Huyền thoại sử thi Tây Nguyên
VOV.VN - Với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, sử thi chứa đựng cả một bề dày văn hóa, một chiều dài lịch sử cũng như những kinh nghiệm sống được tích lũy lâu đời.
Mỗi sử thi đều mang hồn cốt văn hóa, như thanh âm hùng vĩ của cuộc sống cộng đồng dân tộc nơi đại ngàn, vọng về từ hàng nghìn năm lịch sử. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên khi sử thi Tây Nguyên được coi là linh hồn, là cuốn “bách khoa toàn thư” của đồng bào Tây Nguyên.
Trong gian khách nhà dài, bên ánh lửa bập bùng giữa đêm, nghệ nhân trẻ Y Wôn Knul (ở buôn Ako Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chậm rãi hát kể bài Khan “Mdrong Dam”. Nội dung lời kể là câu chuyện về lai lịch, sự ra đời của chàng Mdrong Dam – một nhân vật anh hùng tiêu biểu trong sử thi Êđê: “Mdrong Dam là con của nàng H’Bia Knhí và chàng Dăm Bhu giàu có. Vợ Mdrong Dam là nàng H’Bia Êsun xinh đẹp. Sắc đẹp của nàng H’Bia Êsun khiến các tù trưởng quanh vùng ghen tỵ. Là người giỏi giang, tiếng tăm lừng lẫy, Mdrong Dam thường xuyên đi săn bắn, mở rộng buôn làng ra các hướng….”.
Qua lời kể của nghệ nhân, một không gian lịch sử như được tái hiện với những nhân vật anh hùng đậm màu sắc thần thoại, những phân cảnh sinh hoạt trong đời sống buôn làng, những mùa ăn năm uống tháng trong truyền thống văn hóa Êđê.
Trong khi nghệ nhân hát kể, mọi người ngồi xung quanh và im lặng để nghe những tiếng kể Khan trầm bổng ngân vang khắp ngôi nhà dài. Thỉnh thoảng, xen giữa những đoạn kể, nghệ nhân thổi một điệu sáo trầm bổng, du dương, càng khiến cho bài khan trở nên huyền ảo.
Theo nghệ nhân ưu tú Y Wang H Wing, ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, từ bao đời nay, lời kể Khan vẫn được người Êđê tôn trọng, gìn giữ và xem là di sản văn hóa, là giá trị tinh thần vô cùng quý giá của cộng đồng: "Bởi vì từ xưa trong ngôn ngữ của người Êđê có Lời nói vần, nói sâu xa ý nhị. Người nói biết khan, biết kưt, biết nói vần nên họ sử dụng nó để truyền đạt điều mình muốn nói, kể cả trong răn dạy con cháu, nói về lý lẽ luật tục, nói chuyện hôn nhân. Qua đó răn dạy mọi người về những điều hay, lẽ phải, dặn dò con cháu… những lời này họ đều nói một cách rất ý nhị bằng văn vần".
Hát kể Sử thi hay còn gọi là Khan, là Hri, Ot Ndrông, hay H’mon… (tùy theo mỗi dân tộc khác nhau). Mỗi sử thi đều chứa đựng những biến cố của dân tộc, xoay quanh những chiến công của các anh hùng có công bảo vệ buôn làng, chống lại những thế lực đen tối, xấu xa. Những nhân vật trong sử thi không mang tính cá nhân, mà đại diện cho ước vọng của cả cộng đồng, cho những cuộc đấu tranh vì lý tưởng nhân văn cao cả.
PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung, trường Đại học Tây Nguyên cho biết: tác phẩm sử thi phản ánh cả một quá trình lịch sử phát triển tộc người với các mối quan hệ đa chiều: "Mỗi một tác phẩm sử thi kể một câu chuyện liên quan đến nhiều chủ đề. Có những tác phẩm kể câu chuyện liên quan đến chủ đề về chiến tranh, hợp nhất bộ lạc, bộ tộc. Có những tác phẩm lại thể hiện đề tài hôn nhân gia đình, có những tác phẩm thể hiện về lao động sản xuất hay có những tác phẩm thể hiện về đời sống tín ngưỡng. Và đặc biệt đằng sau đó là bức tranh vô cùng độc đáo như chúng ta chứng kiến trong thực tiễn liên quan đến đời sống xã hội của các dân tộc tại Tây Nguyên".
Mỗi tác phẩm sử thi là một câu chuyện dài. Nếu ghi chép lại đầy đủ với các câu từ thì một bài sử thi có thể dài tới 3.000 – 4.000 câu, cũng có tác phẩm dài đến hàng vạn câu. Khác với sử thi của nhiều nền văn hóa khác trên thế giới, sử thi Tây Nguyên được lưu giữ trong trí nhớ của nghệ nhân và truyền lại cho cộng đồng bằng hình thức truyền miệng thông qua những sinh hoạt mang tỉnh cộng đồng.
Lý giải về điều này, Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: "Đồng bào Tây Nguyên vốn không có chữ, không có sách. Thì tất cả mọi thứ có thể để ghi chép thì bà con phải sử dụng trí nhớ. Và sử thi là một trong những kho tàng chứa đựng tất cả những tri thức hay những thông tin về lịch sử, về văn hóa, về đời sống xã hội của đồng bào. Nên sử thi có vai trò, có vị trí rất quan trọng trong đời sống của người Tây Nguyên".
Trong thực tế, sử thi được diễn xướng trong những đêm nhà có lễ lạt, ma chay, hiếu hỉ, mọi người ngồi quây quần quanh bếp lửa. Người hát kể sử thi chậm rãi trò chuyện, dẫn dắt bài kể và ngân nga, diễn xướng. Tùy vào tâm trạng, bối cảnh bài kể, người kể khi cao giọng, khi lắng trầm, khi lại ngâm ngợi, khi diễn giọng nữ, khi diễn giọng nam, khi giọng quỷ, khi giọng thần tiên. Dường như mọi cảm xúc của họ đều dồn hết vào từng nhân vật, như đắm chìm vào thế giới riêng và mỗi lần kể là mỗi lần thăng hoa. Cứ như vậy, có những bài sử thi chỉ kể hết trong một đêm, cũng có những bài kéo dài từ đêm này qua đêm khác, có khi kéo dài cả tuần.
Tính chất của sử thi là những câu hát vần, đối đáp, ứng biến linh hoạt tùy theo không gian thể hiện hay bối cảnh và trí nhớ của người kể. Họ sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa, ước lệ để làm bật lên tính cách, tài năng nhân vật, tạo nên một yếu tố kỳ ảo trong sử thi, khiến cho người nghe như được sống trong không gian kỳ ảo cùng với các nhân vật.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kđăm cho rằng, chính sự sáng tạo độc đáo của nghệ nhân đã tạo nên những tác phẩm trường tồn trong cộng đồng: "Đó là những tiểu thuyết bằng thơ rất là đa dạng, là một kho tàng văn học truyền miệng vô cùng độc đáo của người Tây Nguyên, giá trị nhân văn của nó rất lớn, giá trị về mặt nghệ thuật, văn vần, sự sáng tạo của các cụ cũng rất là đặc biệt. Trường ca sử thi Tây Nguyên là một di sản vô cùng tuyệt vời, độc đáo và phong phú".
Những nghệ nhân kể sử thi là những kho tàng sống, góp phần lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá của người Tây Nguyên. Ngoài trí nhớ thiên bẩm, nghệ nhân phải am hiểu phong tục tập quán, có trải nghiệm mới thể hiện được những lời khan chân thật nhất. Bởi vì chủ đề chính của sử thi là những con người kỳ vĩ, những anh hùng lý tưởng của dân tộc, là niềm tự hào của cộng đồng và được nhân dân tôn kính. Đó là những Dam San, Dam Yi, Dam Bhu, Dam Bha, Dam Noi, Buh Klông, Tiông, Jông, Jú,… Mỗi sử thi gắn bó với cuộc sống cộng đồng, phản ánh mọi khía cạnh của đời sống của xã hội Tây Nguyên, từ con người, thiên nhiên, đến thế giới thần linh, lịch sử, văn hóa…
Bởi thế, sử thi được xem là “bách khoa thư” của một tộc người.