Từ sau năm 1975 đến nay, TP.HCM có 3 cuộc thi sắc đẹp chính thức có quy mô lớn: Hoa hậu Áo dài thành phố năm 1989 (Kiều Khanh đăng quang), Hoa hậu TP.HCM năm 1989 (Lý Thu Thảo chiến thắng) và Hoa hậu Áo dài TP.HCM 1995 (Đàm Lưu Ly đoạt vương miện). Trong 3 cuộc thi này, chỉ có Hoa hậu TP.HCM bắt buộc thí sinh phải là người TP.HCM, 2 cuộc thi còn lại tuyển sinh toàn quốc. Vậy nên cho tới thời điểm này, Lý Thu Thảo vẫn được coi là hoa hậu duy nhất của riêng TP.HCM.
Hoa hậu Lý Thu Thảo Ảnh: T.L
|
Việc ban giám khảo chọn Lý Thu Thảo vào ngôi vị cao nhất của cuộc thi năm ấy đã gây nhiều ý kiến khác nhau, bởi so kè cùng Lý Thu Thảo có nhiều cô gái rất đẹp. Tuy nhiên, số đông khán giả vẫn tán thành quyết định này và cho rằng Lý Thu Thảo, khi đó là huấn luyện viên thể dục nhịp điệu, có vẻ đẹp khỏe khoắn, năng động, hiện đại, phù hợp với vai trò là biểu tượng nhan sắc của một thành phố trẻ.
Tiếc rằng sau đó Lý Thu Thảo cũng chỉ đóng phim, chụp ảnh lịch, trình diễn thời trang... chứ chưa tham gia nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh cho TP.HCM. Từ giữa thập niên 1990, Lý Thu Thảo sang Canada định cư, sau đó sang Mỹ.
Hoa hậu Áo dài Kiều Khanh Ảnh: hoa hậu cung cấp
|
Không chọn người đẹp để... lãng quên
Công văn số 62/GP-UBND của TP.HCM cho phép Công ty truyền thông Tấm và Cám tổ chức cuộc thi Người đẹp TP.HCM 2017 từ tháng 1 đến ngày 30.6.2017 tại TP.HCM, theo đề nghị của Giám đốc Sở VH-TT cùng công ty này.
Bà Mỹ Dung, Giám đốc Công ty Tấm và Cám, Trưởng ban tổ chức, khi trò chuyện cùng PV Thanh Niên tỏ ra tiếc nuối: “Do Nghị định 79 của Chính phủ quy định về thi người đẹp được áp dụng cấp vùng miền nên tiếc là cuộc thi không được mang tên Hoa hậu TP.HCM như trước”. Cũng theo thông tin từ ban tổ chức, cuộc thi sẽ chỉ có duy nhất thí sinh đăng quang với tên gọi Người đẹp TP.HCM 2017 (cùng các giải phụ). Không có Á khôi 1 và 2. “Cái khác của Người đẹp TP.HCM so với các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi khác là chọn ra một người đẹp khỏe khoắn, hiện đại, có hiểu biết về lịch sử - văn hóa của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM. Chủ đề đêm chung kết là Phụ nữ TP.HCM hội nhập và phát triển nên chúng tôi đánh giá cao các cô gái thể hiện được sự năng động và khả năng hội nhập quốc tế, do đó các thí sinh vào chung kết bắt buộc phải sử dụng tốt một ngoại ngữ”, bà Dung khẳng định.
Nghe thông tin về cuộc thi, Hoa hậu Áo dài 1995 Đàm Lưu Ly vui mừng: “Tôi sống ở Sài Gòn gần 30 năm và luôn mong có một cuộc thi tìm một người đẹp mới đại diện cho thành phố năng động này. Theo tôi thì người đại diện phải đúng là người Sài Gòn, phải có tố chất năng động, nét đẹp khỏe khoắn hiện đại như chính Sài Gòn”. Hoa hậu Áo dài Kiều Khanh từ Mỹ cũng phấn khởi cho biết chị đã nhận lời mời của ban tổ chức về nước làm giám khảo cho cuộc thi sắp tới. “Tại Mỹ, tôi từng chấm một số cuộc thi nhan sắc nên đã tích lũy nhiều kinh nghiệm. Theo tôi, người đẹp đại diện TP.HCM phải có nét đẹp vừa hiện đại, vừa truyền thống, thể hiện đúng tính chất của người Sài Gòn sinh ra trong thời kỳ hiện đại”, Kiều Khanh bày tỏ.
Trước băn khoăn một số người đẹp TP.HCM sau khi đăng quang chưa cống hiến nhiều cho những dự án cụ thể của thành phố, đại diện ban tổ chức khẳng định lần này sẽ khác. Người đoạt vương miện sẽ tham gia vào nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, thể thao, du lịch; các hoạt động xã hội, từ thiện tại TP.HCM trong vòng 2 năm đương nhiệm. Ban tổ chức đã bàn bạc cùng Ban Giám đốc Sở VH-TT về kế hoạch cụ thể và trách nhiệm của người đẹp sau khi đoạt giải. “Nếu không có gì thay đổi, Sở sẽ có công văn cụ thể về trách nhiệm, hoạt động của người đẹp đại diện TP.HCM trong tuần tới. Chúng tôi không muốn chọn ra một người đẹp để rồi sau đó bị... lãng quên”, bà Dung nói./.
Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn
Có thể xem cuộc thi ngày 20.2.1955, dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, là cuộc thi hoa hậu có danh xưng chính thức được tổ chức tại Sài Gòn. Cuộc thi được Bộ Xã hội tổ chức tại rạp Lido (Chợ Lớn) mà phần lớn thí sinh là những cô gái sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Người đoạt vương miện hoa hậu là bà Thu Trang (Công Thị Nghĩa) cao 1,61 m, số đo 3 vòng là 86-62-88, nặng 53 kg.
Bà Thu Trang từng là điệp báo của Việt Minh. Bà bị bắt vào năm 1952, giam ở bót Catinat (Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM ngày nay, đường Đồng Khởi). Sau đó, bà bị chuyển qua khám Lớn Sài Gòn - nay là Thư viện Tổng hợp TP.HCM. Chính luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong phiên tòa tháng 6.1953 đã tranh cãi và giải thoát cho Thu Trang, cùng bà Nguyễn Thị Châu Sa (nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình), Nguyễn Duy Liên (từng làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM).
Từ đầu năm 1956, bà bước vào lĩnh vực điện ảnh với vai diễn Kiều Nguyệt Nga trong phim Lục Vân Tiên (đạo diễn Tống Ngọc Hạp). Năm 1961, bà sang Pháp và đi theo con đường học vấn, trở thành tiến sĩ sử học tại Đại học Paris VII, chuyên ngành cao học lịch sử phương Đông.
Lê Văn Nghĩa
|