Lễ hội Chợ Đình Bích La trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
VOV.VN - Hàng nghìn người dân địa phương và du khách đã về dự lễ hội Chợ Đình Bích La tại thôn Bích La, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đây là phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần vào khuya Mồng 2 đến sáng Mồng 3 Tết.
Lễ hội Chợ Đình Bích La do các dòng họ ở thôn Bích La, xã Triệu Đông (nay là xã Triệu Thành), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, tổ chức.
Lễ hội gồm 2 phần là nghi lễ tôn nghiêm gọi thần Kim Quy và phần hội. Khi gà cất tiếng gáy đầu tiên đón chào ngày mới, các vị cao niên trong làng tiến hành nghi lễ dâng hương cầu nguyện, tạ ơn các bậc tiền nhân tại đình làng. Tiếp đó dân trong làng Bích La dành những sản vật do chính người dân làm ra từ đồng đất quê hương để bày bán trong phiên chợ. Ai đến chợ cũng cố gắng mua cho được một thứ gì đó với mục đích cầu may mắn.
Tương truyền, tại hồ nước trước đình làng Bích La xưa, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị có một con rùa vàng sinh sống. Hàng năm, vào đêm mồng 2 rạng sáng mồng 3 Tết cổ truyền, dân làng đến thắp hương, dâng hoa ở đình làng và xem rùa nổi lên mặt hồ. Năm nào, rùa nổi là điềm báo tốt lành một năm mưa thuận gió hoà, dân làng làm ăn phát đạt, thịnh vượng. Năm nào, rùa vàng không nổi là điềm báo một năm thất bát, vì vậy, dân làng nghĩ ra cách gõ mõ, đánh thanh la đánh thức rùa vàng dậy, bơi lội trên mặt hồ để ban phát cho dân làng vận may, phát tài phát lộc.
Hàng năm, vào đêm Mồng 2, rạng sáng Mồng 3 Tết, dân làng Bích La lại hội tụ về đình làng thắp hương, khấn lễ đầu năm và trẩy hội. Từ đó, hình thành nên phiên Chợ đình Bích La truyền thống của làng. Phiên chợ bày bán các loại sản vật của địa phương. Người dân khắp nơi tìm về Chợ đình Bích La cầu may, cầu tài, cầu lộc đầu năm và trẩy hội.
Ông Lê Văn San, ở thôn Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong cho biết: “Lễ hội chợ đình Bích La đã có từ hàng trăm năm trước. Xuất phát từ tâm linh, cứ Mồng 3 Tết, dân làng tới đánh trống, khua chiêng, gõ mõ để cầu thần Kim Quy nổi lên. Lâu dần thành tập tục, họ đến đây, người đông thành chợ. Trong lễ hội có các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian, viết thư pháp, chữ đẹp…”.