Tô Hoài: Nghề văn cần tinh thông về chữ, mỗi chữ phải là một hạt ngọc

VOV.VN - Nhà văn Tô Hoài đã đi xa nhưng những trang văn của ông còn ở lại mãi...

Nhà văn Tô Hoài vừa qua đời ở tuổi 95. Dẫu biết mấy năm qua sức khỏe của ông không được tốt, người già như ngọn đèn trước gió, nhưng khi nghe tin ông mất, bạn văn và bạn đọc đều bất ngờ, xót xa.

Với cá nhân tôi, một lần duy nhất được phỏng vấn ông đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên. 8 năm trước (năm 2006), khi cuốn sách “Chuyện cũ Hà Nội” của nhà văn Tô Hoài đoạt giải Vàng tại Giải thưởng Sách Việt Nam lần thứ nhất, tôi được phân công đến phỏng vấn ông tại nhà riêng ở phố Đoàn Nhữ Hài.

 

Nhà văn Tô Hoài.

Khác với không khí ồn ào, xô bồ xung quanh, căn nhà của nhà văn Tô Hoài được thiết kế theo lối cổ ẩn mình dưới giàn cây xanh, trông tĩnh lặng, khiêm nhường. Đúng như những hình dung ban đầu của tôi, Tô Hoài là một người hiền từ và dễ gần. Ngay lúc vừa mới gặp, ông đã hỏi thăm tôi bằng chất giọng nhẹ nhàng, chậm rãi:

- Nghe cô nói qua điện thoại, tôi không nghĩ nhà báo trẻ tuổi thế. Thế nữ nhà báo trẻ có thấy công việc làm báo vất vả lắm không?

- Cháu nghĩ công việc nào cũng có nỗi vất vả riêng bác ạ. Còn với nghề báo, ngoài áp lực ra thì cháu thấy rất yêu nghề - Tôi trả lời.

Nhà văn Tô Hoài “à” lên một tiếng rồi gật đầu: - Yêu nghề là tốt rồi. Nghề báo cũng kén người lắm - Nói rồi, ông chậm rãi đi pha trà.

Mới đầu tôi không hiểu vì sao nhà văn Tô Hoài lại quan tâm đến nghề báo đến vậy? Nhưng rồi tôi đã lý giải được thắc mắc của mình. Tiếp tục câu chuyện với tôi, nhà văn Tô Hoài Hoài hỏi: - Cô đã đọc bài: Tôi viết truyện Tây Bắc của tôi chưa? Trong bài ấy tôi có nói và tả rất kỹ về nghề báo. Đối với tôi, viết văn không thể tách rời công tác phóng viên. 5 năm làm báo Cứu quốc, tôi được đi nhiều, biết nhiều việc, tiếp xúc nhiều cái mới. Nếu không làm một người phóng viên chăm chỉ thì không thể có được những chứng kiến rộng rãi. Tài liệu, mắt thấy tai nghe, ghi chép lại đã đành, nhưng phải trong quá trình nhiều lần làm đi làm lại mới phân biệt được đâu là tài liệu báo chí và đâu là sáng tạo của văn chương.

Đối với nhà văn Tô Hoài thì làm báo quan trọng là phân biệt được đâu là tài liệu báo chí và đâu là sáng tạo của văn chương.
Tô Hoài chính là nhà văn đầu tiên nói với tôi về nghề báo bởi lúc ấy tôi mới vào nghề được hai năm. Khi nhắc lại câu nói này của ông, tôi lại thấy mình thêm yêu công việc mà một nhà văn như Tô Hoài rất trân trọng và vận dụng tốt vào các trang viết.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Tô Hoài lại nhận được sự tôn trọng, cảm phục và yêu mến của các bạn văn đến vậy. Sự thuyết phục đến từ chính các trang văn của ông. Trong cuộc đời cầm bút, Tô Hoài chủ yếu viết về hai vùng đất: Hà Nội và Tây Bắc. Hai mảng không gian rất khác nhau này đều là những nguồn cảm hứng không vơi cạn.

Vùng ven Nghĩa Đô ngày ấy là nơi “chôn nhau, cắt rốn” của Tô Hoài. Ông gắn bó gần như cả cuộc đời với Thủ đô. Có thể coi ông là nhà văn của Hà Nội. Đến miền núi Tây Bắc những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Tô Hoài mới có điều kiện làm quen, nhưng ông đã gắn bó, coi như quê hương thứ hai. Vì thế, lại cũng có thể gọi ông là nhà văn của miền núi.

Về Hà Nội, không ít nhà văn đã có những tác phẩm tiêu biểu, nhưng Tô Hoài vẫn có lối viết riêng. Nguyễn Huy Tưởng viết rất gợi cảm về rừng bàng Yên Thái, bến trúc Nghi Tàm; Nguyễn Tuân lại có những trang đặc sắc tả khu trung tâm thành phố.

Còn Tô Hoài có riêng một Hà Nội cần lao nhưng thơ mộng gắn bó với ông từ thuở lọt lòng. Những đường thôn ngõ xóm, những căn nhà đơn sơ luôn văng vẳng tiếng khung cửi lách cách, những “tàu seo” róc rách nước đến khuya, những cánh đồng, những mảnh vườn nhỏ với đủ thứ cây quả quen thuộc của một làng quê, đó là môi trường sinh sống, làm ăn của thế giới nhân vật Tô Hoài: những người nông dân, thợ thủ công hoặc nông dân pha thợ thủ công, vừa làm ruộng, vừa dệt lụa, dệt lĩnh.

Các tác phẩm: Quê nhà, Câu chuyện bờ đầm sau cửa miếu Đồng Cổ, Chuyện cũ Hà Nội, Mười năm, Những ngõ phố, người đường phố… tạo thành một bộ tranh liên hoàn, khắc họa những chặng đường biến đổi của Hà Nội. Hiện lên trong các trang văn một Hà Nội với đủ mọi thứ chuyện của đời thường trong mấy chục năm trước cách mạng tháng tám.

Một số nhà nghiên cứu trong cuốn sách: Văn học Việt Nam 1945-1975 (Nxb Giáo dục, 1990) đã tìm cách lý giải lý do vì sao cảnh đời thường lại có sức hấp dẫn mạnh đối với ngòi bút của Tô Hoài đến vậy. Về phía chủ quan nhà văn, cảnh sống vất vả túng thiếu của gia đình làm nghề dệt thủ công khiến ông khó có thể thả hồn phiêu diêu vào thế giới của “chàng” và “ nàng”. Hơn nữa lại sống trong môi trường ven đô ngày ấy, những con người cần lao chất phác vẫn quen thuộc và thân thiết hơn với Tô Hoài. Một cách tự nhiên, Tô Hoài đã hướng ngòi bút của mình vào mảng hiện thực ấy.

 

Có thể nói, Tô Hoài là nhà văn của Hà Nội và miến núi.

Bên cạnh đó, còn một mảng đề tài thu hút tâm lực Tô Hoài là cuộc sống và con người miền núi. Tô Hoài được đánh giá là nhà văn đầu tiên đặt những những viên gạch xây nền cho văn học viết về dân tộc ít người. Ông viết về sự chuyển mình của vùng đất Tây Bắc trong cách mạng dân tộc, dân chủ (Núi cứu quốc, Truyện Tây Bắc) và trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội (Lên Sùng Đô, Nhật kí vùng cao, Miền Tây…).

Trong câu chuyện với tôi, ông đã chia sẻ không hề giấu giếm rằng, không phải từ đầu ông đã thành công với mảng đề tài này. Tác phẩm “Núi cứu quốc” là một dẫn chứng. Nặng về quan sát và mô tả bên ngoài nhân vật là sự thất bại của tác phẩm này. Thế rồi, Tô Hoài với sự năng nổ của một phóng viên báo chí, chuyến đi nối tiếp chuyến đi, vốn sống càng được tích lũy dồi dào. Mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và các nguyên mẫu thực tại ngày càng mật thiết. Ông hết sức xúc động vì “đất nước và người miền tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không thể bao giờ quên”.

Ông thành tâm quý mến “những người thương ấy”, đánh giá cao phẩm chất tốt đẹp của họ: trung thực, chí tình dù gian nan đến thế nào, bao giờ cũng đợi cán bộ, đợi bộ đội, bao giờ cũng mong anh em trở lại. Chính tình yêu chân thành của ông đối với Tây Bắc đã giúp ông thành công trong tập “Truyện Tây Bắc” mà nổi bật nhất là thiên truyện “Vợ chồng A Phủ” được đưa vào giảng dạy ở chương trình phổ thông.

Chưa hết, sau này chính Tô Hoài là người chuyển thể thành kịch bản phim “Vợ chồng A Phủ”. Một lần nữa, trách nhiệm và chất phóng viên có sẵn trong người đã thôi thúc Tô Hoài trở lại vùng cao huyện Tuần Giáo – quê anh hùng Sùng Phai Sinh và Vừ A Dính (nhân vật nguyên mẫu cho truyện Vợ chồng A Phủ) để viết kịch bản phim. Một trong những vấn đề mà trong cả tác phẩm văn xuôi và tác phẩm điện ảnh khiến ông đau đáu chính là ý thơ. Nghe ra có vẻ mơ hồ nhưng kỳ thực đó là chất xúc tác làm nên nét riêng trong tác phẩm của Tô Hoài.

Đã có lần ông tâm sự: “Ở mỗi nhân vật và trùm lên tất cả miền Tây, tôi đã đưa vào một không khí vời vợi, làm cho đất nước và con người bay bổng lên hơn, rời bỏ được những cái ám ảnh tủn mủn, lặt vặt thường làm co quắp nhân vật, nhỏ bé vấn đề và khung cảnh đi. Không biết cắt nghĩa sao, nhưng tôi cho rằng ngay trong văn xuôi, cần phải đượm hồn thơ, có như thế văn xuôi mới trong sáng cất cao”.

Tô Hoài chỉ cần một câu để tả chuyến xe rau và hoa vào thành phố cho kịp phiên chợ sớm: “Sương mù, chỉ nghe vó ngựa lách cách rộng ràng va mùi huệ thơm dài lòng đường”, chỉ cần vài nét chấm phá về “những rừng hồi ngào ngạt xanh thẫm trên các quả đồi quanh làng” đã đủ tạo một khung cảnh thiên nhiên đầy hương sắc, mùi vị của xứ Lạng. Có thể nói văn xuôi Tô Hoài có chất thơ, chất nhạc và chất họa. Chẳng thế mà các nhà điện ảnh có thể tìm thấy trong tác phẩm của Tô Hoài những sáng tạo gần gũi với chuyên môn của mình.

Tô Hoài là một người công phu dùng chữ. Ông là một trong số ít nhà văn đặc biệt coi trọng khía cạnh lao động này. Trong cuốn Sổ tay viết văn ông có ghi lại suy nghĩ của mình: “Tinh thông về chữ là một điều cần thiết. Mỗi chữ phải là một hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất của mình tìm được, do phong cách văn chương của mình mà có”. Đọc lại những tác phẩm xuất sắc của Tô Hoài, tôi càng thấy cả cuộc đời cầm bút của ông đã đi đúng theo tôn chỉ ấy.

Sở dĩ tôi nhắc đến chuyện dùng chữ của ông vì trong câu chuyện với tôi ông có nói: “Bây giờ báo chí nhiều khi dùng chữ dễ dãi quá cô ạ. Mà sự dễ dãi sẽ làm bạn đọc người ta chán”. Câu nói của một nhà văn hơn 70 năm cầm bút không khỏi khiến tôi phải suy ngẫm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trần Đăng Khoa: Tô Hoài, tôi rất mê ông!
Trần Đăng Khoa: Tô Hoài, tôi rất mê ông!

VOV.VN - “Nhà văn Tô Hoài đã giã biệt chúng ta để đi vào cõi không cùng. Đó là một tổn thất không gì bù đắp được”.

Trần Đăng Khoa: Tô Hoài, tôi rất mê ông!

Trần Đăng Khoa: Tô Hoài, tôi rất mê ông!

VOV.VN - “Nhà văn Tô Hoài đã giã biệt chúng ta để đi vào cõi không cùng. Đó là một tổn thất không gì bù đắp được”.

Nhà văn Tô Hoài nặng lòng với những trang văn về Tây Bắc
Nhà văn Tô Hoài nặng lòng với những trang văn về Tây Bắc

VOV.VN - Nhà văn Tô Hoài từng nói: “Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên…

Nhà văn Tô Hoài nặng lòng với những trang văn về Tây Bắc

Nhà văn Tô Hoài nặng lòng với những trang văn về Tây Bắc

VOV.VN - Nhà văn Tô Hoài từng nói: “Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên…

Nhà văn Tô Hoài và những lá thư đầy tâm sự
Nhà văn Tô Hoài và những lá thư đầy tâm sự

"Với Tô Hoài, 95 tuổi thật là quý giá. Anh đã viết hết sức, làm việc hết lòng. Chúng tôi bảo nhau Tô Hoài thực sự xứng đáng là Anh hùng Lao động" - nhà văn Vũ Tú Nam viết.

Nhà văn Tô Hoài và những lá thư đầy tâm sự

Nhà văn Tô Hoài và những lá thư đầy tâm sự

"Với Tô Hoài, 95 tuổi thật là quý giá. Anh đã viết hết sức, làm việc hết lòng. Chúng tôi bảo nhau Tô Hoài thực sự xứng đáng là Anh hùng Lao động" - nhà văn Vũ Tú Nam viết.

Trần Đăng Khoa: Tô Hoài đã dạy tôi thế nào là Hà Nội
Trần Đăng Khoa: Tô Hoài đã dạy tôi thế nào là Hà Nội

VOV.VN - Tôi đã có dịp tò mò hỏi ông về Hà Nội và rất ngạc nhiên. Tôi không ngờ ông hiểu Hà Nội sâu sắc đến thế. Tôi gọi ông là Nhà Hà Nội học, dù ông không nghiên cứu.

Trần Đăng Khoa: Tô Hoài đã dạy tôi thế nào là Hà Nội

Trần Đăng Khoa: Tô Hoài đã dạy tôi thế nào là Hà Nội

VOV.VN - Tôi đã có dịp tò mò hỏi ông về Hà Nội và rất ngạc nhiên. Tôi không ngờ ông hiểu Hà Nội sâu sắc đến thế. Tôi gọi ông là Nhà Hà Nội học, dù ông không nghiên cứu.

Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài-cây đại thụ của văn học Việt Nam hiện đại
Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài-cây đại thụ của văn học Việt Nam hiện đại

VOV.VN -Tô Hoài là nhà văn cần mẫn và được kính trọng. Ở tuổi 90, ông vẫn miệt mài sáng tác cho đến những ngày cuối đời.

Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài-cây đại thụ của văn học Việt Nam hiện đại

Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài-cây đại thụ của văn học Việt Nam hiện đại

VOV.VN -Tô Hoài là nhà văn cần mẫn và được kính trọng. Ở tuổi 90, ông vẫn miệt mài sáng tác cho đến những ngày cuối đời.

“Dế mèn phiêu lưu ký“ của nhà văn Tô Hoài sẽ sống mãi với tuổi thơ
“Dế mèn phiêu lưu ký“ của nhà văn Tô Hoài sẽ sống mãi với tuổi thơ

VOV.VN - Áng văn giản dị, gần gũi với trẻ thơ, ẩn chứa nhiều bài học sâu xa của Tô Hoài luôn được thế hệ bạn đọc nhớ mãi...

“Dế mèn phiêu lưu ký“ của nhà văn Tô Hoài sẽ sống mãi với tuổi thơ

“Dế mèn phiêu lưu ký“ của nhà văn Tô Hoài sẽ sống mãi với tuổi thơ

VOV.VN - Áng văn giản dị, gần gũi với trẻ thơ, ẩn chứa nhiều bài học sâu xa của Tô Hoài luôn được thế hệ bạn đọc nhớ mãi...