Lễ cúng thần cây thuốc rừng của người Dao Quần Chẹt
VOV.VN - Thôn Tân Lập, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có 100% người Dao sinh sống. Nơi này từ lâu nổi tiếng về nghề thuốc nam gia truyền. Tục cúng thần cây thuốc rừng dịp đầu năm được bà con lưu truyền từ đời này sang đời khác để cảm ơn tổ tiên, thần rừng phù hộ cho bà con có nhiều sức khỏe, bình an.
Từ đời này qua đời khác, người Dao Quần Chẹt ở xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, Tỉnh Thái Nguyên truyền cho nhau nghề hái thuốc và bốc thuốc nam. Các loại cây, lá trong rừng đối với người dân nơi đây đều là những sản vật qúi của núi rừng ban tặng cho con người để phòng trừ và chữa các bệnh tật.
Cúng thần cây thuốc rừng tiếng Dao gọi là “Ship đèng nòm menh miênz”. Đồng bào quan niệm con người, cây cối, vạn vật xung quanh đều có linh hồn. Vì thế, các thầy bốc thuốc nam ở xã Phú Xuyên cho rằng: thần cây thuốc luôn bảo vệ, che chở cho dân làng, mọi hoạt động của các thầy thuốc đều được thần cây thuốc rừng quan sát, theo dõi.
Từ xa xưa các cụ người già đã lưu truyền lại những cây thuốc quý ở trên rừng. Những cây thuốc đó lại có rất nhiều tác dụng chữa khỏi bệnh, những bệnh như là bệnh xương khớp, đau bụng thông thường thì chỉ cần vài những lái cây nấu nước lên uống là khỏi. Nghi thức cúng cây thuốc rừng dịp đầu năm chính là để tạ ơn, trả ơn, rồi tri ân nguồn tài nguyên quý của rừng, những cây thuốc quý rừng. Và cũng mang ý nghĩa tâm linh nữa, tức là mình trả ơn, trả lễ và cũng mong sự phù hộ độ trì của thần rừng, của thần linh, của những vị thần cai quản những khu vực rừng mình hái những cây thuốc đó, phù hộ độ trì cho tác dụng của thuốc tốt hơn, làm cho những cây thuốc đó mọc nhanh, mọc tốt- chị Dương Thị Kim Cảnh, người dân ở thôn Tân Lập, xã Phú Xuyên cho biết.
Việc thờ cúng thần cây thuốc rừng được thực hiện trong phạm vi từng gia đình hay lấy cây thuốc rừng, thường xuyên phải sử dụng cây thuốc rừng, bây giờ chủ yếu ở những gia đình hành nghề bốc thuốc Nam chữa bệnh. Nghi thức này được cúng vào dịp đầu năm, thường là ăn Tết xong gia chủ sẽ chọn một ngày phù hợp và mời thầy đến cúng. Nhưng cũng có gia đình cúng mỗi năm hai lần, đầu năm và giữa năm một lần nữa.
Ông Triệu Văn Viên, chủ hộ bốc thuốc nam ở thôn Tân Lập, xã Phú Xuyên cho biết: Tục cúng cây thuốc rừng dịp đầu năm của người Dao Quần Chẹt chúng tôi là một nghi lễ không thể bỏ được. Ngoài ra, mỗi lần vào rừng hái thuốc, gặp cây thuốc đầu tiên phải đọc lời khấn xin, sau đó mới được lấy cây thuốc về. Thuốc chỉ được hái với số lượng vừa đủ, không hái quá nhiều, để ai cũng được hưởng lộc của rừng và cũng để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Người thấy thuốc phải cẩn trọng lời ăn, tiếng nói, tránh mạo phạm đến thần cây thuốc rừng nếu không sẽ bị quở trách.
Lễ vật của mâm cúng cây thuốc rừng đơn giản, tùy vào lòng thành tâm của gia chủ, có thể cúng đồ mặn hoặc cúng chay đều được. Lễ vật không quá cầu kỳ có thể chỉ là miếng thịt, một con gà, cũng có thể chỉ là hai bìa đậu luộc, hai quả trứng, một bát gạo đều có thể làm lễ vật cúng thần cây thuốc rừng. Đồ lễ cúng đơn giản là vậy nhưng nhất thiết phải có đồ giấy tiền vàng làm từ giấy bản của người Dao.
Theo thầy cúng Phùng Văn Lầm, nghi thức cúng này đối với người Dao Quần Chẹt chỉ cần mời một thầy cúng trước bàn thờ gia tiên. Nhưng đối với nhóm ngành Dao Đỏ thì cần đến hai thầy cúng, một thầy cúng ở nhà, một thầy cúng ở ngoài sân hoặc ở cạnh bìa rừng.
Cúng xong, lễ vật cúng thần cây thuốc được hạ xuống, các thành viên trong gia đình phấn khởi cùng nhau thụ lộc, mong muốn luôn nhận được sự che chở, phù hộ của thần cây thuốc rừng.
Ngày nay, thuốc nam của người Dao Phú Xuyên, Đại Từ, Thái Nguyên đã trở thành một sản phẩm du lịch, được nhiều du khách đặt mua. Và tục cúng thần cây thuốc rừng của bà con nơi này cũng được duy trì để cầu mong sức khỏe, bình an, cũng như sự phát triển của nghề bốc thuốc nam truyền thống.