Phạm Thu Hà: “Yêu mà không dữ dội thì yêu làm gì?”

VOV.VN - “Sự dữ dội của tôi không ồ ạt, và thể hiện ra hết bên ngoài mà nó cuồn cuộn cháy ở bên trong".

Sự dữ dội của tôi không ồ ạt, và thể hiện ra hết bên ngoài mà nó cuồn cuộn cháy ở bên trong. Với tất cả những trân trọng, yêu thương ấy, tôi đã có một “Hà Nội Yêu” nồng nàn cho riêng mình”- Phạm Thu Hà chia sẻ trong ngày đầu xuân mới 2016.


Hơn ba năm nhìn lại kể từ sau giải thưởng Cống hiến 2012, chị thấy mình trưởng thành như thế nào trong âm nhạc?

- Kể từ sau giải thưởng Cống hiến 2012, nhìn lại tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Sự trưởng thành về cả tư duy âm nhạc, ý chí kiên định trong mỗi bước đường tôi đi, và cũng rất đĩnh đạc, chỉn chu khi bước ra sân khấu, cũng như đầu tư sản xuất một sản phẩm âm nhạc nào đó của mình. Tôi cám ơn nghề cho mình sự trưởng thành này.


Những thể nghiệm như Jazz, nhạc Trịnh... Chị cảm thấy nhạc cổ điển đã phủ sóng đến khán giả Việt như thế nào?

- Từ khi xác định và có ước mơ "bé nhỏ" là mang âm nhạc cổ điển gần hơn với công chúng- nhất là khán giả trẻ, tôi biết và xác định ước mơ này không phải dễ dàng thực hiện.

Bằng những thể nghiệm từ các sản phẩm kết hợp cổ điển với Chillout, Pop, Jazz hay nhạc Trịnh (một thể loại nhạc rất " đời" cũng được tôi thổi vào đó hơi hướng của cổ điển), tôi được công chúng yêu nhạc đón nhận rất nhiệt thành.

Cụ thể như album “Tựa như gió phiêu du” hết sau khi ra mắt thị trường sau hai năm kể từ 2013, album “Hà Nội… Yêu” hết ngay sau hai tháng phát hành mặc dù giá của mỗi CD không hề "dễ chấp nhận" trên mặt  bằng chung của thị trường băng đĩa Việt Nam. Và Single online “Gọi tên bốn mùa” cũng được đông đảo khán giả yêu thích.

Tôi cảm thấy vui mừng khi khán giả Việt cũng dần biết chọn lọc và nghe cổ điển. Nhất là Cổ điển giao thoa và Bán cổ điển.


Chị nhìn nhận thế nào về việc nhạc Việt có quá nhiều danh xưng “ông hoàng, bà hoàng, Diva”. Theo chị có cần thiết không?

- Tôi không hay để ý đến những "danh xưng" gắn vào ai. Cách tôi nhìn mỗi nghệ sĩ là nhìn đường dài họ đi và những cống hiến, nỗ lực của họ cho âm nhạc. Cũng có danh xưng cho tôi là “Hoạ mi bán cổ điển” hay "Công chúa hát cổ điển”. Nghe thì cũng rất “đã” tai đấy vì mình là con gái thích điệu, nên được gọi là công chúa, hoạ mi cũng “nổ mũi” lắm chứ (Cười).

Tuy vậy, tôi cho là, mỗi người nghệ sĩ chân chính đều có sự tự tôn và cá tính trong âm nhạc của họ. Không phải vì danh xưng mà làm nên con người, đẳng cấp của họ. Tôi nhìn nhận ở khía cạnh, danh xưng cũng giống như một lời  khen tặng để mỗi người nghệ sĩ phấn đấu và cố gắng hơn với nghề, với ưu ái của khán giả phong tặng mà thôi. 


Phạm Thu Hà có thanh, có sắc và một cái đầu tỉnh táo, thông minh. Điều này khiến chị xác lập một vị trí “đẳng cấp, thênh thang” trong nhạc Việt. Nhưng việc quá tỉnh táo này có khiến chị gặp rào cản? Ví dụ như việc không đông fan như những ca sĩ thị trường?

- Cảm ơn bạn đã ưu ái cho tôi. Tôi nghĩ mình có được ngày hôm nay, ngoài “cái đầu tỉnh táo” tôi còn có sự đam mê, sự làm việc miệt mài “vô điều kiện” với nghề, với khán giả của mình. Nghệ sĩ khi làm nghề mà thiếu nhiệt huyết và "có toan tính" chắc chắn không phải là người nghệ sĩ thực thụ. 

Chính vì thế, dù không có nhiều khán giả như các ca sĩ thị trường nhưng những khán giả đã yêu mến và những đối tác đã từng mời tôi cộng tác đều dành cho tôi một tình cảm và sự trân trọng đặc biệt. Đến nay tôi cảm thấy mình đang rất hạnh phúc khi được thoả sức cống hiến và sáng tạo trên con đường của mình, cho những khán giả của mình. 


Theo dòng nhạc sang, lại là ca sĩ chăm chỉ ra sản phẩm âm nhạc. Âm nhạc với chị là niềm đam mê nhưng xem ra, cuộc chơi này rất tốn kém?

- Chẳng có cuộc chơi nào mà không phải "chi". Nhưng “chơi” theo cách nào và “chi” theo cách nào thì lại cần đến sự tỉnh táo. Âm nhạc là vô giá, nhưng sự vô giá này còn tuỳ thuộc vào nghệ sĩ và chính những đối tác của người nghệ sĩ ấy - các nhà sản xuất họ nhìn nghệ sĩ ở chuyên môn hay vật chất họ có, cũng tuỳ. Tôi may mắn khi các nhà sản xuất nhìn mình ở khía cạnh chuyên môn. Và tôi được hậu thuẫn - ưu ái rất nhiều từ các nhà sản xuất.


Trong đĩa "Hà Nội... Yêu" mới nhất vừa phát hành, Phạm Thu Hà yêu Hà Nội bằng một tình yêu nồng nàn, tinh tế và trong trẻo. Thế còn Phạm Thu Hà trong tình yêu đôi lứa thì sao? Chị thấy mình yêu như thế nào? Có dữ dội không?

- Yêu mà không dữ dội thì yêu làm gì nhỉ (Cười). Sự dữ dội của tôi không ồ ạt, và thể hiện ra hết bên ngoài mà nó cuồn cuộn cháy ở bên trong. Với tất cả những trân trọng yêu thương ấy, tôi đã có một “Hà Nội Yêu” nồng nàn cho riêng mình.

Càng nổi tiếng, càng được săn đón thì hạnh phúc riêng càng khắc nghiệt, mong manh. Đó có phải là lý do khiến chị giữ cho mình luôn tỉnh táo trong âm nhạc, trong showbiz?

- Tỉnh táo trong âm nhạc, trên mỗi bước đi và cả từng cử chỉ thần thái là điều Cần cho mỗi nghệ sĩ. Quan điểm của tôi - người ca sĩ nên thể hiện chuyên môn âm nhạc ca hát với công chúng- truyền thông, chuyện riêng tư tình cảm nên để là của riêng mình, tôn trọng đời sống không chỉ của nghệ sĩ mà cho cả những người thân yêu của họ.


Con đường âm nhạc thênh thang, bền vững, cát-xê cao đủ nuôi đam mê có phải là tham vọng âm nhạc của chị?

- Ai đi hát cũng mong có cát- xê cao để nuôi đam mê và trang trải cuộc sống. Đó là thực tế chúng ta nhìn thẳng. Nhưng tham vọng thì không phải. Tham vọng của tôi là sẽ luôn được công chúng trân trọng và đón nhận dòng nhạc của mình nhiều hơn nữa.

Vậy còn tham vọng cho hạnh phúc riêng thì sao?

- Hạnh phúc do mình tạo dựng và nắm giữ. Càng tham vọng càng phản tác dụng. Riêng hạnh phúc riêng tôi nâng niu, cố gắng nuôi dưỡng mỗi ngày. Còn lại mọi chuyện tôi để tự nhiên và sống an nhiên với nó. 

Dự án âm nhạc mới của chị trong năm 2016 là gì?

- Dự án của tôi sẽ ra mắt một đĩa than. Một dự án tôi rất tâm huyết và ấp ủ từ lâu.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên