Miếu Ông – Miếu Bà: Cột mốc văn hóa nơi địa đầu tổ quốc
VOV.VN - Di tích Miếu Ông - Miếu Bà là minh chứng cho quá trình chinh phục tự nhiên, khai phá vùng đất biên giới phía bắc Tổ quốc, cũng như công cuộc chống giặc ngoại xâm gìn giữ non sông, bờ cõi của cha ông ta.
Hiếm có nơi nào mà trên cùng một dòng sông lại tồn tại hai ngôi miếu linh thiêng đối diện nhau với bề dày và chiều sâu lịch sử như Miếu Ông – Miếu Bà thuộc huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Di tích Miếu Ông - Miếu Bà là minh chứng cho quá trình chinh phục tự nhiên, khai phá vùng đất biên giới phía bắc Tổ quốc, cũng như công cuộc chống giặc ngoại xâm gìn giữ non sông, bờ cõi của cha ông ta. Không chỉ là địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng của các dân tộc anh em huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, đây còn là điểm đến của du khách thập phương dịp lễ hội, Tết đến, xuân về.
Sông Ba Chẽ dài 80 km quanh co uốn lượn qua các làng bản dọc quốc lộ 18, đổ vào vào thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Bao đời nay, nơi cửa sông này vẫn còn đó 2 ngôi miếu cổ: Miếu Ông và Miếu Bà- gắn liền với câu chuyện lui quân chống thế giặc Nguyên Mông của hai vị vua Trần.
Tháng 2/1285, trong cuộc hành quân chiến lược tạo thế và lực chống quân Nguyên - Mông, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã đi qua sông Ba Chẽ. Trước sức mạnh của quân giặc vào thời điểm đó, tả tướng quân Lê Bá Đức đã cho người cùng hộ giá vua và Thái Thượng Hoàng lui về an toàn.
Ông Hoàng Minh Đức, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ; Trưởng Ban quản lý khu di tích Miếu Ông – Miếu Bà cho biết, khu vực di tích Miếu Ông – Miếu Bà có địa thế chiến lược về mặt quân sự, là nơi có thể giấu quân về luyện tập. Cho nên vào thời điểm đó, thế giặc rất mạnh, các vị vua Trần đã rút về khu vực này cho một tả tướng quân Lê Bá Đức ém quân ở đây để tiếp tục chiến đấu, sau đó các vị vua rời thuyền, đi bộ rút về Thủy Chú (tức huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng), sau đó rút về Thanh Hóa tiếp tục chống giặc Nguyên Mông.”
Miếu ông được dân làng lập nên thờ tả tướng quân Lê Bá Đức. Các cụ cao niên kể lại: miếu Ông quay mặt theo hướng Tây Nam, xưa kia có diện tích khoảng 50 m2, mái lợp ngói âm dương, tường gạch đất nung; xung quanh là sân rộng trồng nhiều cây cối. Sau Cách mạng tháng 8/1945, ngôi miếu là nơi nhân dân tổ chức “Bình dân học vụ” và khu vui chơi cho trẻ em trong vùng. Trải qua năm tháng, ngôi miếu đã đổ nát hoang tàn, chỉ còn lại nền cũ rêu phong và một số gốc cây cổ thụ. Năm 2015, di tích miếu Ông được tôn tạo lại với diện tích trên 500 m2, với quy mô ba gian, hai chái, mái lợp mũ hài; địa thế “tựa sơn, đạp thủy” rất đẹp.
Đối diện với Miếu Ông, bên kia bờ sông là Miếu Bà là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn (tức Bà chúa của rừng xanh). Theo truyền thuyết, Mẫu là con gái của Sơn Tinh (tức Tản viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương (con gái Vua Hùng thứ 18). Bà đã có công dạy người dân miền núi cách trồng cây ăn quả, trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc để chữa bệnh… Người dân nơi đây vẫn luôn tin rằng Mẫu Thượng Ngàn và tả tướng quân Lê Bá Đức sẽ luôn dõi theo phù hộ cho đời sống của 10 dân tộc anh em trên địa bàn huyện Ba Chẽ.
Vào ngày 1/3 (âm lịch) hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà. Điểm độc đáo của lễ hội là Lễ rước nước từ sông Ba Chẽ về Miếu Ông để thực hiện lễ Mộc Dục (lễ tắm tượng); Bên cạnh đó còn có lễ rước bài vị Thành hoàng, lễ dâng hương của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ và Lễ phóng sinh, với nghi thức thả cá xuống dòng sông Ba Chẽ. Trong lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian, như: Thi gói bánh chưng, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt bắt vịt, chèo thuyền bằng chân...
Chị Lục Mai Phương người dân sống tại địa bàn xã Nam Sơn, huyện Ba chẽ, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, vào những ngày rằm, mùng 1 hay lễ Tết những người dân xã Nam Sơn vẫn thường xuyên đến đây thắp hương, cầu mong sức khỏe, những điều tốt lành đến với gia đình, may mắn trong cuộc sống, công việc. Người dân chúng tôi cảm thấy rất tự hào.”
Chị Lê Vũ Hằng, du khách đến từ thành phố Hà Nội cảm nhận, đây là lần đầu chị đến đây, một vùng đất rất thanh bình. Ở đây có cả người Kinh và rất nhiều người của các dân tộc khác nhau. Chị Hằng cho biết, chị cảm thấy rất ấn tượng với cảnh quan sông núi ở đây, nhất là với con sông Ba Chẽ. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị cũng được biết đến di tích Miếu Ông, Miếu Bà, hôm nay tôi đến đây vừa để tham quan, chiêm bái bà vừa để tìm hiểu.
Những năm gần đây, Miếu Ông – Miếu Bà còn trở thành địa điểm thu hút khách du lịch. Du khách đến đây được du ngoạn bằng thuyền trên sông Ba Chẽ, xuôi theo dòng đến rừng ngập mặn Đồng Rui (huyện Tiên Yên) rộng hơn 3.000 ha. Đi tiếp vào rừng bằng thuyền khoảng 1 giờ đồng hồ sẽ bắt gặp mũi Lòng Vàng với bãi cát vàng rộng 22 ha.
Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Chẽ cho biết: Bình quân mỗi năm có khoảng gần 10.000 lượt khách đến chiêm bái khu di tích Miếu Ông-Miếu Bà và trải nghiệm cảnh đẹp dòng sông Ba Chẽ…Với một di tích có lịch sử hơn 700 năm, di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà sẽ là một địa chỉ văn hóa tâm linh kết nối với hệ thống di tích đền, chùa và di tích lịch sử khác trong tỉnh Quảng Ninh; đồng thời kết nối với các di tích trong vùng như di tích Lò sứ cổ; di tích ngã ba sông Cổ Ngựa; làng văn hóa dân tộc Dao (xã Nam Sơn); Đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm)…tạo nên một quần thể các di tích; hình thành các tuyến, điểm đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu và học tập của du khách gần, xa.
Cuối năm 2020 vừa qua, Miếu Ông – Miếu Bà thuộc xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, đây là niềm tự hào lớn của của người dân nơi đây, cho thấy một vùng đất và con người đã ghi dấu ấn lịch sử từ hàng trăm năm trước. Miếu Ông – Miếu mang giá trị như một “cột mốc văn hóa” trường tồn, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nơi địa đầu đông bắc Tổ quốc. Đây không chỉ là một điểm đến phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, du khách thập phương mà con là nơi gợi nhớ, giáo dục những thế hệ mai sau gìn giữ, phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc bao đời nay./.