Nét đẹp văn hóa mẫu hệ dân tộc Chăm
VOV.VN - Qua thời gian, một vài tập tục, nghi lễ trong gia đình, cộng đồng người Chăm ở Việt Nam đã có những thay đổi để phù hợp với xã hội hiện đại, nhưng hiện nay những giá trị chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp trong văn hóa mẫu hệ vẫn được duy trì.
Chế độ mẫu hệ của người Chăm thể hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống: phụ nữ với vai trò chủ gia đình; phụ nữ với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người; hình ảnh phụ nữ qua một số tác phẩm dân gian,…Qua đó, góp phần bảo tồn nét văn hóa, đồng thời thể hiện quan niệm truyền thống coi trọng người phụ nữ của dân tộc Chăm.
Người Chăm luôn coi trọng truyền thống gia đình, dòng họ của mình. Các thành viên trong gia đình, từ ông bà, bố mẹ cho đến con cháu đều có ý thức vun đắp cho gia đình mình. Trong gia đình mọi thành viên ứng xử với nhau có nề nếp, trên dưới và mọi người đều tôn trọng lẫn nhau. Người phụ nữ rất được coi trọng. Người phụ nữ là chủ của gia đình, quản lý tài sản. Con gái được hưởng tài sản nhiều hơn con trai. Hương hỏa của dòng họ được trao cho người con gái út trong gia đình. Đến nay, chế độ mẫu hệ vẫn tồn tại trong đời sống của đồng bào Chăm. Tuy nhiên, về bản chất đã có nhiều thay đổi, vai trò của người đàn ông cũng được coi trọng ngang phụ nữ.
Theo chị Sa-Ly-Mah ở Phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM dù vẫn còn duy trì chế độ mẫu hệ theo phong tục, nhưng trong gia đình chị vợ chồng đều bình đẳng: "Trước đây, muốn quyết định công việc gì trong gia đình, người đàn ông phải hỏi phụ nữ trước. Bây giờ đã có sự thay đổi rất lớn, mọi việc cả hai vợ chồng bàn bạc rồi cùng quyết định. Lúc mới lấy chồng, mẹ khuyên con gái: Vợ chồng phải biết yêu thương, nhường nhịn nhau, chồng giận thì vợ bớt lời, như vậy gia đình mới có được hạnh phúc bền lâu. Vợ chồng đôi lúc cũng có bất hòa, những lúc như vậy, chị cố nén, đợi khi cả hai đã quên, vợ chồng mới đem ra nói cho nhau nghe".
Trong gia đình, ngoài quyền thừa kế gia sản thuộc về phụ nữ, chế độ mẫu hệ đồng bào Chăm còn quy định con cái, cháu chắt đều theo dòng mẹ. Hôn nhân phải thực hiện ngoài dòng họ mẹ, nếu vi phạm điều này bị quy vào tội loạn luân. Trong trường hợp hai vợ chồng ly hôn, thì người chồng phải trở về dòng họ mình với hai bàn tay trắng, không con cái, không của cải.
Ông Imem Từ Công Dư, Chủ tịch Hội đồng sư cả Chăm Bàni tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Cùng với sự đi lên của đời sống kinh tế xã hội của đồng bào Chăm và sự giao thoa văn hoá với các dân tộc khác, thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư…đã có sự thay đổi nhưng chế độ mẫu hệ vẫn giữ lại cái cổ truyền”.
Ngoài vai trò làm chủ gia đình, phụ nữ Chăm đã và đang góp phần giữ gìn linh hồn của tộc người mình, gìn giữ chế độ mẫu hệ qua nhiều hoạt động văn hóa. Phụ nữ Chăm là nhân tố góp phần để nghề làm gốm cổ truyền của dân tộc được bảo tồn, lưu giữ và sống với thời gian. Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hay người phụ nữ Chăm luôn cặm cụi bên khung cửi, tạo ra những tấm vải thổ cẩm với nhiều hoa văn độc đáo để bảo tồn nét đẹp của trang phục truyền thống. Mỗi sản phẩm thổ cẩm làm ra nói lên sự cần cù, khéo tay của người phụ nữ Chăm, đều mang nét đẹp của dân tộc.
Bà Lượng Thị Dẫn ở thôn Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Phụ nữ Chăm còn là người giữ gìn nét văn hóa ẩm thực. Với đôi tay khéo léo, phụ nữ biết làm rất nhiều món ăn truyền thống phục vụ trong ngày lễ, tết, cúng kính"…
Với những vai trò quan trọng trong cuộc sống và xã hội, phụ nữ Chăm được ca ngợi trong một số tác phẩm văn học dân gian, thơ, ca, nhạc, họa. Hình ảnh phụ nữ Chăm qua Sakkarai Po Ine Negar (tác phẩm triết lý), hình ảnh phụ nữ Chăm qua Dalikan (Truyện cổ) và Hình tượng phụ nữ Chăm và xã hội mẫu hệ qua Ariya pato adat kumei (giáo huấn ca).
Theo Anh Mach -So -Leh ở Quận 1, TPHCM chia sẻ: Những giáo điều trong Kinh Koran đã quy định rất rõ phụ nữ luôn được nâng niu và quý trọng chứ không ràng buộc và khắt khe: "Surah Annissa 1 - Kinh Koran, Allauh ca ngợi phụ nữ Chăm Islam. Muhamah nói rằng Thiên đàng ở tại bàn chân của các bà mẹ".
Tiến sĩ Phú Văn Hẳn, Phó viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ giải thích: "Do nhu cầu phát triển chung của xã hội hiện nay, đòi hỏi người phụ nữ trong gia đình không chỉ làm mẹ, làm vợ, quản lý tài sản, dạy dỗ con cái trong phạm vi tập tục, mà họ còn là một thành viên quan trọng lưu giữ phong tục tập quán truyền thống. Phụ nữ Chăm ngày nay còn phải thể hiện trong các hoạt động xã hội hiện đại, không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, để không những chỉ hỗ trợ chồng trong công tác xã hội mà chính mình cũng phải có khả năng xốc vác xã hội".
Văn hóa mẫu hệ của người Chăm tồn tại đã qua bao thế hệ nối tiếp và tự điều chỉnh, tiếp thu các yếu tố mới để thích nghi với hoàn cảnh mới nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Qua đó, góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc, đồng thời thể hiện quan niệm truyền thống coi trọng người phụ nữ của dân tộc Chăm.