Khoảng 620.000 lượt người dân và du khách đến lễ hội đua ghe Ngo – Oóc Om Bóc
VOV.VN - Sau 1 tuần diễn ra, “Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024” đã bế mạc chiều nay.
Giải đua ghe ngo là hoạt động điểm nhấn và thu hút đông nhất người dân và du khách đến tham gia trong Lễ hội. Theo Ban tổ chức, trong 2 ngày diễn ra giải đua đã thu hút khoảng 200.000 lượt người đến xem và cổ vũ, tăng 30% so với năm ngoái.
Đua ghe ngo năm nay thu hút sự tham gia của 60 đội ghe với trên 7.000 vận động viên tham gia; trong đó có 48 đội ghe Ngo đến từ các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng và 12 đội ghe Ngo đến từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.
Sau những trận tranh tài sôi nổi và kịch tính, giải đua đã kết thúc vào chiều nay với chức vô địch cả ghe ngo nam và ghe ngo nữ đều thuộc về đội ghe ngo chùa Tum Núp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, 2 ghe ngo nam và nữ của chùa Tum Núp cùng đạt giải nhất trong giải đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer tại tỉnh Sóc Trăng.
Chị Lâm Thị Hồng, vận động viên ghe ngo nữ chùa Tum Núp chia sẻ niềm vui: "Được hạng nhất chị em phụ nữ chúng tôi vui lắm. ghe ngo nữ và nam đều được giải nhất. Năm ngoái cũng giành giải nhất, vui lắm".
Đối với giải nhì và giải ba của ghe ngo nam lần lượt thuộc về chùa Kos Thum đến từ tỉnh Bạc Liêu và chùa Sro Lôn thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Với ghe ngo nữ, giải nhì thuộc về chùa Ô Chum, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng và ghe ngo chùa Kos Thum đạt giải 3.
Ngay sau giải đua ghe ngo kết thúc, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức bế mạc lễ hội. Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, với 11 hoạt động diễn ra đã khắc hoạ nét đẹp văn hoá, truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng.
Đặc biệt, thông qua các hoạt động đã thu hút khoảng 620.000 lượt người dân và du khách, trong đó có gần 1.500 khách quốc tế về tham gia và tham quan các hoạt động, tăng 10% so với năm ngoái; trong đó có trên 19.000 lượt khách lưu trú, tổng doanh thu cho các hoạt động của lễ hội đạt khoảng 80 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: Qua đó đã giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của tỉnh Sóc Trăng đến với du khách trong và ngoài tỉnh góp phần bảo tồn và phát huy các trị văn hóa truyền thống, thu hút đầu tư vào du lịch. Đây là cơ hội để tỉnh tiếp tục định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực và dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh theo quy hoạch tỉnh Sóc Trăng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024” được tổ chức nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là các hoạt động văn hóa Lễ hội; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Ngoài ra phản ánh sự đa dạng, nét độc đáo về văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng và của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khuôn khổ của Lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao được lồng ghép tổ chức đã đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Sóc Trăng. Qua đó góp phần thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia hoạt động phát triển du lịch địa phương.