Ngất ngây men rượu cần của đồng bào Raglai ở tỉnh Ninh Thuận
VOV.VN - Rượu cần là đặc sản của đồng bào Raglai ở tỉnh Ninh Thuận, dùng trong sinh hoạt đời thường, cúng tế thần linh và lễ hội cộng đồng. Từ lâu rượu cần của đồng bào Raglai đã được nhiều người biết đến bởi hương vị đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Rượu được làm theo một quy trình vô cùng công phu và nghiêm ngặt đòi hỏi người chế biến phải có kinh nghiệm và tay nghề cao.
Truyền từ đời này qua đời khác
Từ lâu, rượu cần đã gắn bó với đồng bào Raglai, không ai nhớ rõ loại rượu đặc trưng này ra đời từ khi nào, bắt đầu từ đâu, chỉ biết rằng đây là một nghề truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Các thế hệ đồng bào Raglai lớn lên cứ theo nhau vào rừng hái lá, tìm vỏ cây rừng ủ men rồi tạo nên những ché rượu cần thơm ngon dễ uống. Loại rượu quý chỉ phục vụ chủ yếu trong các dịp lễ hội truyền thống của đồng bào nơi đây.
Khi tiếng Mã la vang lên bên ánh lửa bập bùng, người già, người trẻ, thanh niên quây quần quanh ché rượu cần. Người Raglai quan niệm, người già uống trước, phụ nữ uống sau rồi mới đến thanh niên trong buôn làng. Cứ thế, họ vui chơi cho đến khi trăng tàn, rượu nhạt. Say cùng men rượu cần trong đêm hội, thế nhưng ít ai biết rằng để có được vị ngọt mềm môi của rượu cần Raglai đòi hỏi ở người chế biến một quy trình công phu.
Chị Pi Năng Thị Cô ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết, nguyên liệu chính của rượu gồm có vỏ cây hoặc rễ cây (loại cây thuốc trong rừng), nếu thiếu cây này thì không tạo hương vị riêng biệt của rượu cần người Raglai. Đồng bào vào tới cánh rừng già để lấy vỏ cây, rễ cây về, đem phơi khô, sau đó giã nhuyễn thành bột, trộn vào bột gạo với tỷ lệ nhất định, sau đó vo thành viên và nếu trời nắng tốt phơi ngoài nắng tầm một tuần.
"Ở đây chỉ có 4 người làm được rượu cần. Khi ở nhà có sự kiện vui thường làm rượu cần. Nếu nấu 4 nồi lớn thì làm được 20 ché trở lên. Tuỳ theo men, nếu men mình làm đúng thì cho ra rượu ngọt, làm không đúng thì nó chua. Về men làm từ rễ cây, hay vỏ cây Pataih (tiếng Raglai), tiếp nữa là củ gừng hay củ giềng và có thêm chút ớt. Sau đó mình trộn với nhau làm thành bột" - chị Pi Năng Thị Cô cho biết thêm.
Rượu cần là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ hội quan trọng của đồng bào Raglai hay những sự kiện trọng đại mang tính bước ngoặt của một đời người. Khi buôn làng có lễ hội hoặc gia đình có đám cưới, hỏi, thì rượu cần luôn là thức uống chủ đạo, vì vậy, ché rượu cần được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà.
Hương vị rượu cần bay xa
Ông Ka Tơ Quỳnh, ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, những năm gần đây, khi du lịch cộng đồng ở địa phương phát triển, thì ché rượu cần không thể thiếu được trong thực đơn mà du khách chọn đặt.
Khí hậu ở Phước Bình cho du lịch cộng đồng gắn liền với vườn cây ăn trái. Khi khách về đây thì họ đăng ký món ăn gồm: cơm lam, gà nướng, canh lá bép… Ngoài ăn uống họ còn muốn có văn nghệ truyền thống của mình còn lưu giữ như: đánh mã la, uống rượu cần trong đêm đốt lửa trại. Ông Quỳnh nói.
Ông Trần Văn Toàn, Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết, hầu hết bà con Raglai ở 9 xã trên địa bàn huyện đều nấu được rượu cần, nhưng chỉ có 2 xã có rượu cần đặc trưng đó là Phước Trung và Phước Bình. Trong 2 năm 2022 – 2023, tỉnh Ninh Thuận phê duyệt cho huyện Bác Ái chính sách xây dựng không gian văn hoá và bảo tồn, phát huy một số nghề truyền thống như nghề đan lát và nghề nấu rượu cần.
Địa phương vừa rồi cũng hỗ trợ cho bà con những cái chum, cái ché để đưa thương hiệu rượu cần men lá vào phát triển mang tính đại trà và phục vụ cho khách du lịch tại địa phương ở xã Phước Bình. Vừa rồi có hỗ trợ cho mỗi xã 500 cái ché, hiện nay kinh phí đã đưa về cho địa phương.
Với những giá trị tiêu biểu về tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống làm rượu cần của đồng bào Raglai đã trở thành một trong những nét độc đáo và hương vị rượu cần đang góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Raglai ở tỉnh Ninh Thuận.