Nghệ sĩ chia sẻ chuyện dạy con hướng về nguồn cội
Là những nghệ sĩ sống nơi đất khách quê người nhưng họ luôn dạy con hướng về nguồn cội và gìn giữ truyền thống trong những ngày năm hết Tết đến.
Cựu người mẫu Thúy Hạnh chia sẻ, với chị, Tết là những khoảnh khắc ngọt ngào khi được sum họp bên cả gia đình. Xa Hà Nội hơn 9 năm, từ khi vào Nam lập nghiệp, mỗi dịp gần Tết, chị thường nhớ Hà Nội da diết. Những chiếc bánh chưng xanh, nồi măng gà mẹ nấu... là những thứ mà dù đi bất cứ đâu, chị cũng không thể quên.
Thuý Hạnh và hai con gái trong ngày hội đón xuân. |
“Dịp gần Tết, tôi thường phải tham gia khá nhiều chương trình, sự kiện nhưng năm nào, tôi cũng muốn được ăn Tết cùng với bố mẹ. Vì vậy, tôi thường chuẩn bị trước để Tết kịp ra Bắc sum họp với cả nhà. Phần cũng để hai con gái được về thăm ông bà ngoại. Đó là cách giáo dục giúp con cái không quên nguồn gốc, ông bà, tổ tiên. Hai con tôi cũng rất quấn quýt với ông bà ngoại. Đây là dịp để hai con được bồi đắp tình cảm, sự gắn bó yêu thương với mọi người. Tôi thường dành nhiều thời gian ở nhà, để cả gia đình quây quần, thư giãn. Tôi yêu những giây phút hạnh phúc bình yên này”, Thúy Hạnh trải lòng.
Gia đình Thúy Hạnh thường cho các con về Hà Nội trước Tết để thăm ông bà ngoại. |
“Tôi có một nền tảng giáo dục vững chắc từ bố mẹ. Tôi chưa bao giờ nghe mẹ tôi bực dọc, lớn tiếng với con cháu mà bà luôn kiên trì lắng nghe. Vì đã học được điều đó nên tôi luôn nhẹ nhàng, dịu dàng với con cái. Tôi chấp nhận những sai lầm, thất bại của con cái. Để có được điều đó, tôi phải tâm lý, sống tình cảm và sẵn sàng có mặt bất cứ khi nào con cần. Bên cạnh đó, tôi nghĩ không chỉ riêng mình mà những gia đình người Việt sống tại hải ngoại đều luôn cố gắng dạy con không được quên gia đình, nguồn cội.
Ca sỹ Thu Phương và các con trong những ngày sum vầy đón xuân. Ảnh: TL. |
Ví dụ, như bắt con phải học tiếng Việt, không được quên những lễ nghi, đám giỗ, lễ Tết của dân tộc… Điều mà tôi lo là sự hiện hữu của tôi trong đời sống của các con. Ở Mỹ, văn hóa khác ở Việt Nam, con cái với cha mẹ tương đối bình đẳng, sòng phẳng. Có nhiều câu chuyện xảy ra xung quanh khiến nên đôi khi tôi cảm thấy đôi chút hụt hẫng”, Thu Phương nói.
Theo nữ ca sỹ gốc Hải Phòng, dù đã qua Mỹ nhiều năm nhưng không năm nào gia đình chị không quây quần bên nhau trong mâm cơm ngày Tết. Trước đó, dù bận rộn đến mấy thì cứ cận Tết là Thu Phương lại tranh thủ đi đến khu chợ của người Việt để mua sắm các vật phẩm về dâng cúng ông bà tổ tiên và cả những thứ trang trí trong nhà. Có nhiều lần ra chợ thấy thứ gì cũng muốn mua nên Thu Phương khiêng nguyên mấy túi xách về dùng cả tuần mới hết.
Dù xa quê hương khá lâu nhưng gia đình Thu Phương vẫn giữ nếp sinh hoạt như những ngày còn ở Việt Nam. |
Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam cũng chia sẻ rằng, dù gia đình anh cố gắng hòa nhập với xã hội phương Tây nhưng vợ chồng anh vẫn luôn giáo dục cho con trai rằng mình là người Việt Nam, không được quên nguồn cội. Không về được dịp Tết nhưng mỗi năm, vợ chồng anh đều sắp xếp cho con về Việt Nam để thăm họ hàng, đặc biệt là học tiếng Việt.
“Ở bên Đức, dù được ba mẹ dạy tiếng mẹ đẻ, nhưng bé Hoàng Đan ít có cơ hội được giao lưu bằng tiếng Việt nên khả năng nói còn nhiều hạn chế. Vậy là trước khi về, tôi rao trên trang facebook của mình tìm gia sư để dạy thêm cho con cũng như tìm người trò chuyện, hướng dẫn cho bé trong lúc ba mẹ bận việc riêng. Kết quả là mới về được khoảng một tuần nhưng vốn tiếng Việt của Hoàng Đan đã tiến bộ hẳn”, nhạc sỹ Phương Nam nói.
Nhạc sỹ Nguyễn Công Phương Nam. |
Nhạc sỹ Phương Nam cho biết thêm, anh luôn dạy con phải giữ lấy gốc gác của mình vì ở bên này trẻ con lớn lên khoảng 15 tuổi là không rành tiếng Việt. Đó là một điều đáng buồn. Dù sống ở Tây nhưng mình vẫn là người Việt, hòa nhập với quốc tế là một chuyện tốt nhưng không thể xem nhẹ nguồn cội được.
“Ông bà mình dạy “Chim có tổ, người có tông”, đó là những điều tôi và gia đình mình luôn gìn giữ dù đi bất kỳ nơi đâu”, nhạc sỹ họ Nguyễn nhấn mạnh./.