Thanh Thục - người đàn bà hô biến vải vụn thành tác phẩm nghệ thuật
VOV.VN - Hoạ sỹ Trần Thanh Thục đã nhiều năm sống trong thế giới của những mảnh vải vụn. Chị vẫn hằng ngày miệt mài sáng tạo những tác phẩm tranh độc, lạ.
Hoạ sỹ Trần Thanh Thục sinh năm 1960 ở thành phố Nam Định. Chị theo học hệ trung cấp trường đại học mỹ thuật năm 1976 và tốt nghiệp năm 1981, sau đó học đại học từ năm 2000 đến năm 2005.
Nghệ sỹ Trần Thanh Thục. |
Trần Thanh Thục đến với tranh vải một cách rất tình cờ. Trong một lần về Nam Định nghỉ hè cùng cha, chị có ghé thăm nhà một người bạn bạn làm thợ may. Thấy có những miếng vải vụn đẹp bỏ đi, chị đã thứ ghép vào thành một bức tranh phong cảnh làng quê và được bố khen và ủng hộ. Từ đấy trở đi, hoạ sỹ Trần Thanh Thục cảm thấy cái chất liệu vải cũng có một sức diễn tả vô cùng đặc biệt không kém gì các chất liệu khác như sơn dầu, lụa, hay sơn mài … chị quyết định đi theo để tìm cho mình một hướng đi riêng.
Bức tranh cắt vải đầu tiên được họa sĩ thực hiện khi mới 20 tuổi. Rồi cứ thế, lối đi nhỏ đã trở thành đường khi họa sĩ Trần Thanh Thục bền bỉ sáng tạo với chất liệu tranh cắt vải. Đến nay, sau gần 30 năm nỗ lực khẳng định sự lựa chọn độc đáo đầy thách thức của chất liệu vải. Họa sĩ Trần Thanh Thục đã tham gia nhiều triển lãm nhóm trên cả nước. Tranh của họa sĩ có mặt tại nhiều bộ sưu tập ở trong và ngoài nước.
Mỗi mảnh vải đều vô cùng quý giá của hoạ sỹ Trần Thanh Thục. |
Những tác phẩm của hoạ sỹ Trần Thanh Thục thường được lấy cảm hứng từ tuổi thơ, từ những nơi chị đã đặt chân tới, những kỷ niệm đã gắn bó với chị. Tranh của chị mang hơi hướng yêu đời, ngợi ca cuộc sống.
Chị chia sẻ: “Nghĩ lại chặng đường đã qua, tôi thấy mình cũng rất khó khăn trong việc theo đuổi chất liệu vải để làm tranh. Nguồn hoạ phẩm của tranh vải là rất khan hiếm. Đôi khi cả một tấm vải lớn mình chỉ lấy được một vài chi tiết nhỏ chứ không tận dụng được toàn bộ. Việc chọn vải cũng hết sức cầu kỳ, phải chọn vải tinh, vải may áo dài chứ không thể dung những loại vải thông thường”.
Những tác phẩm luôn mang theo hơi hướng ca ngợi cuộc sống, hoài niệm về những kỷ niệm thời thơ ấu. |
Tất nhiên công việc nào cũng có khó khăn của riêng nó. Việc chọn lựa vải rất vất vả nhưng nó lại đem lại cho những tác phẩm của hoạ sỹ Trần Thanh Thục một nét vô cùng đặc biệt. Tất cả những bức tranh của chị hoàn toàn là độc bản, về đề tài có thể không quá đặc biệt nhưng về chất liệu thì hết sức cầu kỳ. Chị chia sẻ có những lần chị tìm lại một vài chi tiết vải mới dùng cách có hai ba ngày thôi đã rất khó khăn rồi, chứ chưa nói đến làm lại một bức tranh y hệt một tác phẩm đã hoàn thiện.
Đã bao nhiêu năm rồi chị ngồi đó một mình trên căn gác nhỏ với đống vải vụn bao quanh. Từng mảnh vải từ nhỏ xíu cho đến những tấm vải lớn đều được chị nhìn ngắm nhìn, vuốt ve, chắt lọc và rồi tỷ mẩn cắt ghép lại thành những bức tranh. Hoạ sỹ Trần Thanh Thục vẫn luôn ngày ngày, giờ giờ sáng tác những bức tranh vải độc đáo.
Hoạ sỹ Trần Thanh Thục - người phụ nữ của thế giới vải vụn |
“Tôi tình cờ đến được với tranh vải, nhưng tôi cũng rất may mắn khi có được sự ủng hộ từ bố và bạn bè xung quanh. Mọi người luôn quan tâm tới tôi, đi đâu họ cũng cố gắng tìm mua tặng tôi những tấm vải để có thể về sử dụng vào tranh. Có được sự động viên và giúp đỡ ấy, tôi đã cảm thấy tự tin và tiếp tục cố gắng trên con đường làm tranh vải của mình”.
Tranh của hoạ sỹ Trần Thanh Thục luôn mang đến cho người xem một cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu. Những tác phẩm của chị không chỉ đẹp về hình thức mà nó còn đi sâu vào lòng mỗi người xem. Chị chia sẻ: “Có lần tôi tổ chức triển lãm tranh, một cậu thanh niên đã nói với tôi để lại một bức tranh cho cậu ấy, vì cậu ấy thích những chưa có tiền. Tôi nhớ nhất câu nói của cậu ấy: “Em đã xem bức tranh của chị, về đến nhà em vẫn nhớ đến nó”. Đó là những điều mà những người hoạ sỹ như chúng tôi luôn hướng đến, những tác phẩm nghệ thuật được khán giả đón nhận bằng cả trái tim”.
Nghệ sỹ Trần Thanh Thục đã vượt qua nhiều khó khăn để luôn nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê của mình đối với tranh vải. Những tác phẩm của chị chính là những tâm tư, tình cảm mà chị muốn gửi gắm đến với người xem, khán giả về tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, tình yêu thương của con người với con người.
Ít ai biết, trong những năm tháng nuôi con một mình sau khi người chồng qua đời, chị đã phải gác giấc mơ tranh vải của mình để đi làm công việc không liên quan để có khoản thu nhập ổn định nuôi con gái. Đến khi con lớn, chị mới trở lại với đam mê cháy bỏng của mình. Hầu hết các bức tranh đều có bóng dáng một người mẹ và đứa con gái quấn quýt như một thoáng cái tôi, như một lời tâm sự của người nghệ sĩ nhiều năm phải từ bỏ giấc mơ, từ bỏ niềm đam mê mà như chị chia sẻ: "Những năm tháng ấy tôi thấy thương mình lắm, thương cho giấc mơ nghệ thuật của mình".
Khi con gái khôn lớn, chính cô là nguồn động viên và phụ giúp mẹ biến ước mơ thành sự thật. Giấc mơ nghệ thuật lớn đến nỗi, người con gái cũng đi theo nghề họa sĩ và lấy chồng cũng trong giới.
Giờ đây, sau khi đã về hưu, con gái thì đi lấy chồng, chị có toàn thời gian cho niềm đam mê, được thỏa sức sáng tác như một sự bù đắp cho những tháng ngày làm trái ngành, trái nghề vì cuộc mưu sinh.
Tranh của chị giờ được nhiều khách trong nước và nước ngoài tìm mua. Không chỉ thỏa niềm đam mê, tranh nghệ thuật còn giúp chị tìm được những tấm lòng đồng cảm, nguồn động viên từ người yêu tranh và một nguồn tài chính dồi dào để thoải mái sống với nghệ thuật. "Bao nhiêu ý tưởng tích tụ trong những năm cách quãng giờ đều sẽ được thực hiện. Tôi cảm thấy chưa bao giờ hạnh phúc đến thế" - Thanh Thục nở nụ cười phúc hậu đầy mãn nguyện.