Khai hội đạp xe Vì hòa bình
VOV.VN - Giữa cầu Hiền Lương lịch sử, khi 70 em học sinh tung đàn chim bồ câu, các vị đại biểu thả những quả bóng bay lên bầu trời thì cũng là lúc 600 vận động viên bắt đầu khai hội diễu hành, đạp xe Vì hòa bình.
Sáng nay 29/6, tại kỳ đài bờ bắc di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, UBND tỉnh Quảng Trị, Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức khai hội đạp xe Vì hòa bình, mở đầu cho chuỗi sự kiện Lễ hội Vì hòa bình lần đầu được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế tại Quảng Trị.
“Ngày hội đạp xe Vì hòa bình” tôn vinh giá trị của hòa bình, tưởng niệm, tri ân là dịp để giới thiệu một số di tích lịch sử tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; Giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, vùng đất, con người Quảng Trị với nhân dân cả nước và nước ngoài. Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, Việt Nam là nước yêu chuộng hòa bình. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh điều đó. Hơn ai hết, dân tộc Việt Nam nhận rõ giá trị của hòa bình.
Mỗi người có mặt trong sự kiện Ngày hội đạp xe Vì hòa bình là 1 sứ giả Vì hòa bình, truyền khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam nói chung và người dân Quảng Trị nói riêng trong các cuộc đấu tranh vì nền hòa bình; xây dựng thông điệp hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Với những kỳ vọng đó, khi những vòng xe của sự kiện đạp xe diễu hành lăn bánh trong sáng 29/6, cũng là lúc những ý tưởng, những thông điệp hòa bình muốn chuyển tải được lồng ghép, thể hiện qua từng điểm đến, từng hoạt động tại các điểm đến. Trong đó với Vĩ tuyến 17- cầu Hiền Lương- sông Bến Hải, là nơi khắc ghi nỗi đau chia cắt đất nước đằng đẵng hơn 20 năm (1954-1975). Đây không chỉ là điểm đến tri ân mà còn là hiện thân, nơi hội tụ của khát vọng hòa bình, thống nhất non sông.
Ông Nam nói: "Ngày hội đạp xe vì hoà bình cũng là dịp để giới thiệu một số di tích tiêu biểu trên địa bàn, quảng bá về hình ảnh, văn hoá của vùng đất, con người Quảng Trị với nhân dân trong nước và quốc tế về khát vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Trị nói riêng trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập vì nền độc, tự do của dân tộc. Đến với Ngày hội đạp xe vì hoà bình năm 2024, du khách sẽ cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt và có những trải nghiệm thú vị, khám phá những điểm du lịch đậm nét Quảng Trị với bức tranh đầy màu sắc do thiên nhiên ban tặng và do bàn tay con người sáng tạo nên. Một Quảng Trị thân thiện, hiếu khách sẽ là điểm đến không thể không dừng chân trên bản đồ du lịch Việt Nam”.
Khi đoàn diễu hành của 600 vận động viên đi qua cầu Hiền Lương (cũ), các vị đại biểu đã tung những cánh chim bồ câu, các em học sinh thả những quả bóng bay lên trời xanh, nguyện cầu hòa bình. Đoàn tham gia đạp xe diễu hành từ đây đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, và kết thúc tại Công viên Fidel, thành phố Đông Hà. Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đoàn thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ, tặng quà các gia đình có công với cách mạng, em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Cuối cùng, tại Công viên Fidel, các vận động viên, đại biểu tham gia ký tên, viết thông điệp lên lá cờ biểu tượng của lễ hội. Lá cờ rộng 54 m2, đại diện cho 54 dân tộc anh em của Việt Nam, trên đó có những hoạ tiết hình tượng chủ đạo là chim bồ câu ngậm bông lúa thể hiện khát vọng hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
Cùng với dải lụa đa sắc: đỏ và vàng tượng trưng cho cờ Tổ quốc; màu đỏ cũng là màu máu của các anh hùng liệt sĩ đã xả thân cho hòa bình hôm nay; màu xanh là màu của hòa bình, màu của sự sống hồi sinh và phát triển. Và lá cờ này sẽ được gửi lên Ủy ban Quốc gia UNESCO, như một thông điệp của những người yêu chuộng hòa bình.