Một cảm xúc mang tên Nguyễn Ngọc Bình

VOV.VN - Triển lãm mang tên “Cảm xúc” của TS, KTS Nguyễn Ngọc Bình đang thú hút sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô. 

Diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội, từ 19 đến 29/1, triển lãm mang tên “Cảm xúc” của TS, KTS Nguyễn Ngọc Bình đang thú hút sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô. Triển lãm không chỉ mang đến những xúc cảm chân thực cho người xem mà còn là lời khẳng định sáng tạo nghệ thuật chẳng có tuổi.

TS, KTS Nguyễn Ngọc Bình.

Đúng như tên gọi “Cảm xúc”, các tác phẩm tại triển lãm đều khiến người xem dễ dàng cảm nhận được tâm tư, tình cảm TS, KTS Nguyễn Ngọc Bình gửi gắm trong đó. Dẫu các tác phẩm thuộc nhiều mảng đề tài khác nhau từ phong cảnh, tĩnh vật hay đến chân dung, tự hoạ… nhưng đều không “đại ngôn”, không đưa người ta vào các vấn đề nóng của xã hội, mà đặt vào đó là tình cảm sâu lắng, sự từng trải hiểu biết, tạo nên chiều sâu trong từng tác phẩm.

Hoạ sĩ Phạm Kim Bình, chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội đánh giá: “Qua phòng tranh này thì tôi cũng thấy tình yêu nghề, sự đam mê thực sự, và lao động hết mình của hoạ sĩ. Và qua những bức tranh này mặc dầu đề tài rất bình dị về những miền quê, nó thể hiện được cả những cảm xúc cũng như nội tâm của hoạ sĩ thể hiện qua những bức tranh.”

Triển lãm thu hút đông đảo khán giả.

Hơn 50 tác phẩm trưng bày tại triển lãm phần lớn được tác giả thể hiện trên chất liệu sơn dầu, một số tác phẩm phấn mầu, thuốc nước, chì… Đây đều là những tác phẩm mới sáng tác, phần nào cho thấy tình yêu nghệ thuật mãnh liệt của Nguyễn Ngọc Bình. Những bức tranh được lấy cảm hứng từ những hình ảnh bình dị nhất về thiên nhiên như hoa cỏ, cây lá, hay những vùng quê tác giả từng đi qua, những con người ông vẫn gặp…

Đó là vẻ đẹp e ấp trong tác phẩm “Thiếu nữ Hà Nội”, tuổi thanh xuân hừng hực trong “Sức sống”, nét thơ ngây trong trẻo ở “Bé người Dao”, hay vẻ đẹp bất tận của những miền quê qua “Xuân về bản Vả Vang”, “Phong cảnh Sơn Dương, Lâm Đồng”, “Làng chài Mũi Mé”, rồi chút hoài niệm trong “Hoa Tết người Hà Nội xưa”, chùm chân dung gia đình… Loạt tranh của ông là nguồn cảm hứng dồi dào, bộc lộ tính cảm xúc thẩm mỹ nội tâm sâu sắc với thiên nhiên, con người bất tận.

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm.

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Nếu mà nói thể hiện trọn vẹn nhất thì đấy là bộ chân dung người thân trong gia đình kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bình. Tôi nghĩ đấy là cái mà ông đọc được thần thái từ cha mẹ cho đến vợ, con, cháu… nó đạt được sự tinh tế ở trong từng bức chân dung, thể hiện được cả những tính cách. Có thế nói tâm lý, trạng thái cảm xúc của ông đã thể hiện hết sức thành công trong bộ chân dung này.”

TS, KTS Nguyễn Ngọc Bình bảo, ông mê vẽ từ nhỏ cùng những năm tháng học kiến trúc được học mỹ thuật kỹ lưỡng đã nuôi dưỡng tình yêu hội hoạ lớn dần trong ông. Chẳng thế mà, ngay cả những thời điểm bận rộn công tác nhất nhưng Nguyễn Ngọc Bình vẫn giữ thói quen quan sát và ghi chép ký hoạ chuẩn bị cho sáng tác sau này. Đặc biệt khi nghỉ hưu ông đã dành nhiều thời gian sáng tác để thoả lòng đam mê hội hoạ trong ông.

Bỏ qua hết mọi bề bộn cuộc sống, bỏ qua hết mọi suy tư, trăn trở của cõi đời này, ông tự thanh lọc mình, lựa chọn những mảng màu bình yên nhất, trung tính mà kết hợp tinh tế hết mức có thể. TS, KTS Nguyễn Ngọc Bình nói: “Đi công tác thì tôi cũng hay đi về các vùng nông thôn, mà vùng nông thôn thì cho tôi rất nhiều xúc cảm, cảm xúc rất nhiều về quang cảnh đất nước mình. Nhưng phải từ khi về hưu tôi mới có thời gian, mới tĩnh tâm làm việc được, tĩnh tâm mà vẽ được thì cũng rất là mừng là các bạn đồng nghiệp đến xem tranh của tôi, tôi rất là vui.”

TS, KTS Nguyễn Ngọc Bình vẫn nói mọi con đường ông đi đều đưa ông đến với hội hoạ, học kiến trúc cũng “gần” với hội hoạ, cưới vợ cũng cưới đúng “con gái diệu” danh hoạ Tô Ngọc Vân. Thế nên, bằng sức sáng tạo, bằng tình yêu nghệ thuật Nguyễn Ngọc Bình đã tạo nên một triển lãm như mơ với bầu không khí yên bình, trong lòng phố cổ Hà Nội mà phong cảnh những vùng nông thôn hiện diện sống động với đồng lúa, triền đê, con đường mòn, những nhân dáng muôn vẻ của cái đẹp...

Tác giả cho biết: “Các cụ ngày xưa nói là “nuôi cá thì dưỡng tâm, nuôi chim dưỡng trí, nuôi cây thì dưỡng thần” mà 3 điều đó thì rất cần cho tất cả mọi người mà nhất là những người lớn tuổi. Tôi dưỡng cái đó bằng hội hoạ, tâm phải sáng thì vẽ mới trong sáng, phải có trí tốt và có thần thái thì bức tranh mới có hồn. Cũng mong muốn những người cao tuổi, mỗi người một điều kiện, một khả năng khác nhau thì mỗi người đều có một cách để dưỡng tâm, dưỡng trí, dưỡng thần.”

Nguyễn Ngọc Bình đến với hội hoạ không chỉ để thoả đam mê mà còn là cách ông biến những năm tháng hưu trí trở lên phong phú và sắc màu hơn. Chẳng thế mà, điều ông chú trọng nhất trong tác phẩm không phải kỹ thuật hay những mảng màu độc đáo mà ông muốn thổi một cảm giác thư giãn, nhẹ nhàng, không phải nhọc công tưởng tượng, ngẫm nghĩ để người xem dễ dàng cảm nhận.

Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, anh vợ Tiến sĩ, KTS Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ: “Ông ấy tự làm cho mình phong phú lên, ông ấy không phải trong giới hội hoạ nhưng ông ấy đam mê và vẽ như thế này mà tôi còn biết ông ấy còn ảnh nữa đấy, mà ảnh cũng có thể có một cuộc triển lãm nữa. Chính đây là cách nuôi tuổi thọ của mình, tôi thấy chú vẽ rất nhiều, vẽ đẹp mà nói chung là có cảm xúc gửi vào trong đấy.”

Không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần bản thân, Nguyễn Ngọc Bình còn mong muốn làm phong phú và cải thiện đời sống, điều kiện học tập cho trẻ em khi quyết định quyên góp một số tác phẩm trong triển lãm cho quỹ từ thiện xây trường học vùng cao. Đó là cách người KTS già, người hoạ sĩ trẻ gửi gắm, nuôi dưỡng những tâm hồn đẹp cho mai sau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Triển lãm chuyên đề “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không“
Triển lãm chuyên đề “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không“

VOV.VN - Với gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, triển lãm đã khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử của chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không.

Triển lãm chuyên đề “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không“

Triển lãm chuyên đề “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không“

VOV.VN - Với gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, triển lãm đã khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử của chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không.

Trao giải và triển lãm cuộc thi ảnh “Hành trình Di sản 2017”
Trao giải và triển lãm cuộc thi ảnh “Hành trình Di sản 2017”

VOV.VN - Cuộc thi đã nhận được 165 bộ ảnh phóng sự báo chí và 374 ảnh bìa của các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên trên khắp mọi miền đất nước.

Trao giải và triển lãm cuộc thi ảnh “Hành trình Di sản 2017”

Trao giải và triển lãm cuộc thi ảnh “Hành trình Di sản 2017”

VOV.VN - Cuộc thi đã nhận được 165 bộ ảnh phóng sự báo chí và 374 ảnh bìa của các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên trên khắp mọi miền đất nước.