"Đàm Vĩnh Hưng phải tập huấn mới có thẻ hành nghề"
Bộ VHTT&DL đã đặt quyết tâm chậm nhất là hết quý I/2014 sẽ bắt đầu tổ chức cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu.
Ngày 8/11, tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc hội nghị trực tuyến nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các nhà quản lý, báo chí về dự thảo lần 2 của Đề án cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu. Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - trò chuyện xung quanh đề án này, cũng như những vấn đề quản lý biểu diễn nghệ thuật thời gian qua:
PV: Thưa ông, cách đây khoảng nửa năm, khi dự thảo Đề án cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu được đem ra lấy ý kiến, rất nhiều người tỏ ra băn khoăn với đối tượng cũng như tiêu chí cấp thẻ hành nghề. Bản dự thảo mới đã xử lý những băn khoăn này thế nào?
Ông Nguyễn Đăng Chương: Trước hết, tôi khẳng định việc cấp thẻ hành nghề là hết sức cần thiết. Các cơ quan quản lý, báo chí và kể cả khán giả phản ánh qua đường dây nóng đều cho rằng đây là việc làm cần thiết. Nó còn cấp bách hơn khi thời gian qua xảy ra những vụ việc như: nghệ sĩ đánh bạc, trình diễn trái với quy định pháp luật như trường hợp Angela Phương Trinh, Bà Tưng-Lê Thị Huyền Anh.
Về căn cứ pháp lý, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 76 về chức năng của Bộ VH,TT&DL trong đó có chức năng cấp thẻ hành nghề. Vì thế, cơ sở pháp lý không có gì phải băn khoăn nữa. Đề án cũng được lấy ý kiến các cơ quan chức năng với 100% ý kiến đồng tình.
Đàm Vĩnh Hưng và nhiều nghệ sĩ khác sẽ phải đi tập huấn nếu muốn nhận thẻ hành nghề. |
PV: Tuy nhiên, phải nói rằng ở đây cũng có mấy vấn đề trái chiều. Dư luận cho rằng thẻ hành nghề liệu có tránh được tiêu cực, cơ chế xin - cho? Đề án có tạo thông thoáng; từ đó nâng cao ý thức nghệ sĩ đối với trình diễn phục vụ công chúng, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước?
Ông Nguyễn Đăng Chương: Xin trả lời, đối tượng được cấp thẻ hành nghề sẽ rất rõ ràng. Đó là: các nghệ sĩ có danh hiệu; các nghệ sĩ đang hoạt động ở đơn vị nghệ thuật công lập; các nghệ sĩ tốt nghiệp các chuyên ngành nghệ thuật; các sinh viên theo học chưa tốt nghiệp; các nghệ sĩ tự do chưa được đào tạo nhưng có năng khiếu đang hoạt động, kể cả nghệ nhân.
Đề án cấp thẻ hành nghề cũng tạo sự thông thoáng tối đa, mọi thủ tục không gây phiền nhiễu. Các Sở VH,TT&DL địa phương chỉ cần tổng hợp danh sách gửi ra Cục. Với những nghệ sĩ tự do, nghệ nhân, Sở địa phương sẽ rà soát, căn cứ trên năng lực biểu diễn trước công chúng để hoàn thiện hồ sơ chứ không lập hội đồng thẩm định.
Song, không phải ai thích có thẻ là cấp đâu. Sở chịu trách nhiệm làm hồ sơ và chịu trách nhiệm trước Bộ về năng lực nghệ thuật, khả năng đóng góp của nghệ sĩ.
PV: Cứ có hồ sơ của Sở nộp lên là Cục cấp thẻ. Điều đó có nghĩa tiêu chí thẻ hành nghề khá dễ dàng, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Chương: Không hẳn. Nghệ sĩ tự do phải có thâm niên biểu diễn. Có ý kiến nên thông thoáng, cho rằng thời gian biểu diễn từ 1 năm trở lên, có ý kiến là 3 năm. Trong đề án còn có yêu cầu tập huấn cho nghệ sĩ tự do các quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.
Thực tế, các nghệ sĩ công lập, nhất là nghệ sĩ có danh hiệu thì hầu như không có chuyện lùm xùm. Nghệ sĩ sân khấu thì còn “lành” nữa. Vì thế, hiện tại đề án tập trung vào đối tượng ca sĩ, người mẫu trước tiên. Trường hợp Kim Tử Long đánh bạc là cá biệt. Anh này là nghệ sĩ tự do, hoạt động trong lĩnh vực sân khấu và thời trang. Vụ việc bị khởi tố nằm vượt quá nhiệm vụ quản lý của cơ quan hành chính nhà nước.
PV: Ví dụ như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng muốn được cấp thẻ hành nghề, sẽ phải tham dự tập huấn?
Ông Nguyễn Đăng Chương: Đúng. Tập huấn ở đây là về pháp luật. Nó không phải chứng chỉ đánh giá về chuyên môn.
PV: Bà Tưng-Lê Thị Huyền Anh, Angela Phương Trinh hay nhiều cái tên khác không học hành bài bản và đã từng vi phạm pháp luật về biểu diễn nghệ thuật. Nếu các đối tượng này làm hồ sơ có được cấp thẻ?
Ông Nguyễn Đăng Chương: Cụ thể về trường hợp Bà Tưng, cô ấy không nằm trong đối tượng cấp thẻ hành nghề vì không đủ tiêu chuẩn. Cô ấy cần một thời gian nữa để trau dồi đạo đức, rèn luyện chuyên môn. Nếu đáp ứng yêu cầu biểu diễn phục vụ công chúng thì cấp thẻ chứ không hoàn toàn đóng lại con đường nghệ thuật với cô ấy.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (ảnh: TT&VH) |
Khi trao đổi với Sở VH,TT&DL Hà Nội, TP. HCM về hướng xử lý trường hợp này, chúng tôi cũng định hướng Sở gợi mở cho cô ấy hướng đầu tư thời gian học tập, nâng cao khả năng chuyên môn nếu thực sự có khả năng và khát vọng tham gia biểu diễn nghệ thuật.
PV: Theo quan điểm của tôi, vấn đề chấn chỉnh biểu diễn nghệ thuật không nằm ở tấm thẻ hành nghề mà ở sự nghiêm túc của cơ quan quản lý, ý thức xã hội của nghệ sĩ… Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Đăng Chương: Đúng vậy. Chúng ta nhìn nhận những mặt tích cực, nhưng cũng cần nhìn thẳng vào hạn chế. Có thể nói, sự lộn xộn trong đời sống nghệ thuật biểu diễn do mấy vấn đề, trong đó có việc buông lỏng quản lý của cơ quan văn hóa từ trung ương tới địa phương. Nhiều địa phương cấp giấy phép bằng phong bì. Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng từng có hiện tượng đó.
Đầu năm 2013, Cục đưa ra 9 giải pháp chấn chỉnh, đặc biệt nâng cao vai trò của chuyên viên thẩm định và cấp phép. Thẩm định trước khi cấp phép, nhưng phải hậu kiểm, nếu bỏ đấy thì người ta sẽ làm bậy. Khi đã vi phạm thì cần bị xử lý nghiêm. Trau dồi đạo đức trong cơ quan nhà nước, nhất là cán bộ thụ lý hồ sơ. Tôi khẳng định 1 năm nay, Cục Nghệ thuật Biểu diễn không còn hiện tượng nhận phong bì cấp phép như đã từng có. Cục đã cho luân chuyển, thôi việc những cán bộ như vậy. Việc cấp phép cũng không vì nể nang mà sai luật, lách luật.
PV: Ông khẳng định Cục - cơ quan trung ương - không có chuyện nhận phong bì cấp phép. Nhưng ở địa phương thì sao?
Ông Nguyễn Đăng Chương: Qua khảo sát, kiểm tra, đường dây nóng của doanh nghiệp, tôi cũng rất buồn phải khẳng định rằng, việc này còn tồn tại ở địa phương dù Cục luôn chỉ đạo địa phương thay đổi cách làm việc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ mẫn cán, có tâm, đủ trình độ thẩm định. Khi nhận phong bì, rõ ràng phải bảo kê, chưa kể việc lách luật, hay “vẽ đường cho hươu chạy”.
PV: Sự phối hợp trung ương - địa phương nhiều khi còn không nhất quán, chẳng hạn vừa qua, trong Đêm Viettel, Bằng Kiều được cấp phép biểu diễn ở Hà Nội, Đà Nẵng, nhưng lại không được diễn ở TP. HCM. Đó là vì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Chương: Đó không phải là không nhất quán. Nghị định 79 nêu rõ, các địa phương vì lý do về an ninh trật tự, ở đây có thể hiểu là về tư tưởng, có quyền từ chối tiếp nhận biểu diễn. Vì thế, với các nghệ sĩ có nhân thân phức tạp, Cục thường trao đổi với địa phương trước khi ra văn bản. Nếu địa phương không đồng ý, Cục không cấp phép, tránh trường hợp Chế Linh trước đây, Cục cấp phép mà TP. HCM từ chối. Còn với Bằng Kiều, Cục đã trao đổi với Sở VH,TT&DL TP. HCM và không cấp phép cho Bằng Kiều diễn ở đó.
PV: Xin cảm ơn ông./.