Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Đức - Người lưu trữ, truyền dạy chữ Nôm Dao
VOV.VN - Miệt mài gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, tri thức cổ của người Dao, ông Bàn Văn Đức đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Ở tiểu khu Sao Đỏ I, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, ông Bàn Văn Đức, nghệ nhân nghiên cứu văn hóa Dao được bà con khắp vùng kính trọng gọi bằng thầy, bởi ông là người hiểu biết rộng, sở hữu và lưu giữ nhiều sách văn tự cổ của người Dao. Ông cũng là người dành nhiều thời gian, tâm tuyết nghiên cứu và truyền dạy lại chữ Nôm Dao cho bà con, với mong ước những tri thức cổ của người Dao không bị mai một.
Là học trò của ông tổ dòng họ Bàn - một dòng họ người Dao Tiền ở Vân Hồ, Sơn La, được ông tổ Lập Tịnh (tức cấp sắc theo cách nói của người Dao Tiền) và truyền dạy, từ nhỏ ông Bàn Văn Đức đã miệt mài với những trang sách cổ. Sinh năm 1968, nhưng đến nay ông Đức đã có trong tay gần 30 cuốn sách viết bằng chữ Nôm Dao, nhiều quyển có niên đại hàng trăm năm và ông đọc hiểu ít nhất 25 cuốn sách cổ. Ông Đức cho biết: "Sách được chia làm nhiều loại. Bộ thứ nhất là sách giáo khoa, dùng cho việc dạy học có 15 cuốn, chia làm 3 phần: Phần 1 có 6 quyển (nói về nguồn gốc của người Dao); phần thứ 2 có nội dung giáo dục con người gồm 6 quyển; phần thứ ba nói về triết lý sống. Bộ thứ hai là trường ca (Người dao gọi là “Tồm dung sâu”). Bộ này có 2 quyển: Quyển thứ nhất giành cho họ Bàn; quyển thứ hai giành cho họ Lý, Đặng, Triệu, còn lại là các bài ca dao, dân ca về tình yêu đôi lứa, kinh nghiệm sản xuất. Ngoài ra, còn rất nhiều quyển sách khác kể về câu truyện cổ, sách lịch vạn sự, sách về các bài hát trong đám tang hay đám cưới."
Trăn trở trước việc bà con dân tộc Dao biết chữ Nôm Dao còn rất ít, hơn 20 năm nay, năm nào ông Đức cũng mở 2-3 lớp, mỗi lớp từ 30-80 học viên, học viên trẻ nhất là 10 tuổi, học viên lớn tuổi nhất là 75 tuổi được ông Đức truyền dạy miễn phí.
“Tôi luôn trăn trở và mong mỏi người dân tộc Dao đều phải biết nói tiếng Dao, biết đọc, biết viết chữ nôm Dao, biết hát các bài hát dân ca Dao để hiểu được nguồn gốc của dân tộc mình. Do vậy 20 năm nay tôi đã mở các lớp học chữ Nôm Dao, lớp học được tổ chức vào ban đêm nhưng bà con rất đồng tình ủng hộ. Ai cũng phấn khởi, và tin rằng mình sẽ học được tiếng nói, chữ viết và các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Đó là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc truyền dạy chữ Nôm Dao cho cộng đồng.", ông Đức chia sẻ.
Với vốn kiến thức Nôm Dao đã được học từ trước, ông Đức tập trung tìm hiểu nghiên cứu sâu về tri thức, văn hóa người Dao qua những trang sách. Nội dung sách cổ sâu sắc, nhưng rất rộng, nên ông đã chia nhỏ thành từng phần một để dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ. Với cách biên soạn của ông, người học chỉ cần đọc thạo chữ Nôm là có thể hiểu và làm theo. Vì thế, trong thời gian 3-5 tháng, được ông Đức trực tiếp giảng dạy, các học viên có thể đọc thông, viết thạo chữ Nôm Dao.
“Thầy giáo Bàn Văn Đức là một người rất tâm huyết với bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Bằng nhiều công sức, hiện nay thầy đã có nhiều công trình nghiên cứu và đã được Đảng nhà nước ghi nhận là nghệ nhân ưu tú. Bản thân tôi là học trò, được theo học thầy từ năm lên 10 tuổi. Tôi thấy rằng thầy rất có trách nhiệm với học trò, và rất tận tình chỉ bảo từ học chữ đến dậy cách đối nhân xử thế,học làm người cho học trò. Có nhiều học trò của Thầy rất thành đạt.”, anh Triệu Văn Hồng một học trò xuất sắc của ông Đức, ở bản Phà Lè, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ nhận xét.
Biết thể hiện 63 điệu hát dân ca của dân tộc mình, ông Bàn Văn Đức cũng giành nhiều thời gian để dạy hát dân ca- páo dung miễn phí cho nhiều người yêu văn hóa Dao ở các xã trong, ngoài huyện. Nhiều bà con người Dao được ông Đức truyền dạy giờ đã biết hát dân ca Dao.
“Thầy giáo Đức rất tâm huyết với phong tục của dân tộc Dao. Truyền thống văn hóa Dao không thể bỏ được. Trước đây tôi theo học lớp hát giao duyên, gồm 40 người, chỉ học hát vào buổi tối thứ bảy nhưng được Thầy Đức dạy rất tỉ mỉ. Rất là cảm ơn thầy đã có những tâm huyết như thế để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao.”, ông Tặng Quốc Khánh, ở bản Phiêng Đón, xã Tân Lập, huyện Mộc châu đánh giá.
Từ những kết quả này, ông Bàn Văn Đức lại tích cực tham gia việc truyền dạy chữ Nôm Dao cho cộng đồng người Dao ở một số tỉnh ngoài Sơn La, nơi có đồng bào Dao sinh sống.
Năm 2012, Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi, thuộc Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam được thành lập, với thành viên là đồng bào Dao của 7 tỉnh Nghệ An, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Ninh. Trung tâm có nhiệm vụ chỉ đạo, hỗ trợ việc mở các lớp dạy chữ Nôm Dao và cấp chứng chỉ. Ông Đức được bầu là ủy viên Trung tâm và là người trực tiếp dịch và soạn thảo bộ sách giáo khoa 15 quyển làm tư liệu giảng dạy cho các lớp học này. Ông đã cùng ông Triệu Văn Tâm- Bí thư Đảng ủy xã Tân Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa bình mở lớp đầu tiên và ông làm giảng viên cho lớp học chữ Nôm Dao tại Tân Sơn, với 53 học viên. Tích cực tham gia nhiều hội thảo tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh, được gặp gỡ những người có cùng trí hướng, ông càng mong muốn giành mọi tâm huyết của mình cho sự nghiệp truyền dạy tri thức của dân tộc cho con cháu mình.
Ông Bàn Văn Đức chia sẻ:“Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc truyền dạy chữ Nôm Dao cho người Dao và những người có nhu cầu học hát dân ca Dao. Thuận lợi là được cấp trên đồng tình, hỗ trợ cho tôi mở lớp dạy chữ Nôm Dao. Nhưng do hiện nay chữ Nôm Dao ở tỉnh Sơn La chưa được công nhận cấp chứng chỉ. Tôi mong cấp trên tiếp tục tạo điều kiện triển khai dự án công nhận và cấp chứng chỉ cho cán bộ công chức cấp xã trở lên và những người có nhu cầu học chữ Nôm Dao như nhiều địa phương”.
Ông Lường Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn cho biết thêm: Đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn xã hiện nay đang thực hiện rất tốt công tác bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là giữ gìn chữ viết. Và kết quả đó không thể không kể đến vai trò của nghệ nhân nghiên cứu văn hóa Dao Bàn Văn Đức.
“Trên địa bàn có ông Bàn Văn Đức là người am hiểu, gìn giữ rất tốt về bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Với tinh thần trách nhiệm của mình với dân tộc, mặc dù ông không được chi trả công trong các buổi lên lớp nhưng ông đã truyền dạy rất tích cực, đầy đủ các buổi. Cùng với đồng bào Dao, chúng tôi mong muốn các dân tộc khác sẽ tiếp tục phát huy và gìn giữ tốt tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Phát huy những phong tục tốt đẹp để đời sống của toàn thể bà con đảm bảo về kinh tế và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.”, ông Lường Văn Hùng nói.
Miệt mài gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, tri thức cổ của người Dao, ông Bàn Văn Đức đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Phần thưởng cao quý là động lực để ông tiếp tục giữ hồn giá trị văn hóa tri thức cổ của dân tộc mình còn mãi với thời gian./.