Chuyện phong tặng danh hiệu: Kẻ ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
“Cứ 5 năm một lần, đến dịp xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là giới văn nghệ sĩ lại thêm nhiều nước mắt, nỗi buồn chứ rất hiếm khi có tiếng cười, niềm vui”.
Mới hôm qua, hôm kia thôi... sau sự ra đi của một vài con người đáng kính với danh hiệu NSND đi kèm nghệ danh của họ khiến tôi và mẹ (NSND Thanh Hoa) đã tâm sự với nhau rất nhiều.
Tôi nói với mẹ lý do suốt 10 năm, qua hai đợt xét tặng danh hiệu, tôi cứ giả vờ lờ đi như không liên quan gì đến bản thân! Tôi đã thừa tiêu chuẩn các giải thưởng, huy chương và các loại cân đong đo đếm từng K… vàng, bạc này nọ... (tôi luôn tự hào đó là những ghi nhận thật, không chạy chọt, không nhắn tin điện thoại, vì chưa bao giờ tôi biết đủ tên các vị giám khảo đã trao giải cho mình).
NSND Thanh Hoa ở chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. (Ảnh: Đẹp). |
Nhưng tại sao tôi lại ngại viết đơn, tại sao tôi ngại kê khai thành tích để xin danh hiệu? Vì tôi thấy luôn bé nhỏ trước mẹ. Tôi nhớ những năm tháng sống không có mẹ bên cạnh và những câu chuyện đi B, Trường Sơn rừng xanh núi đỏ, biên giới Tây Nam và những núi sọ người, những lần pháo kích chết hụt ở Cao Bằng, Lạng Sơn... mà mẹ đã kể. Cuộc đời mẹ: hát là để phục vụ nhân dân và người ta coi văn hoá nghệ thuật là một mặt trận.
Mẹ tôi làm ở Đài Phát thanh Giải phóng - CP 90. Sau 1975 thì về Đài Tiếng nói Việt Nam. Mấy chục năm đi hát, mẹ chỉ ăn lương nhà nước và phục vụ khắp mọi mặt trận, mọi ngành nghề... Thu thanh cả “Tiếng thơ”, hô cả tập thể dục hàng sáng trên đài và hưởng lương như một công nhân nghệ thuật. Mẹ đã có hơn 600 bản thu âm đơn ca trên VOV cho đến trước khi nghỉ hưu theo chế độ.
Tôi nhớ những giọt nước mắt của mẹ khi bị loại năm lần, bảy lượt khỏi các hội đồng cơ sở vì những bình luận của các hội đồng - nhân danh đại diện cho công chúng.
Tôi nhớ những đơm đặt cho mình khi tôi từ chối danh hiệu, giải thưởng với những kẻ bất tài, cơ hội…
Tôi thấy xấu hổ với nhiều tiền bối tài năng, đức độ đang âm thầm trong góc khuất của cuộc đời, thậm chí đã lặng lẽ rời bỏ thế giới này ra đi bên ngoài tiếng vỗ tay và những bó hoa của công chúng, bỏ qua những danh hiệu và những tấm huy chương bóng nhoáng mạ vàng.
Đạo diễn Phan Huyền Thư. (Ảnh: Đẹp). |
Tôi cũng thấy tổn thương khi mẹ băn khoăn: "Không biết mẹ có nên trả lại danh hiệu NSND không nhỉ? Vì nghĩ đến những đồng nghiệp đàn anh, những người bạn cùng chung một chiến hào năm ấy... họ đang ở đâu trong rừng danh hiệu? Chỉ có mình được may mắn tôn vinh trong khi họ lại chịu thua kém cả những thế hệ hậu sinh thua tài, kém đức với họ?"
Ừ, thì tất cả để làm gì? Những danh hiệu? Nếu không vì tôn vinh và khiến cho công chúng thêm yêu quý, tôn trọng nghệ sĩ thì chí ít cũng đừng để cho công chúng coi thường nghệ sĩ chứ nhỉ?
Cứ 5 năm một lần, đến dịp xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là giới văn nghệ sĩ lại thêm nhiều nước mắt, nỗi buồn chứ rất hiếm khi có tiếng cười, niềm vui.
Người bước lên bục nhận bó hoa, tấm bằng nụ cười cũng gượng gạo, kẻ lặng lẽ trong góc khuất, ẩn mình trong bóng tối lại thêm bẽ bàng, bất mãn.
Cay đắng, bẽ bàng ùa đến cả với người không bao giờ bén mảng đến những nơi xúng xính mũ cao, áo dài lấp lánh kim sa, những người không bao giờ có ý định đi xin xét tặng danh hiệu, hoặc những người được phong tặng, truy tặng mà lại từ chối. Họ cũng bị coi là không những tự làm mất cơ hội của mình lại còn làm hỏng cơ hội của người khác.
Nói chung là năm năm một lần, hễ cứ lôi nhau ra để vinh danh thì lại thành hạ thấp nhau, kéo tụt nhau là chính ở chốn ô hợp, thị phi.
“Trăm năm bia đá cũng mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ…”
NSND Thanh Hoa. (Ảnh: Đẹp). |
Nhớ lại cách đây 5 năm, khi từ chối “chia nhau” cái Giải thưởng Nhà nước với một ông NSƯT quay phim mới vừa có được hồ sơ lên NSND với tư cách đạo diễn, tôi đã viết thư ngỏ trên một tờ báo, nhờ các phương tiện truyền thông bày tỏ quan điểm của mình: “Làm nghệ sĩ chân chính, đừng sợ đồng nghiệp hay các hội đồng xét danh hiệu không đánh giá đúng về tài năng của mình mà điều đáng sợ nhất là chính mình không đánh giá đúng về bản thân".
Vì sao tôi lại nghĩ như thế? Vì phần lớn nghệ sĩ chúng ta là những người ngộ nhận và ảo tưởng, thậm chí đam mê rồi khát vọng sẽ nhanh chóng trở thành tham vọng đến vĩ cuồng. Nếu người nghệ sĩ lúc nào cũng thấy mình xứng đáng mà không được công nhận, thấy mình rất tài năng mà lại không may mắn hoặc không gặp được người tri âm sẽ dễ sa vào chán nản, bất mãn. Từ bất mãn sẽ nhen nhóm ngọn lửa ghen tị, đố kỵ và chủ động gây đơm đặt, thị phi, làm cho hình ảnh của giới văn nghệ sĩ xấu đi rất nhiều trong con mắt của xã hội.
Với nghệ thuật, luôn có một sự đào thải khắc nghiệt và sòng phẳng. Chắc chắn “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Những gì là tinh hoa thì không thể nhan nhản, những gì là độc đáo, đặc sắc cũng không thể lấy theo thành tích đổ đồng mà thành. Điều mình tâm huyết nhất khi sáng tạo là: anh bỏ ra bao nhiêu, sẽ nhận lại bấy nhiêu từ công chúng. Làm sao anh có thể đánh lừa, gian dối với với khán giả, với cộng đồng xã hội ngoài kia?
“Cùng trong một tiếng tơ đồng
Kẻ ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”
Tôi tin chắc một điều, nếu mẹ có xin trả lại danh hiệu NSND hay tôi chẳng bao giờ đi xin xét tặng danh hiệu đi chăng nữa, tôi cũng sẽ không bao giờ ân hận vì đã cố gắng hết sức dể dâng tặng cho cuộc đời những yêu thương chân thành nhất có thể..../.