Hội An sẽ không điều chỉnh lại màu sơn Chùa Cầu
VOV.VN - Trước những ý kiến trái chiều về màu sơn của Chùa Cầu sau trùng tu, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, tỉnh Quảng Nam, đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án tu bổ Chùa Cầu, khẳng định việc trùng tu được thực hiện bài bản, khoa học, đúng luật và sẽ không điều chỉnh màu sơn Chùa Cầu.
Theo Lãnh đạo Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trùng tu di tích là chuyên ngành khoa học nên ngoài việc tuân thủ các quy định trong nước thì còn phải tuân theo các công ước, quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, bên cạnh việc đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn đặc điểm, các giá trị của di tích, các giải pháp can thiệp cần đảm bảo gia tăng độ ổn định, bền vững lâu dài cho di tích trong điều kiện bảo tồn, duy trì toàn vẹn công năng từng thành phần cấu thành như miếu, cầu của di tích. Mọi hoạt động can thiệp đều được tính toán trên cơ sở tôn trọng lịch sử, đảm bảo tính khoa học và khách quan. Tu bổ phải đảm bảo giữ lại tối đa các dấu tích vật chất hiện hữu, xác thực hàm chứa các giá trị lịch sử văn hóa của di tích Chùa Cầu, qua đó, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị kiến trúc, nghệ thuật đã tạo nên hình ảnh biểu tượng của Hội An.
Theo ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, Chùa Cầu về phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi, bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi. Chính vì vậy, việc phục hồi màu sắc cho tường và trang trí mái là cần thiết.
Cũng có ý kiến cho rằng, nên chọn tông màu sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ, hoặc làm cho Chùa Cầu bớt “mới” đi. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với nguyên tắc “không làm giả” mà Dự án đã đề ra.
Ông Phạm Phú Ngọc cho biết thêm, thực tế màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của các chuyên gia. Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới” ra. Nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích. Để rồi theo thời gian, Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết thêm, việc sơn quét vôi thì phải tiến hành quét 2-3 lượt mới xong chứ không phải điều chỉnh màu sơn như dư luận đang xôn xao trên mạng xã hội: “Trong sáng 30/7, chúng tôi chỉ cho điều chỉnh lại một số thanh đà gỗ thôi. Còn về màu sắc của Chùa Cầu sẽ không có thay đổi gì. Theo quy trình quét vôi thì phải quét 2-3 nước mới xong. Chúng tôi đang khẩn trương vệ sinh, dọn dẹp, dặm vá… hoàn thiện công đoạn cuối cùng của việc trùng tu di tích”.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách thành phố Hội An 50%. Dự án do UBND thành phố Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn Bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn. Tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, Lễ khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu sẽ diễn ra vào ngày 3/8 tới đây. Thành phố sẽ xuất bản sách về hồ sơ tư liệu quá trình tu bổ Chùa Cầu. Cuốn sách này sẽ đem đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách, người dân Hội An cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An khẳng định.
“Thời gian qua, thành phố Hội An đã tổ chức công khai từ khâu hạ giải đến quá trình trùng tu Chùa Cầu. Chúng tôi còn để mái che cho du khách vào tham quan quá trình trùng tu. Chúng tôi cũng sẵn sàng ghi nhận những ý kiến, đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để làm sao quá trình trùng tu phải đảm bảo tính chân xác của di tích. Hiện nay, chúng ta đã giữ lại được tất cả các yếu tố gốc và công năng của Chùa Cầu”.
Trước đó, VOV đã có bài viết ghi nhận những ý kiến khác nhau về Chùa Cầu sau trùng tu. Người khen đẹp, hợp lý nhưng cũng có ý kiến cho rằng, màu sơn Chùa Cầu sau trùng tu chưa đúng nguyên bản.