Lễ giỗ tổ – Nét văn hóa đầu Xuân vùng đảo Hà Nam, Quảng Ninh
VOV.VN - Xuân về, mỗi người con đất Quảng Yên lại náo nức tìm về quê hương, về Nhà thờ họ - nơi gắn bó mật thiết với lịch sử hình thành vùng đảo Hà Nam vào thế kỷ XV. Quảng Yên hiện có hàng chục Nhà thờ họ được ghi danh là di tích cấp quốc gia, không chỉ là nơi thờ cúng trang nghiêm mà còn bao hàm những quy ước gia tộc
Thị xã Quảng Yên là vùng đất giàu truyền thống văn hóa của tỉnh Quảng Ninh với trên 120 dòng họ, trong đó có 23 dòng họ Tiên công. Mùa xuân, vùng đất Quảng Yên khoác lên mình tấm áo mới tràn đầy sức sống của lộc biếc hoa cỏ thì cũng là lúc các dòng họ đồng loạt tổ chức giỗ tổ, tưởng nhớ các vị Tiên Công. Những ngày này, Nhà thờ họ được trang trí bằng cờ ngũ sắc, câu đối và những bức hoành phi mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất lấn biển được hình thành từ khoảng thế kỷ XV.
Đây cũng là dịp thế hệ con cháu trong dòng họ, dù công tác hay làm ăn xa xứ quanh năm đều trở về để thành kính dâng nén hương thơm, tưởng nhớ tổ tiên: “Đầu năm, tất cả các dòng họ Hà Nam, các con cháu đều về quê vào ngày giỗ Tổ để ghi nhớ cội nguồn. Vào ngày này, gia đình nào có cụ Thượng thọ từ 80 tuổi trở lên sẽ làm cỗ dâng lên nhà thờ họ gồm: đầu lợn, bánh dày, các loại hoa quả... Tất cả đều đóng góp, đây là niềm tự hào và là trách nhiệm của từng thành viên để xây dựng Nhà thờ họ khang và thịnh vượng".
Được đánh giá là một trong những dòng họ lớn của vùng đảo Hà Nam, từ đường họ Vũ nơi thờ cụ thuỷ tổ dòng họ Vũ Hồng Tiệm ở xã Phong Cốc được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2001. Theo sử sách, năm 1.434, cụ Vũ Hồng Tiệm (ở phủ Hoài Đức, kinh thành Thăng Long) cùng 16 người khác sắm thuyền, xuôi dòng Bạch Đằng giang đi tìm nơi định cư mới. Họ phát hiện một bãi triều rộng lớn, nước ngập mênh mông nhưng rải rác có những "đượng" đất nổi lên trên mức triều. Nhận thấy đây là vùng ven biển có khí hậu hiền hòa nên cùng nhau quai đê lấn biển, lập ấp. Ghi nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân, hậu duệ đời sau suy tôn các cụ là những Tiên công và thờ phụng như những Thành hoàng làng. Cụ Vũ Hồng Tiệm cùng các cụ Tiên công khác cũng được triều Nguyễn sắc phong “Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần”, ghi nhận công lao của các bậc khai lập vùng đất này.
Ông Vũ Trọng Lưu, Chủ tịch Hội đồng gia tộc dòng họ Vũ Hồng chia sẻ đây chính là nền tảng vững chắc để hậu thế tri ân và tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dòng họ: “Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ở họ nhà tôi đây cán bộ kháng chiến luôn qua lại họp hành. Con cháu bây giờ cũng phát đạt làm ăn thì tốt, dòng họ hàng năm vẫn tổ chức tham gia lễ hội Tiên Công vào đầu năm, động viên con cháu học hành, tham gia tế lễ làm ăn... đặc biệt ngày Thanh minh, phần mồ các cụ từ Thủy tổ cho đến bây giờ vẫn được giữ gìn".
Ngoài lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, mỗi ngôi Nhà thờ họ còn ẩn chứa những quy ước, gia quy dòng tộc có sức mạnh ràng buộc, rèn giũa nhân cách và định hướng con cháu đến những điều tốt đẹp bằng các quy định đơn giản, dễ nhớ nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Đơn cử như quan điểm "Vạn đại huyết mạch” (con cháu trong dòng họ không được kết hôn với nhau) hay truyền thống "kính trên nhường dưới", "hiếu nghĩa với tổ tiên", "đoàn kết trong dòng họ" và chăm lo học hành, phát triển kinh tế.
Ông Ngô Minh Tâm - nguyên Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Ngô, bày tỏ: “Giỗ Tổ, ngày tế Tổ đầu năm đều có chương trình nhắc nhở đánh giá chung về điểm mạnh điểm yếu, con cháu tiến bộ thì được nêu gương. Có phương pháp giáo dục rất hay là khen thì khen chỗ đông người, còn nhắc nhở thì nhắc cá nhân chứ không làm mất thể diện cá nhân. Cái rất hay là làm cái gì mình cũng phải xem có làm được không mới nói, có được không mới làm. Việc thi đua theo hương ước của xã, đối với cụ cao tuổi như thế nào, đối với cụ thượng 80 như thế nào, các lễ nghi đình đám rước Thánh như thế nào, rước Tiên công như thế nào,... Họ nào làm tốt hơn thì học người ta".
Những ngôi Nhà thờ họ tại Quảng Yên thường xây dựng theo kiến trúc truyền thống với 5 gian 2 chái. Phần chính điện là nơi đặt bàn thờ tổ tiên được bài trí trang trọng với ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối và các vật phẩm tế lễ. Hai bên trái, phải là không gian phụ trợ dùng để tiếp khách, hội họp dòng tộc hay lưu giữ các bản gia phả, quy ước gia tộc... Mỗi ngôi Nhà thờ họ dù quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng tất cả đều mang đậm dấu ấn văn hóa gia tộc và thể hiện sự tôn kính với tổ tiên, dòng họ.
Ông Nguyễn Thế Nhâm, Chủ tịch UBND phường Phong Cốc (thị xã Quảng Yên) cho biết: Các hoạt động khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ người gặp khó khăn đều được triển khai thông qua các dòng họ như "cánh tay" nối dài của chính quyền địa phương: “Thực tế việc tuyên truyền vận động thông qua ông chủ tịch gia tộc dòng họ tốt hơn rất nhiều, thứ nhất, tinh thần đoàn kết của nhân dân tốt hơn, thứ hai là nhân dân chấp hành tốt về chủ trương chính sách của đảng, cái thứ ba là đơn thư khiếu kiện đối với các địa phương thì riêng Phong Cốc là cái việc gần như không có, vì việc giải quyết mâu thuẫn là từ trong dòng họ, trên bảo dưới con cháu là nghe theo chủ tịch gia tộc, mâu thuẫn trong xóm cũng như trong khu phố cũng được hạn chế rất nhiều".
“Cây có gốc nở cành xanh ngọn/Nước có nguồn bể cả sông sâu/Người ta sinh trưởng bởi đâu/Gốc là thiên tổ, ơn sâu rõ ràng.” Lời thơ không chỉ là triết lý nhân sinh mà còn nhắc nhớ mỗi người về cội nguồn và trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa dòng tộc. Hình ảnh những mái Nhà thờ họ ở Quảng Yên thâm trầm nhưng đầy sức sống là cầu nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Và chính trong hành trình kết nối ấy, tình yêu quê hương, nguồn cội được dung dưỡng, trở thành động lực để các thế hệ trẻ tiếp tục nỗ lực vượt qua chính bản thân mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.