Hai bóng hồng một thời vang bóng của màn ảnh Việt
Hai mỹ nữ không thể không nhắc tới là nghệ sĩ Thanh Loan và Lê Khanh.
Màn ảnh Việt những năm 80 ngập tràn những bóng hồng được đánh giá cao về nhan sắc và tài năng như: Trà Giang, Diễm My, Thu Hà, Minh Châu… Và hai mỹ nữ không thể không nhắc tới là nghệ sĩ Thanh Loan và Lê Khanh.
Thanh Loan đã chán nhắc tới ni cô Huyền Trang
Nói tới nghệ sĩ Thanh Loan, không ai không biết bà với vai diễn ni cô Huyền Trang trong phim điện ảnh nổi tiếng Biệt động Sài Gòn. Vai diễn ấn tượng và sâu sắc đến nỗi chẳng ai nhớ bà từng thành công qua nhiều vai diễn khác, trong đó có vai thiếu nữ tên Riêng trong phim điện ảnh Người về đóng cói (1971). Đây là cú chạm ngõ điện ảnh của người đẹp nức tiếng màn bạc thời bấy giờ, là vai diễn giúp bà tỏa sáng để đến tận bây giờ, nhiều nghệ sĩ cùng thời gặp bà vẫn gọi bà bằng cái tên thân mật: Cô Riêng.
Trước khi đến với Người về đóng cói, nghệ sĩ Thanh Loan từng đi thử vai cho hai bộ phim Không nơi ẩn nấp của đạo diễn Phạm Kỳ Nam và Chị Nhung của đạo diễn Nguyễn Đức Hinh - Đặng Nhật Minh. Thử vai trót lọt nhưng đơn vị quân đội không cho đi đóng phim khiến bà nuối tiếc tới tận bây giờ.
Phải đến năm 1971, NSND Bạch Diệp thuyết phục mãi, quân đội mới cho Thanh Loan đi đóng phim. Bà nhớ lại lần đầu tiên tham gia bộ phim và vào vai thôn nữ, bà thoáng chút ngỡ ngàng vì vốn được sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, được chăm bẵm như một tiểu thư nên những công việc nặng nhọc của cô gái thôn quê khiến bà bỡ ngỡ. Đóng những cảnh quay vác thuyền nan hay đẩy thuyền, bà phải cố gồng mình để diễn vì không vác nổi. Và cho đến bây giờ, nghệ sĩ Thanh Loan vẫn luôn thắc mắc không hiểu sao một tiểu thư Hà Nội như bà mà cứ chuyên được giao những vai thôn nữ dịu dàng, đảm đang và yêu thương binh. Bà tự nhủ, chắc khuôn mặt mình giống thôn nữ quá.
Sau thành công của Người về đóng cói, bà được đảm nhận nhiều vai chính trong các dự án điện ảnh. Tiêu biểu nhất có thể kể đến Bài ca ra trận (1973), Bản đề án bị bỏ quên (1980), Phương án ba bông hồng (1981)... Và vai diễn đặc biệt nhất còn in dấu mãi cho đến bây giờ vẫn là vai diễn trong Biệt động Sài Gòn (1986). Ấn tượng về ni cô Huyền Trang hiền dịu, nhân từ và can đảm đã in sâu trong lòng khán giả. Đó cũng là lý do nghệ sĩ Thanh Loan phải thốt lên: “Người ta hỏi nhiều quá khiến tôi thấy mất cả giá trị vai diễn của mình. Nhắc đến mãi cũng thấy chán”. Sau vai diễn này, bà giã từ sự nghiệp diễn viên vì bận rộn và một phần nhận thấy không có vai diễn nào vượt qua được ni cô Huyền Trang.
Trong những bóng hồng của dòng phim cách mạng, nghệ sĩ Thanh Loan vinh dự được NSND Đàm Trọng Khánh liệt kê vào “Top” bốn mỹ nhân đẹp nhất màn ảnh cùng ba nghệ sĩ khác là Tuệ Minh, Trà Giang và Lê Vân. Trước đó, bà cũng từng là hoa khôi của Đoàn Kịch nói văn công Quân đội.
Nhan sắc quá nổi bật, thành công trong con đường nghệ thuật nên bà cũng không tránh khỏi những thị phi, soi mói dị nghị của người đời. Năm 1987, Thanh Loan đi cùng Đoàn đại biểu điện ảnh Việt Nam sang Liên Xô. Khi trở về, bà đi thăm chồng và ở lại với chồng 6 tháng, còn đoàn đại biểu về nước trước. Không thấy bà trở về, người ta bắt đầu rỉ tai nhau rằng bà đã qua đời khiến cả gia đình bà cũng hốt hoảng. Bố của bà phải đạp xe lên tận cơ quan để hỏi việc này có thật hay không. Không chỉ vậy, những tin đồn bà li dị chồng, rồi bị tạt axit nên không đóng phim được nữa cũng khiến cuộc sống của bà gặp nhiều rắc rối.
Với một người nghệ sĩ, những đồn thổi là khó tránh khỏi. Biết vậy nên bà luôn cố gắng làm việc nghiêm túc, giữ mình tránh khỏi những xô bồ. Sau khi từ bỏ nghiệp diễn, bà đi học và trở thành đạo diễn, Phó giám đốc Liên chi hội Văn học Nghệ thuật Công an cho các bộ phim tài liệu. Hiện tại, bà đã nghỉ hưu và sống an nhàn, hạnh phúc bên chồng và con cháu tại Hà Nội.
Lê Khanh, trân trọng 10 năm rời xa điện ảnh
Nhắc tới những người đẹp màn ảnh của thập niên 80, không thể không nhắc tới NSND Lê Khanh. Chị nổi tiếng là hình mẫu của một cô gái Hà Nội thanh tao nhã nhặn, khí chất thanh lịch. Là con gái gốc Hà thành, con của hai nghệ sĩ nổi tiếng là NSND Trần Tiến và nghệ sĩ Lê Mai, cánh cửa nghệ thuật đến với Lê Khanh khi chị chỉ mới 7 tuổi.
Sau vài bộ phim điện ảnh, Lê Khanh xin vào Nhà hát Tuổi trẻ ở tuổi 16 và ngậm ngùi ký đơn chia tay điện ảnh 10 năm để chuyên tâm cho sân khấu. Cả tuổi trẻ của chị đã cống hiến hết mình cho sân khấu kịch. Những năm ấy, Lê Khanh trở nên nổi tiếng với hàng loạt vai diễn nặng ký trên sân khấu kịch như: Juliet (Romeo và Juliet), Dexdemona (Otenlo), Lý Chiêu Hoàng (Rừng trúc)… Thời kỳ đỉnh cao, có những lúc chị cùng các diễn viên của nhà hát diễn tới 4 suất/ngày, liên tục trong 3-4 năm.
Với Lê Khanh, dù phải rời xa điện ảnh trong khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ nhưng chưa bao giờ chị hối tiếc, vì những vai diễn “đóng đinh” trong lòng khán giả. “Không có 10 năm làm sân khấu thì tôi cũng không có danh hiệu NSND khi chưa tới 40 tuổi. Tôi trân trọng 10 năm ấy”, chị bộc bạch.
Phải đến năm 1988, Lê Khanh mới trở lại điện ảnh với một series phim truyện nhựa như: Ám ảnh, Chuyện tình bên dòng sông, Săn bắt cướp… Vừa trở lại với điện ảnh, chị đã nhận được giải Nữ diễn viên xuất sắc trong LHP toàn quốc lần thứ 10 cho vai Lan trong Chuyện tình bên dòng sông. Không chỉ vậy, chị còn gặp được “một nửa định mệnh” của mình là đạo diễn Phạm Việt Thanh.
Những năm tháng hoàng kim của Lê Khanh nối dài với hàng loạt vai diễn đủ thể loại, màu sắc. Thế nhưng, ký ức của khán giả chắc chắn không thể quên được cô Thảo trong bộ phim truyền hình Người Hà Nội (1996). Đến tận bây giờ, Người Hà Nội vẫn hằn in trong trí nhớ của nhiều người với một bức tranh về Hà Nội trong giai đoạn phục hồi kinh tế và những người lính ra trận trở về. Hiện lên trong bức tranh ấy là hình ảnh cô bác sĩ tên Thảo ân cần, dịu dàng như mùa thu Hà Nội nhưng lại ẩn chứa những xung đột nội tâm dữ dội. Năm ấy, Lê Khanh 33 tuổi, cái tuổi mặn mà của người phụ nữ vừa sinh con. Đi quay phim khi con nhỏ và vẫn phải cho bú nên cứ ba tiếng chị lại phải nhờ người trong đoàn làm phim hỗ trợ về nhà cho con ăn rồi lại lên đường đi quay tiếp. Vất vả nhưng đó là những tháng ngày với những kỷ niệm đẹp mà chị không bao giờ quên.
Hiện tại, ở tuổi 53, “người Hà Nội” năm nào giờ đang là Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Đã lui về hậu trường để nhường đất diễn cho các tài năng trẻ nhưng Lê Khanh lúc nào cũng tất bật và tràn ngập nhiệt huyết với công việc. Lúc nào cũng thấy chị quay cuồng trong công việc giảng dạy, dựng vở cho các nghệ sĩ, giao lưu với các nhà hát quốc tế… Vất vả là vậy nhưng chị vẫn luôn cố gắng chu toàn và chăm lo tốt nhất cho gia đình vì “có thế nào cũng không thể sống thiếu gia đình được”./.