽ ổ gà, đuôi vịt; hai bên chop mồ 2 sừng trâu được đặt trên đầu heo. Gia đình có điều kiện giết mổ để cúng bái con gì mình vẽ, khắc, đục tại hình những con đó. Ngoài ra, đục tượng người với những khuôn mặt rùng rợn, biểu trưng cho những con ma đã hiện thân ở khu vực này, để bảo vệ ngôi mộ không bị phá.
PV: Ngoài điêu khắc, được biết già còn giỏi về đan lát truyền thống Cơ Tu?
Già Alăng Mỹ: Nghề đan lát này có từ thời ông tôi đến cha tôi rồi truyền lại cho tôi. Tôi cũng đam mê nó, nên từ sớm tôi đã học và học rất nhanh. Những sản phẩm tôi hay làm những vật dụng trong nhà đó là gùi, giỏ xách, rổ, rá,... Tôi và các nghệ nhân trong làng lên rừng tìm nguyên liệu, tìm mây về làm cũng vất vả lắm. Nay mình có tuổi rồi, lên rừng té lên té xuống. Lúc tôi kéo mây, sém bị rớt xuống ghềnh đá. Giờ tôi không vào rừng tự kiếm mây nữa mà nhờ các con đi kiếm. Tôi ở nhà đan thôi.
PV: Trước thực trạng giới trẻ không mấy mặn mà nghề đan lát truyền thống, già và các nghệ nhân xã Hòa Bắc đã và sẽ làm gì để nghề truyền thống của người Cơ Tu không bị thất truyền?
Già Alăng Mỹ: Tôi truyền cách đan lát này cho con gái, nay nó cũng biết đan rồi. Nếu mình không truyền lại thì nghề truyền thống của dân tộc mình sẽ bị mai một. Ngoài ra, tôi còn đi tham gia tại các lễ hội ở địa phương biểu diễn đan lát nhằm mục đích giữ gìn và phát huy nghề đan lát này. Bởi đây là nghề phục vụ cuộc sống thường ngày của bà con và là nét văn hóa lâu đời. Nó có tầm quan trọng với bà con Cơ Tu là vậy, nên cần phải gìn giữ và phát triển hơn nữa.
PV: Tại sao già cho rằng việc duy trì nghề đan lát là quan trọng đối với cộng đồng và văn hóa của mình?
Già Alăng Mỹ: Bởi việc tạo ra những tác phẩm mang đậm bản sắc riêng, đưa người xem đến khám phá và hiểu rõ hơn về văn hóa độc đáo của cộng đồng Cơ Tu. Ngoài ra, khi có khách du lịch đến làng du lịch cộng đồng Tà Lang, Giàn Bí thì tôi cũng bán được ít sản phầm đan lát thu về 10-12 triệu đồng/năm. Rồi tham gia múa, chơi nhạc cụ cùng tổ dân vũ của 2 thôn để phục vụ khách du lịch, mỗi dịp biểu diễn như thế tôi nhận được 100.000-150.000 đồng/lượt.
PV: Xin cảm ơn già!