Cuốn sách quý “Bác Hồ-Người có nhiều duyên nợ với báo chí”

VOV.VN -Cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” có thể xem như một quyển sách "gối đầu giường” cho những người làm công tác truyền thông.

Nhà báo lão thành Phan Quang vừa có một cuốn sách quý tặng bạn đọc. Đặc biệt là với những người làm báo và đang học nghề làm báo. Cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” có thể xem như một quyển sách "gối đầu giường” cho những người làm công tác truyền thông vì những tư liệu quý về Bác Hồ làm báo và Bác Hồ chăm lo cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Cuốn sách gồm ba phần chính: Một là những tác phẩm báo chí của Bác Hồ. Hai là các nhà báo, học giả, sách báo nước ngoài nói về Bác Hồ. Ba là những bài viết về Bác Hồ của Phan Quang, một phóng viên báo Nhân Dân nhiều năm liền được tháp tùng Bác Hồ trong những chuyến công tác của Người và sau này nhiều năm liền làm việc ở Hội nhà báo Việt Nam.

Cuốn sách "Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí”.

Sinh ra trong một gia đình khoa bảng có truyền thống yêu nước, từ nhỏ Bác Hồ đã sớm tiếp thu một lượng lớn tri thức Hán học và Tây học. Vốn kiến thức đó đã giúp Người rất nhiều trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước. Nhưng phải nói rằng quá trình tự học của Bác Hồ là rất lớn. Từ tiếp thu chủ nghía Mác-Lê nin, Người đã sớm nhận ra sức mạnh to lớn của một tờ báo nói riêng, của báo chí nói chung. Và Bác Hồ đã học làm báo, kiên trì từ chỗ viết dài thu dần lại cho ngắn. Rồi từ ngắn lại triển khai rộng ra. Nhờ đó, Người đã trở thành một nhà báo, có thể sáng lập và làm chủ bút tờ báo tiếng Pháp “Le Paria” đấu tranh cho nền độc lập của các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương.

Và sau này, 21/6/1925, Người sáng lập tờ báo Thanh niên “diễn đàn đăng tải những tác phẩm đặt nền móng cho lý luận cách mạng Việt Nam (trong đó có ĐƯỜNG KÁCH MỆNH mà nội dung mang tính hoạch định đường lối) và thật sự đóng vai trò chuẩn bị về mọi mặt lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người cho ra đời tờ báo “Việt Lập” cổ vũ và hướng dẫn phong trào cách mạng.

Cuốn sách của Phan Quang đã dành một số trang đáng kể để kể lại quá trình làm báo cách mang của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông đặc biết chú trọng trình bày, phân tích “Tư duy và phong cách báo chí Hồ Chí Minh”. Phan Quang khẳng định: Tư duy và phong cách báo chí Hồ Chí Minh cụ thể hoá tư tưởng của Người về văn hoá và báo chí: “Văn hoá là một mặt cơ bản của xã hội”;”văn hoá là một mặt trận”; ”Văn hoá mới kết hợp hài hoà đúng đắn truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế”. Báo chí là bộ phận cấu thành văn hoá đồng thời là một phương tiện có hiệu lực góp phần xây dựng, truyền bá, thực thi văn hoá, đưa văn hoá vào cuộc sống hằng ngày. Những người làm báo là đội quân đi đầu trong công tác chính trị tư tưởng, với chức năng ban đầu là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức, hướng dẫn quần chúng đấu tranh giành lại chính quyền, vì tự do dân chủ".

Nhà báo Phan Quang.

Phan Quang nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: ”Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Rất nhiều lần, Người trở lại và nhấn mạnh hơn ý tưởng ấy: "Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới…”; "Ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà…”.

Trong cuốn sách của mình, nhà báo Phan Quang đã dành nhiều trang để thuật lại những điều Bác Hồ dạy người làm báo Việt Nam hôm nay. Sinh thời, dù bận việc, Bác Hồ đều đến dự các đại hội của người làm báo Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm làm báo. Tại Đại hội III những người làm báo Việt Nam. Bác Hồ bộc bạch: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: "Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, ngắn gọn, dễ đọc? Viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự cho bài mình viết ra thế này là”tuyệt rồi”.

Những lời dạy của Bác Hồ, cho đến nay đối với người làm báo hoặc đang học nghề làm báo, vẫn còn nguyên giá trị. Là người được đi theo Bác Hồ trong những chuyến công tác của Bác, lại nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm tài liệu và viết về sư nghiệp cách mạng của Bác Hồ, không phải ngẫu nhiên mà Phan Quang lại khẳng định: Bác Hồ là người có nhiều duyên nợ với báo chí.  Năm 1959, nói chuyện với đông đảo các nhà báo tại Đại hội lần thứ hai Hội nhà báo Việt Nam, Bác mở đầu:” Là một người có nhiều duyên nợ với báo chí, Bác nêu vài ý kiến để các cô, các chú tham khảo”. Trong cuốn sách mới này, Phan Quang dành hẳn 9 trang để tìm hiểu hai từ "duyên nợ” của Bác Hồ.

Theo Phan Quang, "Nợ” thì đã rõ ràng: nợ nước thù nhà. Gánh nợ mà suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không một phút giây nào không nghĩ tới. Còn “duyên”? Chắc chẳng phải cơ duyên, nhân duyên theo cách hiểu của các Phật tử. Cũng không hẳn phận duyên do trời định, như dân gian ta thường nói. Cái”duyên” của Bác Hồ đối với báo chí sâu rộng lắm, nghĩa tình lắm, thể hiện trong suốt cuộc đời của Bác dấn thân vì cách mạng… Từ bài viết đầu tiên đến bài phỏng vấn cuối cùng, thời gian dài nửa thế kỷ. Trong năm mượi năm ấy, mọi việc làm của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đều hướng về một mục tiêu duy nhất: cứu nước, giành lại độc lập tự do.

Một chi tiết rất thú vị: tại sao Nguyễn Ái Quốc chọn ngày 21/6/1925 là ngày ra số báo Thanh Niên đầu tiên? Phan Quang cho biết: tham khảo các bản lịch thông dụng nhất ở phương Đông và phương Tây, ta thấy ngày 21/6/1925 trùng vào một ngày chủ nhật. Ở Việt Nam, ngày 21 tháng sáu dương lịch thường được âm lịch coi là ngày”hạ chí” (tuỳ năm, có thể sớm hoặc muộn một vài hôm). Ngày "hạ chí” là một trong hai thời điểm trong năm mà Trái Đất ở cách xa mặt trời nhất khi quay trên vòng elip của nó. “Hạ chí”: là thời điểm ban ngày dài nhất trong năm tại Bắc bán cầu, hay nói theo cách của người châu Âu, "21 tháng Sáu là ngày mở đầu mùa hè ở Bắc bán cầu”… Phải chăng khi chọn ngày “hạ chí” để cho ra mắt báo Thanh Niên, Nguyễn Ái Quốc có ý định gửi gắm vào đấy một niềm tin, một thông điệp mang ý nghĩa tượng trưng? Rằng nhân dân Việt Nam ta lúc này đang ở trong đêm dài của cảnh nước mất nhà tan, nhưng với con đường cách mạng mà Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay đề xướng, và cùng với sự ra đời và phát triển của báo THANH NIÊN, nhân dân ta sẽ theo đường hướng mà báo THANH NIÊN phác hoạ, rồi sẽ mau chóng tiến đến những ngày vinh quang ngày nào cũng tràn trề ánh sang thái dương không khác chi ngày “hạ chí”?

Đúng là”phong cách làm báo của Phan Quang”. Không bỏ qua chi tiết, đào sâu từng chi tiết, trong khi vẫn giữ tầm khái quát rộng lớn. Bởi thế mà trong cuốn sách này, Phan Quang đã trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc từ thời làm báo ở Paris, được một học giả lớn là Giáo sư Phạm Huy Thông dịch ra tiếng Việt, một bài thơ chữ Hán Bác viết trong kháng chiến chống Pháp được nhà báo Xuân Thuỷ dich ra tiếng Việt với những câu thơ rất quen thuộc: 

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền (Rằm Xuân)

Phan Quang cũng đưa vào cuốn sách của mình những tra cứu của ông về các “Từ điển bách khoa” lớn của thế giới  giới thiệu về Hồ Chí Minh – danh nhân văn hoá thế giới, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta. Trong đó phải kể đến Jean Lacouture (1921-2015) nhà báo, nhà văn, nhà sử học Pháp dấn thân cho sự nghiệp cánh tả sau lần gặp nhà cách mạng Việt Nam Hồ Chí Minh. Lần gặp đầu tiên ấy diễn ra ngày 7/3/1946 tại Bắc Bộ phủ phố Ngô Quyền Hà Nội (nay là Nhà khách Chính phủ). Lúc đó Jean Lacouture mới vào nghề làm báo. Bị thuyết phục trước minh triết Hồ Chí Minh, ông trở thành người ủng hộ nhiệt thành cho Việt Nam. Chính ông đã được những người chủ trì biên soạn bộ” Đại từ điển bách khoa” mới của Pháp, xuất bản lần đầu năm 1996, và cùng lúc” Đại từ điển bách khoa “Anh tái bản, mời viết mục từ “Hồ Chí Minh” với số chữ vượt qua khuôn khổ thông thường.

Làm báo trong kháng chiến chống Pháp khi chưa đầy hai mươi tuổi, chàng trai Phan Quang Diêu (tên thật của nhà báo Phan Quang) còn ôm mộng văn chương. Nhưng chính lời dặn của Bác với ông khi Bác Hồ đến thăm báo Nhân Dân (mà Phan Quang có kể lại trong tập sách này) khiến ông “đã để nghề báo ngập lụt cuộc đời mình”. Rất nhiều câu chuyện ông kể trong sách này, nhiều bài nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ông đưa vào trong tập sách "Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” chính là sự tri ân một lãnh tụ đã dìu dắt ông trong nghề làm báo.

Không phải ngẫu nhiên ông nhờ nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản cuốn sách. Ông đã dành một lượng lớn sách tặng thư viện các trường Đại học và Cao đẳng có ngành Khoa học xã hội và báo chí. Những mong các bạn trẻ sinh viên được đọc và làm theo những lời dạy của Bác Hồ về nghề báo và người làm báo.

“Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” tập hợp những bài viết của Phan Quang từ cuối những năm 1950 của thế kỷ trước cho đến hôm nay. Người làm báo và đang học làm báo có thể học từ ông một tác phong làm việc cẩn thận, ghi chép chi tiết, sắp xếp tư liệu khoa học và biết gìn giữ, làm cho sống động những trang giấy, bức ảnh đã nhuộm màu thời gian.

Bất chấp tuổi cao, nhà báo lão thành Phan Quang đã bỏ khá nhiều tâm huyết biên soạn cuốn sách. Ông đã nhờ nhà báo lão thành Hà Đăng đọc bản thảo trước khi xuất bản và ông Hà Đăng đã có một bài viết rất xúc động “Đọc Phan Quang viết về Bác Hồ” in ở cuối tập sách này.

Kẻ viết bài này, một ngày đầu Xuân Kỷ Hợi đến chúc sức khoẻ ông và gia đình. Ông đưa cho xem mấy tấm ảnh chân dung Bác Hồ để cùng lựa chọn in trang bìa cuốn sách. Khi cuốn sách ra mắt bạn đọc , đây chính là bức ảnh mà hôm đó được lựa chọn.

Nhà báo lão thành Phan Quang đã làm đúng lời dạy của Bác Hồ: khi “viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm”./.                                         

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hình ảnh buổi ra mắt sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề“
Hình ảnh buổi ra mắt sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề“

VOV.VN - "Cuốn sách "Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” như một món quà chúc mừng nguyên Tổng giám đốc Đài TNVN tròn 90 tuổi.

Hình ảnh buổi ra mắt sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề“

Hình ảnh buổi ra mắt sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề“

VOV.VN - "Cuốn sách "Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” như một món quà chúc mừng nguyên Tổng giám đốc Đài TNVN tròn 90 tuổi.

Nhà báo Phan Quang: Tôi đã để nghề báo “ngập lụt” cuộc đời mình
Nhà báo Phan Quang: Tôi đã để nghề báo “ngập lụt” cuộc đời mình

VOV.VN - Phan Quang nói, ông đã để nghề báo "ngập lụt" cuộc đời mình. Và cũng đã muộn để dành thời gian rỗi rãi chuyên tâm sáng tác văn học.

Nhà báo Phan Quang: Tôi đã để nghề báo “ngập lụt” cuộc đời mình

Nhà báo Phan Quang: Tôi đã để nghề báo “ngập lụt” cuộc đời mình

VOV.VN - Phan Quang nói, ông đã để nghề báo "ngập lụt" cuộc đời mình. Và cũng đã muộn để dành thời gian rỗi rãi chuyên tâm sáng tác văn học.