Huyền thoại Làng bắt cọp

VOV.VN - Làng Thủy Ba, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị ngày xưa từng nổi tiếng bắt cọp (hổ). Đội bắt cọp của làng Thủy Ba được triều đình Nhà Nguyễn ở Huế điều vào Thừa Thiên bắt cọp, được Vua phong sắc, tặng “ngân vàng”, “ngân bạc”.

Những người từng bắt cọp giỏi ngày xưa đã lần lượt khuất núi. Nhưng chuyện bắt cọp luôn được dân làng truyền tụng và ghi lại trong Cuốn lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Thủy giai đoạn 1930-1995. Tại Phòng truyền thống của xã Vĩnh Thủy vẫn còn lưu giữ, trưng bày các vật dụng gắn liền với các giai thoại.

 

“Mùng sáu sắc lệnh Vua ra

Từ tờ xuống phủ đòi Tổng Thủy Ba đi liền

Đòi vô mần ải Thừa Thiên

Giữ ma độc nước không yên những là”

Đây là một đoạn trong bài “Vè bắt cọp” của người dân làng Thủy Ba xưa, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được lưu truyền và bà con thường đọc cho nhau nghe vào các dịp lễ hội, Tết.

Từ xa xưa, dân gian đã truyền đời nhiều câu phương ngữ như “Cọp Thủy Ba, ma Trộ Rớ”, hoặc “Cọp Thủy Ba, ma Bình Thuận”. Trộ Rớ ở miền Tây Quảng Bình và tỉnh Bình Thuận là những địa danh nổi tiếng về hổ dữ, hùm beo, rừng thiêng nước độc. Hổ thường xuyên về làng bắt trâu bò, sát hại người dân. Cuộc sống khốc liệt, thường xuyên phải chống chọi với thú rừng hung dữ, người làng Thủy Ba đã sáng tạo ra cách giăng ải, vây bắt sống hổ. Lưới bắt hổ được làm từ thân cây sót, một loại cây dây leo ở trong rừng, bện xoắn lại rồi đan thành lưới.

Sách ghi lại, đội quân bắt cọp của làng Thủy Ba còn ra Quảng Bình, vào Thừa Thiên Huế giúp dân vây bắt thú dữ. Năm Nhâm Thìn (1832), ở phường Thiên Thọ, phía Tây Kinh Thành Huế xuất hiện một con hổ ngày đêm quấy phá. Nạn hổ dữ đe dọa cả những chuyến du ngoạn, săn bắn của Vua, quan triều đình nhà Nguyễn. Thời điểm đó, Vua Minh Mạng đã ra chiếu triệu tập 400 thanh niên trai tráng làng Thủy Ba vào giúp triều đình bắt hổ.

Người có thành tích bắt hổ nổi tiếng của làng Thủy Ba được Vua ban tặng “ngân vàng” là cụ Nguyễn Chẻng. Ông Nguyễn Quang Nga, năm nay 87 tuổi, ở thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh- cháu nội của cụ Nguyễn Chẻng kể, ông nội của ông đã qua đời khi ông mới 5 tuổi. Thế nhưng, chuyện bắt cọp của ông nội luôn được cha mình kể lại và dân làng truyền tụng.

Ông Nga nói: “Lúc đó, ông nội tôi là đội phó bắt cọp. Lúc triển khai vây bắt, Vua đến thăm và hỏi. Trong này có bao nhiêu con hổ, là đực hay cái?. Ông nội tôi mới tâu với Vua là chỉ 1 con đực. Vua hỏi tiếp, tại sao ngươi biết chỉ 1 con và là con đực? Nếu nói sai Trẫm sẽ chặt đầu ngươi?. Ông tôi tâu với Vua, con cọp đực khi gà cất tiếng gáy là nó sẽ dậy chạy và la hét. Sau trộ ải đó đã bắt được coi cọp đực thật. Vua khen ông nội tôi bắt dấu cọp thế nào mà giỏi.”

Với người dân làng Thủy Ba xưa, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, việc bắt hổ đã trở thành nghề, mỗi khi họ ra tay thì hổ lại bị bắt sống. Mỗi lần nghe tin dân Thủy Ba bắt cọp, dân chúng khắp nơi kéo về xem như trẩy hội. Nhiều người vì lòng thán phục tài nghệ của dân làng Thủy Ba đã ủng hộ tiền, gạo cho đội quân bắt cọp. Quan phủ, quan tỉnh nể phục đã miễn thuế cho dân làng Thủy Ba. Triều đình nhà Nguyễn trọng thưởng tiền và phong sắc cho những người tiêu biểu trong làng. Ông Nguyễn Chẻng được Vua tặng “ngân vàng”, còn ông Cai Dẫn được tặng “ngân bạc”. Ông Lê Bằng, một trong những người chỉ huy bắt cọp giỏi của làng Thủy Ba xưa được Vua phong cho chức đứng đầu Đội lính vọng thành để bảo vệ triều đình Huế lúc bấy giờ.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làng Thủy Ba, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh trở thành căn cứ địa của cách mạng, là một trong những mục tiêu tập trung đánh phá, càn quét của quân thù. Vì vậy, hầu hết các dụng cụ, lưới bắt cọp đều bị địch đốt cháy, phá hỏng. Hổ sát tiếp tục trở lại uy hiếp cuộc sống người dân và hoạt động kháng chiến. Ước tính từ năm 1946 đến năm 1953 có khoảng 120 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và người dân bị cọp sát hại. Dân làng lại làm lưới mở các chiến dịch vây bắt cọp.

Ông Nguyễn Quang Nga kể, năm 1953, con cọp cuối cùng nguy hiểm nhất trong vùng bị vây bắt, kể từ đó nạn cọp dữ và chuyện bắt cọp chấm dứt: “Khu vực này trước đây toàn rừng rậm, hổ ăn người cũng có và ăn gia súc. Dân toàn về ở dưới đồng thôi, chứ không ai ở trên này vì sợ hổ. Huyện huy động các xã miền núi chặt dây sót và mây để làm lưới bắt hổ. Khi thắt xong lưới chuẩn bị vây bắt thì con hổ sập hầm chết tại chiến khu Thủy Ba.” 

Ngày nay, tại Phòng Truyền thống của xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh vẫn lưu giữ, trưng bày các vật dụng bắt cọp như tay lưới, mấy lưỡi mác, đinh ba, nạng chống, phèng la và mõ trống đã ố màu thời gian. Đáng chú ý trong số đó là tay lưới, dụng cụ chính để bắt cọp. Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Vĩnh Thủy được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Ngày 11/11/1966, lực lượng dân quân xã Vĩnh Thủy đã đã bắn rơi 6 máy bay, bắt sống 4 phi công Mỹ được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Trong câu chuyện ngày cuối năm, ông Nguyễn Quang Chiến, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quang Trị kể, trước đây, dân làng bắt được một con hổ, sau khi bị chết họ đem thuộc nguyên con rồi trưng bày tại Phòng Truyền thống của xã. Do chưa biết cách bảo quản, lâu ngày tiêu bản hổ đã hư hỏng.

Ông Chiến cho biết thêm, chính quyền địa phương đang lập Đề án bảo tồn truyền thống bắt cọp của làng Thủy Ba xưa: “Truyền thống bắt cọp là một trong những cái đặc biệt riêng có của làng quê trong quá trình chống thú dữ và chống giặc ngoại xâm. Mong muốn vào triều đình nhà Nguyễn hoặc Bảo tàng Quốc gia lục tìm lại sắc phong của Vua ban cho đội quân bắt cọp làng Thủy Ba. Làm đó là cơ sở pháp lý để xây dựng lại mô hình, tái hiện lại Chiến khu Thủy Ba và truyền thống bắt cọp của xã.”

Tinh thần thượng võ, truyền thống bắt cọp của dân làng Thủy Ba xưa, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã đi vào sử sách, lưu truyền trong dân gian. Ngày nay, miếu thờ ông Tổ của nghề bắt cọp được lập ở làng Thủy Ba Thượng, xã Vĩnh Thủy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Độc lạ Hổ Bắc Ninh mặc áo tứ thân, đội nón quai thao chào Xuân Nhâm Dần
Độc lạ Hổ Bắc Ninh mặc áo tứ thân, đội nón quai thao chào Xuân Nhâm Dần

VOV.VN - Với nét đặc trưng của miền Quan họ, linh vật Hổ ở Bắc Ninh năm nay được khoác lên mình bộ áo tứ thân, nón quai thao, tình tứ chào mừng năm mới khiến người xem cảm thấy thích thú.

Độc lạ Hổ Bắc Ninh mặc áo tứ thân, đội nón quai thao chào Xuân Nhâm Dần

Độc lạ Hổ Bắc Ninh mặc áo tứ thân, đội nón quai thao chào Xuân Nhâm Dần

VOV.VN - Với nét đặc trưng của miền Quan họ, linh vật Hổ ở Bắc Ninh năm nay được khoác lên mình bộ áo tứ thân, nón quai thao, tình tứ chào mừng năm mới khiến người xem cảm thấy thích thú.

Linh vật hổ Tết Nhâm Dần 2022: Từ uy nghiêm, dũng mãnh cho tới hài hước, xấu lạ
Linh vật hổ Tết Nhâm Dần 2022: Từ uy nghiêm, dũng mãnh cho tới hài hước, xấu lạ

VOV.VN - Tạo hình linh vật hổ nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022 đang là chủ đề bàn luận được nhiều người quan tâm trên khắp các diễn đàn. Có nơi mãnh hổ trông uy nghiêm, dũng mãnh nhưng không ít nơi hổ trông hài hước, xấu lạ.

Linh vật hổ Tết Nhâm Dần 2022: Từ uy nghiêm, dũng mãnh cho tới hài hước, xấu lạ

Linh vật hổ Tết Nhâm Dần 2022: Từ uy nghiêm, dũng mãnh cho tới hài hước, xấu lạ

VOV.VN - Tạo hình linh vật hổ nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022 đang là chủ đề bàn luận được nhiều người quan tâm trên khắp các diễn đàn. Có nơi mãnh hổ trông uy nghiêm, dũng mãnh nhưng không ít nơi hổ trông hài hước, xấu lạ.

Bình Định trưng bày biểu tượng linh vật năm Nhâm Dần 2022
Bình Định trưng bày biểu tượng linh vật năm Nhâm Dần 2022

VOV.VN - Chiều nay (25/1), tại thành phố Quy Nhơn, ngành Văn hoá Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức khai trương Cụm biểu tượng linh vật năm Nhâm Dần 2022, phục vụ nhân dân và du khách vui xuân đón Tết.  

Bình Định trưng bày biểu tượng linh vật năm Nhâm Dần 2022

Bình Định trưng bày biểu tượng linh vật năm Nhâm Dần 2022

VOV.VN - Chiều nay (25/1), tại thành phố Quy Nhơn, ngành Văn hoá Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức khai trương Cụm biểu tượng linh vật năm Nhâm Dần 2022, phục vụ nhân dân và du khách vui xuân đón Tết.