Gia đình, bạn bè tiễn biệt nhạc sĩ Hồ Bắc về nơi an nghỉ cuối cùng

VOV.VN - Lễ viếng nhạc sĩ Hồ Bắc diễn ra vào 16h45 ngày 9/2 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 17h45 cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ (Hà Nội).

Trong không khí đau buồn, lễ viếng nhạc sĩ Hồ Bắc đã diễn ra vào lúc 16h45 ngày 9/2 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ông qua đời vào lúc 4h15 sáng 8/2 do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 92 tuổi.

Trước lễ viếng chính thức, gia quyến và bạn bè thân thiết của các thành viên trong gia đình nhạc sĩ Hồ Bắc đã có mặt từ sớm để lo các thủ tục cho lễ tang. Ai cũng không giấu được đau buồn khi mất đi người chồng, người cha, người đồng nghiệp thân thiết.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên lễ viếng nhạc sĩ Hồ Bắc diễn ra đơn giản, gọn nhẹ. Khách viếng đều tuân thủ việc đeo khẩu trang, đảm bảo an toàn phòng dịch. 

Nhạc sĩ Hồ Bắc sinh ngày 8/10/1930 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, 15 tuổi đã phụ trách đội Thiếu nhi tuyên truyền cách mạng. Sau đó ông vào bộ đội và là cán bộ âm nhạc của Văn công sư đoàn 316, Tổng cục Hậu cần.

Gắn liền với hai cuộc chiến tranh, phần lớn các sáng tác của ông thuộc dòng nhạc đỏ như "Làng tôi" (1949), "Bên kia sông Đuống" (phỏng thơ Hoàng Cầm - 1950), "Gặt tay nhanh" (1952), "Giữ mãi tuổi xuân" (1954), "Giữ biển trời Xô viết Nghệ An" (1965), "Trên đường Hà Nội" (1966), "Gửi anh chiến sĩ thông tin đảo" (1966), "Sài Gòn quật khởi" (1968), "Bến cảng quê hương tôi" (1970)... 

Từ năm 1956, Hồ Bắc chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam và làm việc ở đây cho đến khi nghỉ hưu năm 1990. Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Hồ Bắc đã viết một số hợp xướng như "Ca ngợi tổ quốc", "Dáng đứng Việt Nam", "Tổ quốc yêu thương". Ông cũng viết nhạc cho các phim truyện, tài liệu và hoạt hình.

Ngoài công việc sáng tác, Hồ Bắc còn viết lời giới thiệu cho những chương trình ca nhạc, bình giải các tác phẩm âm nhạc, biên dịch gần 500 ca khúc nước ngoài để phát sóng. Ông là ủy viên Hội Văn nghệ Hà Nội (từ khoá I đến khóa IV), nguyên phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Phát thanh Truyền hình. Ông còn tham gia giảng dạy sáng tác.

Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (1997) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 cho "Làng tôi", "Giữ mãi tuổi xuân", "Ca ngợi Tổ quốc" (hợp xướng), "Sài Gòn quật khởi" và "Bến cảng quê hương tôi" (2001).

Nói về âm nhạc của nhạc sĩ Hồ Bắc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: "Nhớ tới âm nhạc của nhạc sĩ Hồ Bắc, chúng ta sẽ nhớ đến một tâm hồn trữ tình, lãng mạn với âm hưởng dân gian. Ông là người con vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh nên ca từ ông viết rất nhẹ nhàng, bay bổng. Những tác phẩm ông viết từ thời trai trẻ như "Làng tôi" cho đến những tác phẩm sau này đều thấm đậm tâm hồn Việt Nam. Sự nhất quán trong ngôn ngữ âm nhạc, nổi bật lên là tính trữ tình đã làm nên tên tuổi Hồ Bắc, giữ cho ông một đường đi rất riêng trong nền âm nhạc Việt Nam. 

Đỉnh cao trong sự nghiệp của ông phải kể đến hợp xướng "Ca ngợi Tổ quốc" - tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm trong nền nghệ thuật hợp xướng Việt Nam. Trong các sự kiện lớn của đất nước, không thể thiếu được tác phẩm này.

Ông cũng có công rất lớn trong việc bồi dưỡng đội ngũ nhạc sĩ, BTV của Đài TNVN, đưa ra được tiêu chuẩn xét duyệt các tác phẩm để phát trên làn sóng phát thanh của Đài TNVN. Ông cũng rất chăm chút, ưu ái đến các thế hệ nghệ sĩ trẻ. Sự ra đi của nhạc sĩ Hồ Bắc là một tổn thất cho nền âm nhạc Việt Nam".

Tiễn biệt nhạc sĩ Hồ Bắc, PGS.TS, nhạc sĩ Lân Cường viết trong sổ tang: "Vô cùng thương tiếc nhạc sĩ Hồ Bắc - một cây đa cây đề của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã mãi mãi ra đi. Nhân cách, tác phẩm của anh sẽ sống mãi trong lòng các nhạc sĩ Việt Nam và của những người hâm mộ anh. Mong nhạc sĩ an nghỉ ngàn thu nơi chín suối". 

Sau lễ viếng là lễ truy điệu. Ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, trưởng ban lễ tang đọc điếu văn, thuật lại cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa, luôn một lòng cống hiến cho nghệ thuật: "Nhạc sĩ Hồ Bắc trưởng thành từ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ông đã từng đi nhiều nơi, hoà nhập trong cuộc sống, chiến đấu của dân tộc để từ đó tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm cũng như vốn sống thực tế để sáng tác. Năm 1956, ông về công tác tại Đài TNVN cho đến khi nghỉ hưu và từ đây, hàng loạt tác phẩm âm nhạc của ông được công chúng cũng như giới chuyên môn đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và lịch sử ra đời, khẳng định sức sáng tạo dồi dào cũng như cảm xúc âm nhạc tinh tế của ông. 

Trong suốt hơn 30 năm công tác tại Đài TNVN với công việc của một nhạc sĩ sáng tác và biên tập âm nhạc, ông đã viết lời giới thiệu cho những chương trình ca nhạc, bình giải các tác phẩm âm nhạc, biên dịch gần 500 ca khúc nước ngoài để phát sóng. Ông còn tham gia giảng dạy sáng tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam...

Hôm nay, ở đây chúng ta tưởng nhớ tới một người nhạc sĩ tài năng, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của Đảng và của Tổ quốc yêu thương. Một tâm hồn lớn nhưng cũng hết sức bình dị và gần gũi như chính con người của ông với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và với mọi người. Nhạc sĩ đã đi xa nhưng những sáng tác vượt thời gian của ông sẽ còn đọng lại mãi trong trái tim nhiều thế hệ yêu nhạc của Việt Nam".

Thay mặt cho gia đình, con trai nhạc sĩ Hồ Bắc đã gửi lời cảm ơn tới các cơ quan, ban, ngành, các đơn vị, bạn bè gần xa đã đến tiễn đưa nhạc sĩ Hồ Bắc về nơi an nghỉ cuối cùng. 

Thi hài nhạc sĩ Hồ Bắc sẽ được hoả táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ (Hà Nội)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhạc sĩ Hồ Bắc qua đời ở tuổi 92
Nhạc sĩ Hồ Bắc qua đời ở tuổi 92

VOV.VN - Nhạc sĩ Hồ Bắc qua đời vào sáng 8/2, hưởng thọ 92 tuổi. Tang lễ sẽ được tổ chức vào ngày 9/2 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Nhạc sĩ Hồ Bắc qua đời ở tuổi 92

Nhạc sĩ Hồ Bắc qua đời ở tuổi 92

VOV.VN - Nhạc sĩ Hồ Bắc qua đời vào sáng 8/2, hưởng thọ 92 tuổi. Tang lễ sẽ được tổ chức vào ngày 9/2 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.