Góc khuất chưa kể về tác giả ca khúc "Tình thôi xót xa"
"Nói đến lòng tự trọng để nhắc về một tai vạ của anh và nhiều người khác: nghi án đạo nhạc 2004. Thời đó anh bị nặng nhất, bị xỉ vả, cái tên bị đem ra chê bai và làm cho méo mó", Quốc Bảo viết về Bảo Chấn.
Mở đầu
Tôi không nhiều bạn. Ngay từ tuổi thơ.
Tôi đã lớn lên cô độc, trước nhất là bắt buộc, thứ đến, tự nguyện.
Có chút ảnh hưởng gì đó từ gia đình vào cái thế cô độc tự nguyện của tôi, hay là, chỉ có những người bạn nhiều tuổi hơn hoặc kém đến vài mươi tuổi. Cha tôi như thế. Cậu tôi như thế. Gia đình nội ngoại đã rèn đúc một tính cách hướng nội cho tôi-và những người hướng nội có ít bạn, lại còn kén bạn và bị bạn… kén lại.
Khi vào đời, tôi may mắn nhận được sự ưu ái từ các anh chị trưởng thành trước, cách nửa thế hệ, có khi cả một thế hệ: có những anh chị bằng tuổi cha mẹ tôi. Họ nhận tôi là bạn. Họ cư xử với tôi như người bạn bằng vai phải lứa dẫu tôi có vì khoảng cách tuổi mà kính nhi viễn chi đi nữa.
Như anh Nguyễn Đình Toàn, anh Tô Thùy Yên, anh Huy Tưởng, anh Vũ Ngọc Giao, anh Joseph Huỳnh Văn, anh Trịnh Công Sơn, anh Phan Đan, anh Bảo Chấn, anh Quang Lý.
Dần dà, tôi cũng có những người bạn ít tuổi hơn mình. Không phải chênh lệch dăm ba tuổi, mà hẳn một thế hệ. Người cách ít nhất cũng hơn một giáp, còn thì toàn hai mươi tuổi - đến lượt tôi, tôi gọi họ là bạn. Bằng vai phải lứa.
Như các bạn Trần Thu Hà, Bằng Kiều, Quang Dũng, Thủy Tiên, Mỹ Tâm.
Bằng tình bạn, chúng tôi đi cùng nhau một đoạn đường đời, một đoạn đường nghề. Bằng tình bạn, chúng tôi cho đi và nhận lại sự ân cần. May mắn nhất, là còn được làm chứng nhân của một giai đoạn (giai đoạn dài lắm đó, bởi tôi như đoạn dây đồng nối mạch điện lỡ đứt khi đô thị miền Nam chuyển sang một giai đoạn văn nghệ khác, thế rồi còn kéo dài mãi đến giờ, và mai sau nữa), là cùng buồn vui với thời thế, là cùng làm việc và cùng mệt mỏi. Tôi đã nghĩ nhiều về một nhan đề cho tập tùy bút chân dung, rồi thấy không lựa chọn nào lấn át được cái tình của năm từ: Tôi. Gọi. Em. Là. Bạn. Ở tâm thế những người bạn nghĩ về nhau, tôi kể lại. Có gì vui bằng kể về bạn mình, trên mình một thế hệ hay trẻ hơn cả một thế hệ?
Vui và ân cần biết mấy.
Bảo Chấn, bạn tôi
Ở quán cà phê Monaco đường Pasteur, có mặt cả anh Hà (cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà), anh Chấn nói cho tôi hiểu cách làm ra những bài hát được ưa chuộng. Bấy giờ anh là một hit maker hàng đầu và điều này vẫn còn đúng cho đến bây giờ. Nếu tôi viết được một bài hát như Giấc mơ tuyệt vời, tôi bẻ bút không viết nữa. Những gì anh Chấn đã làm cho mặt bằng văn nghệ những năm cuối thập niên 90 là vô cùng quý giá.
Tôi nhớ thuở ấy anh Chấn là người đắt sô nhất trong những nhạc sĩ hòa âm. Anh làm việc như công chức, đều tăm tắp mỗi ngày. Luôn có mặt ở phòng thu, không Saigon Audio thì Bến Thành, Kim Lợi, Vafaco, làm ra không biết bao nhiêu album cho giai đoạn vàng của nhạc trẻ Việt. Thời đó tôi chỉ có cách nhìn ngắm anh và ngưỡng mộ.
Tôi gặp anh lần đầu vào thời điểm anh đang rực rỡ tỏa sáng, khoảng giữa năm 1997. Lúc đó anh có một show nhạc ở rạp Rex và qua chỗ Thu Phương, tôi tiến lại chào anh ở hậu trường sân khấu. Anh nói, tôi biết ông lâu rồi mà, đã đọc những bài báo ông viết và rất thích. Bấy giờ tôi còn viết báo chuyên nghiệp, nhạc thì viết để đó, cất đó, chưa phổ biến bài nào. Ít ngày sau, chúng tôi trò chuyện lâu ở quán Baccara đường Võ Văn Tần và tôi nhờ anh phối Em về tinh khôi cho hợp tuyển đầu tay tôi làm với tư cách nhà sản xuất: Mùa tình yêu.
Từ đó chúng tôi thành bạn.
Chúng tôi hợp nhau ở ý tưởng âm nhạc, đường hướng nghệ thuật. Chúng tôi hợp nhau vì cùng là người Sài Gòn dù anh Chấn gốc hoàng tộc Huế. Chúng tôi hợp nhau ở các sở thích nhỏ như ăn uống, nghe nhạc, giao tiếp bè bạn.
Anh Bảo Chấn được các nhạc công, ca sĩ yêu mến cũng là lẽ thường. Anh nói chuyện có duyên, hiểu biết rộng, đối xử với mọi người chí tình. Quãng 2013 do một bất đồng trong lúc chuẩn bị show, hai anh em xa nhau. Gặp cũng làm mặt lạnh không nói chuyện. Một hôm tôi nhận tin nhắn: “Ông có gì buồn cho tôi xin lỗi. Đời này tôi chỉ có ông là bạn”. Thế là lại cà phê vui vẻ như thường.
Chúng tôi cứ lặng lẽ làm việc, thi thoảng gặp nhau nói chuyện đời chuyện nghề. Tôi được nghe anh kể rất nhiều chuyện của giới văn nghệ sĩ Sài Gòn thuở xưa. Được học anh cách soạn hòa âm cho đàn dây. Được chia sẻ cùng anh những thời đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp.
Vừa rồi tôi gọi điện rủ anh cà phê sau khi ba anh em Bảo Chấn – Văn Tuấn Anh và tôi hoàn thành album chung Điều kỳ diệu của số 3. Nhưng anh bị tai nạn xe phải dưỡng ở nhà. Tôi nói, ông công chức không chăm lo gì đến dự án chung cả. Nói vậy thôi, chứ chuyện hậu kỳ album tôi gánh hết cho cả ba người.
Những gì Bảo Chấn đóng góp trong địa hạt văn nghệ là rất to lớn: những album anh sản xuất, những bản hòa âm tuyệt hay, những ca khúc đẹp đẽ dễ phổ biến. Và trên tất cả, anh là người tự trọng vô cùng.
Nói đến lòng tự trọng để nhắc về một tai vạ của anh và nhiều người khác: nghi án đạo nhạc 2004. Thời đó anh bị nặng nhất, bị xỉ vả, cái tên bị đem ra chê bai và làm cho méo mó. Bằng cách im lặng sống và vẫn làm việc, anh vượt qua được nghi án dư luận và tiếp tục làm nghề một cách vinh quang và chính trực.
Năm 2003 ở Đà Lạt, trong tòa biệt thự của Văn Tuấn Anh trông ra Đồi Cù, anh Chấn viết Phố mùa đông, được biết đến qua giọng ca Lê Hiếu, và vẫn luôn là một nhạc phẩm vừa trí tuệ vừa thâm trầm. Bài này giờ vẫn còn có thắc mắc là liệu anh viết nhạc và lời hay chỉ là tác giả phần lời. Tôi thì chẳng bao giờ tự đặt ra câu hỏi này, vì anh Chấn tài năng quá, lớn quá, một giai điệu đơn giản (và rất đẹp) như Phố mùa đông, chẳng lẽ anh không viết được?
Anh Chấn có một sự nghiệp nhiều người mơ ước: ca khúc nào cũng là hit một thời; các bản phối luôn được cover lại; người đem lại thành công cho Lam Trường; người đứng sau hầu hết các nhạc phẩm trên Top ten Làn Sóng Xanh của một giai đoạn dài. Và trên hết, là người gây ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ nhạc công, nhạc sĩ, ca sĩ. Âm nhạc Việt Nam hẳn sẽ thiếu đi hơi thở riêng, cá tính riêng nếu không có anh Bảo Chấn. Tôi hạnh phúc và vinh dự vì được làm người bạn nhỏ của anh./.