Nghệ sĩ trẻ Việt chia sẻ ký ức về Tết xưa

VOV.VN - 60 bài viết là 60 câu chuyện khơi gợi lại một khoảng trời ký ức thấm đẫm yêu thương trong góc sâu tình cảm của mỗi con người.

Nhân dịp đón Tết Ất Mùi 2015, nhóm tình nguyện viên Truyền thông Trăng Đen và Phoenix Books vừa ra mắt cuốn tản văn “Tết xưa chưa mất” được phát hành dưới dạng sách điện tử tại website tetxua.vn.

Cuốn sách tập hợp các bài viết hay nhất từ cuộc thi “Tết xưa chưa mất” do Nhóm Gìn giữ Tết xưa – Tình nguyện viên Truyền thông Trăng Đen phối hợp cùng Viện phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt tổ chức.

Bìa sách "Tết xưa chưa mất"

60 bài viết là 60 câu chuyện khơi gợi lại một khoảng trời ký ức thấm đẫm yêu thương trong góc sâu tình cảm của mỗi con người. Nhóm tác giả không phải là nhà văn chuyên nghiệp, họ chỉ là những thành viên “vô danh” trên mạng xã hội facebook, không quen biết nhau ngoài một điểm chung duy nhất là muốn chung tay “gìn giữ Tết Xưa”.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn có sự chung tay hưởng ứng từ 15 nghệ sĩ trẻ ở nhiều lĩnh vực gồm: Ca sĩ A Tuân, ca sĩ Đình Bảo, ca sĩ Đinh Mạnh Ninh, người mẫu Hà Thu, ca sĩ Hải Yến Idol, người mẫu Hồ Vĩnh Anh, ca sĩ Huy Quyết, ca sĩ Khánh Ngọc, người mẫu chuyển giới Lan Phương, siêu mẫu Lê Quang Hoà, nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên, ca sĩ Pha Lê, MC Phan Anh, siêu mẫu Trang Khàn và Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga. Các nghệ sĩ đã trải lòng chia sẻ những câu chuyện thật của bản thân, những ký ức Tết xưa khó phai mờ…

Với thông điệp “Ra đi là để trở về, trở về là để yêu thương”, cuốn sách đưa người đọc phiêu du về miền ký ức Tết xưa để thấy yêu thương gia đình hơn, yêu thương cuộc sống hơn và trên tất cả, khơi dậy sự mong muốn trở về đoàn viên, sum họp./. 

Hồi ức của Siêu mẫu Quang Hòa:

Đêm nay, một đêm khác với mọi ngày, suy nghĩ rối bời, lòng nôn nao khó tả... Thật không chợp mắt được... Cứ đến mỗi cuối năm lại như vậy, lại nghĩ về cái Tết, nghĩ về một năm đã qua, về công việc, về gia đình, bạn bè và dự định tương lai. Mỗi năm qua đi, suy nghĩ lại mỗi khác. Ôi, đúng là mùa xuân sang nghĩa trang lại gần thêm một đoạn, càng nghĩ càng rối.

Mất ngủ, lọ mọ trên mạng kiếm mấy hình chụp Hà Nội xưa đầy xác pháo, cứ nhìn mãi vào tấm hình... Nhớ lắm... nhớ cái cảm giác đón giao thừa với bố và chị gái... nhớ cái cảm giác đếm từng giây để đến đúng 12 giờ, thời khắc giao thừa, bố sẽ đảm nhận vai trò châm ngòi pháo, đón chờ năm mới với thật nhiều mong ước.

Hồi còn nhỏ, mình cùng mẹ và chị ở trên nhà, bịt tai chờ tiếng pháo, khắp phố phường Hà Nội rộn vang đủ loại âm thanh của pháo, inh tai, sâu lắng, len lỏi là hương xác pháo nồng đến khó thở... Chỉ vài phút sau sẽ là tiếng hò reo của lũ trẻ con hàng xóm, chúng ùa ra đường, đứa lượm xác pháo, đứa nhặt pháo xịt, đứa chơi pháo - đủ loại, nào là pháo chỉ thiên, bướm bay,...

Người lớn thì chuẩn bị hoá vàng rồi sửa soạn đi ngủ để sáng ra làm mâm cơm họp gia đình ngày Tết. Ngày Tết, cái ngày quan trọng của mỗi gia đình người Việt, ngày để mọi người trong dòng họ sum họp, kể cho nhau nghe những vui buồn trong năm, cũng là lúc mình thích nhất vì được trực để nhận lì xì.

Thời đó, chỉ có Tết là được rủng rỉnh tiền nhờ lì xì để đi ăn này ăn nọ. Dẫu vui dẫu buồn, đó vẫn là những ký ức sống mãi trong lòng. Tôi hạnh phúc vì được sinh ra tại nơi này, được trải qua những thời khắc như thế, những cái Tết Hà Nội xưa.

Tôi viết cho quá khứ, cũng muốn có chút gửi gắm cho năm mới, chúc mọi gia đình, bạn bè, anh chị em luôn bình an, được mọi điều tốt lành, có được tình yêu vững bền, một bé con xinh xinh, kinh tế ổn định, bạn bè yên ổn để được tụ tập nhiều hơn, được gặp lại những anh chị, bằng hữu đã lâu không thấy, hàn huyên lại những câu chuyện kỷ niệm xưa...

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên