Ca sĩ Thái Thùy Linh: “Hạnh phúc của tôi không tròn trịa”
VOV.VN - Với bản thân, tôi có thể thiệt thòi một chút về vật chất, không có nhiều của cải như những chị em khác nhưng tôi có được sự tự do.
Không còn là một nữ ca sĩ "máu lửa" và cháy hết mình trên sân khấu, sau 8 năm ngừng hoạt động nghệ thuật, Thái Thùy Linh đánh dấu sự trở lại với hình tượng hoàn toàn mới: gai góc, hoang dại và quyến rũ hơn trong Album Như loài thú hoang.
“Hồi sinh” nhờ nhạc của Lê Uyên Phương
Sau 8 năm vắng bóng để tập trung cho công việc thiện nguyện, nhiều người thậm chí còn lầm tưởng ca sĩ Thái Thùy Linh đã nghỉ hát, lý do gì khiến chị quyết định trở lại "đường đua" âm nhạc với album "Như loài thú hoang"?
Trong 8 năm qua, tôi dành phần lớn thời gian để hoạt động thiện nguyện. Tôi đã bị cuốn đi bởi "mệnh lệnh của trái tim". Ban đầu, tôi nghĩ sẽ chỉ dành 3 năm để hoạt động thiện nguyện thôi, sau đó sẽ quay lại với công việc như trước đây của mình là ca hát nhưng không ngờ, hành trình ấy cứ cuốn tôi đi. 8 năm là chặng đường dài nhưng sẽ không bao giờ dừng lại, chẳng qua có lúc tôi đi nhanh hơn, nhiều hơn nhưng có lúc tôi sẽ đi chậm, đi ít hơn để quay trở lại với âm nhạc.
Nữ ca sĩ Thái Thùy Linh. |
Thật ra, tôi không vắng bóng hoàn toàn, không quay lưng với âm nhạc nhưng trong cùng một thời điểm, người ta rất khó để làm nhiều việc cùng một lúc. Khi con tim và khối óc đã dành quá nhiều cho các hoạt động thiện nguyện, tổ chức các chiến dịch tình nguyện lớn, tôi không còn nhiều thời gian cho bản thân và âm nhạc nữa, đặc thù công việc giữa ca hát và hoạt động thiện nguyện rất khác nhau.
Nói thật lòng, cũng có vài lần tôi định thực hiện sản phẩm âm nhạc bằng cách làm album này, album kia nhưng thú thực, lúc đó tôi chưa thực sự gặp được dòng nhạc hay chất liệu âm nhạc khiến bản thân thấy say mê. Bản năng nghệ sĩ trong tôi rất lớn, cho nên trong công việc hay cuộc sống, tôi bị "con tim" chỉ huy rất nhiều. Con tim tôi sẽ quyết định mình phải làm gì và sẽ làm gì. Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc rồi, lý trí sẽ quyết định nhiều hơn. Sự chính xác, quyết đoán hay thậm chí là quyết liệt để chọn cho mình cuộc sống như thế nào thì đó lại là "com tim".
Tôi là người rất yêu bản thân, rất tôn trọng cảm xúc của mình, cần phải sống hạnh phúc và vui vẻ, hạnh phúc với những điều mình làm và làm những thứ khiến mình trở nên hạnh phúc thì đó là những lý do tại sao thời điểm này tôi mới cho ra mắt sản phẩm âm nhạc mới.
Nhưng tại sao lại là nhạc Lê Uyên Phương, chứ không phải pop, rock vốn gắn liền với phong cách của chị như trước đây?
Tôi như trúng "tiếng sét ái tình" khi gặp sản phẩm âm nhạc của Lê Uyên Phương. Trước đây, tôi thường hát "Trở về", "Tiếng gọi mùa xuân" rồi "Tiếng hát nơi đảo xa",... và rất hiếm khi hát những ca khúc trữ tình. Nhưng khi tôi hát dòng nhạc này, mọi người mới ồ lên rằng, "Linh có thể hát được nhạc trữ tình đấy chứ". Sau đó mọi người khuyến khích, động viên tôi rất nhiều nhưng khổ nỗi, lúc đó tôi chưa gặp được sản phẩm âm nhạc nào phù hợp, phản chiếu chính con người tôi. Thông thường, nhạc trữ tình lại trữ tình quá, đôi khi là ủy mị, hình tượng người phụ nữ trong tình yêu lúc nào cũng "gắn mác" mất mát, đớn đau, hụt hẫng, chơi vơi, quả thật tôi không thấy "có mình trong đó".
Nhưng đến khi gặp âm nhạc của Lê Uyên Phương, rõ ràng, các ca khúc của ông đều viết về tình yêu, tình yêu giữa người đàn ông và phụ nữ, tình yêu đôi lứa nhưng trong tình yêu ấy là những triết lý sống mà tôi thực sự cảm thấy tâm phục khẩu phục. Lúc đó, tôi bị thu phục hoàn toàn bởi triết lý sống rất đời nhưng cũng rất ngạo nghễ, nhân văn, sâu sắc và rất bình dị. Âm nhạc của Lê Uyên Phương mang đậm màu sắc triết học, không chỉ có những bi kịch, đớn đau mà đó còn là vẻ đẹp của sự lộng lẫy, thăng hoa trong tình yêu.
Lê Uyên Phương cho rằng, là tình yêu đương nhiên phải có hạnh phúc và đau khổ nhưng ông chấp nhận đau khổ một cách an nhiên như thể mùa đông rồi lại đến mùa xuân, các mùa sẽ nối tiếp nhau và cuộc đời vẫn quay đều. Đó là lời hát trong nhạc của Lê Uyên Phương, đến lúc nào đó, mình cũng sẽ gặp mùa đông của đời mình nhưng mùa đông rồi cũng sẽ phải qua đi, mùa xuân lại đến, phải chấp nhận nó như là quy luật của vũ trụ. Tôi cực kỳ tâm đắc bởi tinh thần đó và đó cũng chính là lý do khiến tôi chọn nhạc của Lê Uyên Phương.
Nhạc của Lê Uyên Phương đều chủ yếu đề cập đến tình yêu, một tình yêu nhiều màu sắc, đủ các cung bậc cảm xúc, lúc yếu đuối nhưng đôi khi lại bùng lên mạnh mẽ, dữ dội và thăng hoa. Vậy chị có còn tin vào tình yêu sau khi hát nhạc của Lê Uyên Phương và trải qua những sóng gió, thăng trầm trong cuộc sống?
Tôi tin vào tình yêu, âm nhạc của Lê Uyên Phương trong thời gian qua thực sự là "cứu cánh" của tôi cả trong cuộc sống và tình yêu. Khi gặp âm nhạc của Lê Uyên Phương cũng là lúc tôi thấy mình có sự hồi sinh ban đầu sau trải qua giai đoạn bế tắc và hoang mang trong cuộc sống. Tôi thích nhất ca khúc "Vũng lầy của chúng ta", nó dường như miêu tả đúng tôi thời điểm tôi đang sống trong vũng lầy của cuộc đời. Sau khi tìm hiểu, cảm nhận âm nhạc của Lê Uyên Phương, tôi thực sự thấy mình đã bước qua được "vũng lầy" của cuộc đời.
“Biết bỏ, biết buông để sống hạnh phúc”
Được biết đến là một ca sĩ mạnh mẽ, "bốc lửa" và dữ dội cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, chị có nghĩ rằng, phụ nữ càng cá tính, mạnh mẽ bao nhiêu thì lại càng thiệt thòi, đau khổ trong tình yêu và hôn nhân bấy nhiêu?
Tôi không đồng tình với tư tưởng "phụ nữ càng mạnh mẽ, cá tính thì càng thiệt thòi, đau khổ trong tình yêu và hôn nhân". Sẽ rất khó để định nghĩa thế nào là thiệt thòi? Có những người phụ nữ không được cưng chiều, không được bao bọc thì như thế là thiệt thòi nhưng với bản thân, tôi thấy mình không cần được cưng chiều, tôi không muốn bị phụ thuộc vào ai, tôi yêu sự tự do và cảm thấy mình đang sống cuộc đời của chính mình, tự lập, tự chủ cuộc đời của mình, không phải trông chờ nương tựa vào ai. Việc sống để mà phụ thuộc hoàn toàn một cách yếu ớt, tôi cho rằng đó không phải là lối sống của mình.
Tôi thấy nhiều người sống trong nhung lụa nhưng lại như "con chim nhốt trong lồng son", thực sự họ có hạnh phúc không thì tôi nghĩ là chưa chắc. Với bản thân, tôi có thể thiệt thòi một chút về vật chất, không có nhiều của cải như những chị em phụ nữ khác, buộc tôi có thể làm việc nhiều hơn, chịu trách nhiệm lớn hơn về cuộc sống của mình nhưng tôi có được thứ mà nhiều người phụ nữ khác không có được, đó là sự tự do.
Với bản thân, chị có thấy mình đang hạnh phúc?
Tôi không hoàn hảo, cũng không tròn trịa, kể cả hạnh phúc của tôi cũng không tròn trịa nhưng tôi cảm thấy mình vẫn đang rất hạnh phúc.
Ở tuổi này, chị chiêm nghiệm điều gì sau khi trải qua đủ mọi thăng trầm?
Tôi chiêm nghiệm ra được nhiều thứ trong suốt những năm qua, tôi cảm thấy rất may mắn vì trước thềm tuổi 40, tôi đã phần nào chạm được vào chữ "ngộ". Một lần, tôi vô tình đọc bài phỏng vấn Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông nói đại ý rằng, ta không phải làm gì, ta chỉ làm một cái cây, cái cây chỉ làm đúng một việc là tỏa bóng mát và mọi người mệt mỏi có thể ngồi xuống nghỉ ngơi dưới bóng cây. Tôi ngộ ra nhiều điều.
"Không có bùn, không có sen" - đó là câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh mà tôi thấy thích nhất. Nhờ câu nói đó, tôi thực sự thấy thức tỉnh bao nhiêu những gian truân, sóng gió, trắc trở trước đây, tất cả như đã được hóa giải. Tôi hiểu được rằng, không có bùn không có sen, muốn làm sen thì mình phải chấp nhận "có bùn", mình phải sống đời của mình mặc cho xung quanh là bùn.
Sau những gian truân, sóng gió của cuộc đời, đối với chị bây giờ, điều gì là quan trọng nhất?
Với tôi, điều quan trọng nhất hiện tại là sức khỏe. Sức khỏe có 2 kiểu sức khỏe, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Bạn có sức khỏe tốt thì bạn có thể giải quyết hết mọi việc, mọi thứ nằm trong tay bạn.
Gần chạm ngưỡng tuổi 40 nhưng chị càng ngày càng trẻ đẹp và sắc sảo hơn. Chị thấy mình có thay đổi gì trong quãng thời gian qua không?
Có một thay đổi rất rõ, đó là tôi yêu bản thân mình hơn và tôi rất muốn chia sẻ điều này với mọi người, nhất là chị em phụ nữ. Chúng ta cần phải biết mặc kệ, biết buông, đôi khi phải bớt hy sinh, bớt nhẫn nhịn và đặc biệt phải biết yêu mình hơn.
Việc ôm quá nhiều tình thương và trách nhiệm khiến chúng ta mệt nhoài đến mức kiệt sức. Khi bạn mệt nhoài và kiệt sức, thậm chí có nhiều người kiệt quệ thì bạn khó có thể yêu thương và làm cho người khác hạnh phúc được. Cho nên bạn phải buông bớt trách nhiệm và buông bớt lo lắng, quan tâm đến người khác để quay trở về quan tâm mình, có trách nhiệm với chính mình hơn. Đến nay, tôi đã có được sự an nhiên nhất định, đó là điều mà tôi đã tìm kiếm từ rất lâu rồi.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!