NSND Trần Ngọc Giàu: Đưa hơi thở Sài Gòn lên sân khấu Bắc
VOV.VN -Tôi hy vọng là sẽ góp một chút Sài Gòn cho Hà Nội và mọi người sẽ thích xem...
Đã từ lâu, NSND Trần Ngọc Giàu là nghệ sĩ có tên tuổi của sân khấu phía Nam với quan điểm “vở diễn thành công là phải có khán giả, thành công của tập thể, còn thất bại là do đạo diễn”.
Biết tin NSND Trần Ngọc Giàu ra Bắc dàn dựng vở kịch “Thầy và trò” của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, khán giả yêu nghệ thuật đang mong chờ một vở diễn đánh dấu tên tuổi ông trên sân khấu Bắc. PV VOV đã có cuộc trò chuyện với NSND Trần Ngọc Giàu về vấn đề này.
Thưa NSND Trần Ngọc Giàu, vì lý do gì ông nhận lời ra Bắc đạo diễn cho vở kịch “Thầy và trò” của nhà hát Kịch Việt Nam?
Có hai điều mà tôi phải đặt vấn đề nhận vở ở ngoài này. Thứ nhất vở là vấn đề của thực tại của xã hội Việt Nam đang tồn tại. Nó là vấn đề chung nhất – đó là vấn đề con người. Và tôi cũng muốn các bạn diễn viên ngoài Bắc sẽ giúp cho tôi biết thế nào để phù hợp với khán giả nở đây.
Thứ 2 là thông qua các bạn diễn viên cho tôi biết rằng có khi người ta đang trông chờ một điều khác chứ không phải như những gì mà những người làm nghệ thuật nghĩ. Tôi hy vọng là tôi góp một chút Sài Gòn cho Hà Nội và mọi người sẽ thích xem. Và khi vào Sài Gòn người ta lại thấy rằng: à nó Hà Nội nhưng mà nó rất là Sài Gòn.
NSND Ngọc Giàu |
Ông có sợ là nghệ thuật thể hiện của sân khấu Sài Gòn khi lên sân khấu Hà Nội trở nên khập khiễng, thậm chí là không hợp với sự cảm thụ của khán giả phía Bắc?
Tôi quan điểm là nghề đạo diễn không có mảng miếng. Đạo diễn chỉ có việc là làm sao cho khán giả tiếp nhận vở của mình thôi. Khi tôi làm việc với diễn viên, tôi điều chỉnh diễn viên để họ làm việc theo tôi. Họ cần "Sài Gòn" một tí, chứ tôi cũng không nghĩ rằng hình thức nó phải thế này, thế khác.
Tôi cũng là một đạo diễn ít hình thức. Tôi đi vào tâm lý nhân vật. Tôi đi vào trong cuộc sống của nhân vật, nó gần gũi với đời thường. Khi người ta xem kịch, người ta nhận ra mình trong kịch, chứ không phải là hình thức. Bởi nói về hình thức thì thật sự sân khấu Việt Nam chúng ta không đủ phương tiện, không đủ điều kiện để làm.
Cho nên là chúng ta đừng có làm nửa vời, chúng ta làm sao để sân khấu là nghệ thuật trực tiếp từ diễn viên – thể hiện hình tượng nhân vật mình, đến với khán giả để người ta nhận ra: đâu đó trong cuộc sống này có những điều này, điều khác, chứ đừng nặng về hình thức lắm. Ánh sáng, sân khấu hiện nay chúng ta thua xa lắm so với thế giới. Thế nên bây giờ cần phải đi vào chiều sâu, sự gần gũi của nhân vật nhiều hơn.
NSND Trần Ngọc Giàu làm việc với diễn viên nhà hát Kịch VN |
Ông kỳ vọng gì ở đội ngũ diễn viên nhà hát Kịch Việt Nam khi dựng vở kịch này?
Khoảng 10 năm tôi mới quay lại làm việc với Nhà hát Kịch Việt Nam. Tôi cũng ít nhiều hiểu được phong cách của nhà hát kịch Việt Nam. Các anh, các chị đều đã trưởng thành. Bây giờ các anh, các chị đều từ NSUT lên NSND. Nhưng mà dường như, các anh, các chị vẫn diễn nhiều quá so với hình thức của kịch Sài Gòn.
Sài Gòn thì đôi khi họ lại tự nhiên hóa, cho nên tôi muốn rằng, tôi sẽ là một cầu nối kết nối khán giả với diễn viên. Ở trong một chừng mực biểu diễn như thế nào đó người ta cảm giác rằng là không phải đời thường, không phải tự nhiên mà nó là nghệ thuật biểu diễn. Biểu diễn mà người ta không nhận ra rằng mình đang diễn. Đấy là những cái mà tôi nghĩ rằng tôi sẽ làm được.
Khán giả miền Bắc khác với khán giả miền Nam một chút, nhưng suy cho cùng thì khán giả ở đâu cũng có điểm chung là họ đến sân khấu là để tiếp cận một cái gì đó, nó giả nhưng mà nó thật, thật nhưng mà người ta vẫn thấy đó là kịch.
Vâng, xin cảm ơn NSND Trần Ngọc Giàu về cuộc trao đổi này!./.