Khánh thành Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo dù đã chia tay người thân, bạn bè đi vào cõi thiên thu nhưng những tác phẩm thấm đẫm chất quê, giản dị và trữ tình của ông như "Khúc hát sông quê", "Làng quan họ quê tôi", “Đôi mắt đò ngang”... vẫn luôn hiện hữu trong lòng công chúng.

Tối 12/6, tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (Nghệ An) diễn ra lễ khánh thành Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và chương trình nghệ thuật “Nguyễn Trọng Tạo - Cõi nhớ”.

Tham dự chương trình có nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp; Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu; lãnh đạo các sở, ngành; đông đảo thân nhân, bạn bè văn nghệ sĩ cùng bà con nhân dân địa phương.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25/8/1947 trong một gia đình nho học ở làng Trường Khê (nay là Diễn Hoa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông là người đa tài, sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm trong các lĩnh vực nghệ thuật: sáng tác bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, sáng tác bài hát đầu tiên năm 20 tuổi và xuất bản tập thơ đầu tiên vào năm 27 tuổi.

Nguyễn Trọng Tạo còn là một người lính, nhập ngũ năm 1969. Từ bộ đội, ông đi học Trường Viết văn Nguyễn Du, trải qua nhiều vị trí công tác ở Nhà văn hóa Quân Khu 4, Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

Trong suốt sự nghiệp của mình, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo xuất bản hơn 20 đầu sách gồm thơ, văn, nhạc, phê bình tiểu luận. Ông là tác giả của những tập thơ, trường ca như: Đồng dao cho người lớn, Nương Thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc). 

Những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca Nguyễn Trọng Tạo như dòng sông, con đò, đôi mắt, vầng trăng, nốt nhạc… được cách điệu; hàm chứa tình cảm thiết tha với quê hương, đất nước và sự tân thời, hội nhập trong phong cách nghệ thuật của nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa.

Về âm nhạc, Nguyễn Trọng Tạo cũng có nhiều ca khúc được công chúng yêu mến như: "Làng quan họ quê tôi" là ca khúc đã được Hãng JVC (Nhật Bản) chọn làm đĩa karaoke 100 bài hát Việt Nam và từng được Dàn nhạc giao hưởng Leipzig (Đức) trình tấu.

Ca khúc "Khúc hát sông quê" phổ thơ Lê Huy Mậu là một tác phẩm âm nhạc đi vào lòng công chúng: "Ơi! Con sông quê, con sông quê/ Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ/ Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng…”. Gần gũi thân thương, "Khúc hát sông quê" giúp người nghe như được trở về với tuổi thơ của mình.

Không chỉ nổi tiếng bởi thơ và nhạc, Nguyễn Trọng Tạo còn được biết đến là một họa sỹ, một nhà báo, viết truyện ngắn, vẽ bìa sách… Ông trình bày khoảng 500 bìa sách, và đã từng nhận 2 giải thưởng “Bìa sách đẹp” của Bộ Văn hóa – Thông tin.

Với những cống hiến lớn lao cho nghệ thuật nước nhà, trong sự nghiệp của mình ông đã nhận được nhiều giải thưởng lớn như “Giải đặc biệt Văn học Nghệ thuật Hà Bắc 1981”; Giải Nhì cuộc thi ca khúc Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Bộ Văn hóa 1984-1985; 4 Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương với ca khúc “Đôi mắt đò ngang”.

Cuối năm 2017, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo bị tai biến khi đang ở quê nhà Nghệ An. Qua cơn bạo bệnh, Nguyễn Trọng Tạo càng có thêm cảm xúc để sáng tạo. Tháng 8/2018, ông tổ chức đêm thơ - nhạc “Khúc hát sông quê” tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An - liveshow đầu tiên và cũng là duy nhất mà ông tổ chức tại quê hương.

Người nghệ sĩ sống một cuộc đời trọn vẹn vì nghệ thuật tâm sự: "Ai cũng bảo Nguyễn Trọng Tạo là người may mắn. Từ sau khi bị tai biến, tôi thấy mình sống có cảm xúc hơn. Đến bây giờ, có thể nói tôi đã thoát khỏi tay thần chết, thoát khỏi một cuộc sống quá khó khăn".

Ngày 7/1/2019, ông qua đời vì bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 72 tuổi. “Người bước ra từ ca dao”, “nhạc sĩ của đồng quê Việt Nam” không còn nữa nhưng di sản nghệ thuật mà ông để lại mãi mãi còn lưu giữ trong trái tim của công chúng nhiều thế hệ.

Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là công trình ý nghĩa, không chỉ hiện thực hóa tâm nguyện của ông và gia đình, mà còn đáp ứng mong mỏi của đông đảo bạn hữu văn nghệ sĩ, người hâm mộ. 

Nhiều bạn hữu giãi bày những kỷ niệm đáng nhớ về Nguyễn Trọng Tạo khi tham quan Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Khu tưởng niệm được khởi công xây dựng từ tháng 7/2022 ngay tại nơi ông sinh ra và lớn lên, do chính con trai ông là Kiến trúc sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Trọng Thi thiết kế, lấy ý tưởng từ trong các sáng tác của ông và đặc trưng 3 vùng đất mà ông từng sống: Huế, Nghệ An và Hà Nội.

Nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa nhưng tiếng vọng của thơ nhạc còn vang mãi, sống mãi trong lòng công chúng. Trong không khí xúc động tưởng nhớ nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa, các đại biểu, thân nhân và bạn bè, công chúng hâm mộ đã cùng lắng nghe những nhạc phẩm nổi tiếng do ông sáng tác như: Chèo thuyền trên sông Bùng; Câu hát quê hương; Làng quan họ quê tôi; Đôi mắt đò ngang; Một dại khờ, một tôi…, qua giọng ca của các nghệ sĩ nổi tiếng: Anh Thơ, Trọng Tấn, Hà Quỳnh Như…

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nguyễn Trọng Tạo – Nửa say nửa tỉnh nửa đau
Nguyễn Trọng Tạo – Nửa say nửa tỉnh nửa đau

VOV.VN - Nguyễn Trọng Tạo được xem là một nhân vật đặc biệt bởi sự tài hoa và đa dạng trong hoạt động sáng tạo. Ông là nhạc sĩ, nhà báo (Trưởng ban Biên tập thơ Báo Văn nghệ), họa sĩ, tác giả của biểu tượng Ngày thơ Việt Nam... nhưng phần quan trong nhất và chiếm số lượng nhiều nhất trong sự nghiệp sáng tạo của ông vẫn là thơ.

Nguyễn Trọng Tạo – Nửa say nửa tỉnh nửa đau

Nguyễn Trọng Tạo – Nửa say nửa tỉnh nửa đau

VOV.VN - Nguyễn Trọng Tạo được xem là một nhân vật đặc biệt bởi sự tài hoa và đa dạng trong hoạt động sáng tạo. Ông là nhạc sĩ, nhà báo (Trưởng ban Biên tập thơ Báo Văn nghệ), họa sĩ, tác giả của biểu tượng Ngày thơ Việt Nam... nhưng phần quan trong nhất và chiếm số lượng nhiều nhất trong sự nghiệp sáng tạo của ông vẫn là thơ.

'Nguyễn Trọng Tạo tài hoa, không dễ có lại được người như thế'
'Nguyễn Trọng Tạo tài hoa, không dễ có lại được người như thế'

Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là người đa tài, sống tận hiến với nghệ thuật, khi mất đi không dễ có lại một người như thế.

'Nguyễn Trọng Tạo tài hoa, không dễ có lại được người như thế'

'Nguyễn Trọng Tạo tài hoa, không dễ có lại được người như thế'

Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là người đa tài, sống tận hiến với nghệ thuật, khi mất đi không dễ có lại một người như thế.

Nguyễn Trọng Tạo: Xin được viếng ông bằng bài thơ “Lần cuối”
Nguyễn Trọng Tạo: Xin được viếng ông bằng bài thơ “Lần cuối”

VOV.VN -Bài thơ “Lần cuối” tôi viết sau khi nghe tin ông mất, như một nén tâm nhang thương tiếc và biết ơn ông – Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

Nguyễn Trọng Tạo: Xin được viếng ông bằng bài thơ “Lần cuối”

Nguyễn Trọng Tạo: Xin được viếng ông bằng bài thơ “Lần cuối”

VOV.VN -Bài thơ “Lần cuối” tôi viết sau khi nghe tin ông mất, như một nén tâm nhang thương tiếc và biết ơn ông – Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.