Tranh cãi xung quanh việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật

VOV.VN - Phóng viên VOV trao đổi với NSND Thuý Mùi, Giám đốc trung tâm bảo tồn và phát huy sân khấu truyền thống Việt Nam về câu chuyện này.

Hiện nay, chủ trương xã hội hoá và sáp nhập các đơn vị nghệ thuật được thực hiện mạnh mẽ tại các đơn vị, địa phương trong cả nước nhằm mục đích tinh giản các đầu mối đơn vị hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đối với các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là đơn vị nghệ thuật truyền thống đang gây sự tranh cãi lớn, bởi việc tinh giản chưa có sự nhất quán ở các địa phương, khiến nhiều người e ngại có hay không ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống nghệ thuật.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với NSND Thuý Mùi, Giám đốc trung tâm bảo tồn và phát huy sân khấu truyền thống Việt Nam.

PV: Thưa bà, bà có thể chia sẻ ý kiến xung quanh câu chuyện sáp nhập các bộ môn tuồng, chèo, sân khấu, cải lương… ở các địa phương thành một trung tâm văn hoá ?

NSND Thuý Mùi: Thực ra không chỉ riêng gì nghệ thuật mà tất cả các đơn vị trong cả nước đều cần tinh giản, gọn nhẹ bộ máy. Tuy nhiên, các đơn vị nghệ thuật nên được sắp xếp vào một trung tâm nghệ thuật thì đúng hơn, chứ không phải là một trung tâm văn hoá bởi trung tâm văn hoá có rất nhiều nhiệm vụ cần được giải quyết. Nếu sáp nhập các loại hình nghệ thuật làm một thì việc bảo tồn các loại hình này sẽ bị ảnh hưởng lớn.

NSND Thuý Mùi

PV: Nhiều người e ngại chủ trương là như vậy, nhưng khi triển khai ở các địa phương sẽ nảy sinh nhiều cái bất hợp lý?

NSND Thuý Mùi: Tôi cho rằng, cần có lộ trình xã hội hoá sáp nhập các đơn vị nghệ thuật. Ban đầu sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, nhiều tâm tư nhưng nếu có lộ trình tốt, các đơn vị sẽ phát triển bền vững.

PV: Ngoài việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật, còn có chủ trương xã hội hoá các đơn vị sân khấu không được sáp nhập. Tuy nhiên, có thực tế là sân khấu bấy lâu nay hoạt động không hiệu quả, thậm chí nhiều địa phương chỉ dựng vở để đủ chỉ tiêu mà thôi. Nỗi lo hết bao cấp của các nghệ sĩ trong tình hình hiện tại sẽ được giải quyết ra sao, thưa bà?

NSND Thuý Mùi: Nếu cứ yên tâm với những việc hàng chục năm nay vẫn làm thì không thể có những bước chuyển mình của đất nước. Nếu chúng ta mạnh dạn đổi mới, không quá lệ thuộc vào bao cấp, chúng ta sẽ phát triển hơn, chủ động hơn. Ở Nhà hát Chèo nơi tôi quản lý, nếu thực hiện xã hội hoá, sẽ giữ được khoảng 70% nghệ sĩ là nhiều, song điều đó cũng tạo điều kiện cho các nghệ sĩ chủ chốt có nhiều đất diễn để thể hiện năng lực của mình. Tôi cho rằng, chúng ta phải mạnh dạn hơn để các đơn vị sống khoẻ và phát triển vững vàng.

Ví dụ như đoàn kịch nói Thái Bình, dù chỉ còn 4-5 nghệ sĩ thì phải sáp nhập để cái chung phát triển. Quá nhiều người không nên, quá ít người cũng dở, cho nên chúng ta phải tinh giản, sáp nhập.

Nhiều tranh cãi quanh câu chuyện sáp nhập các đơn vị nghệ thuật ở các địa phương.

PV: Vậy số phận các nghệ sĩ sẽ đi đâu về đâu trong câu chuyện sáp nhập, tinh gọn và xã hội hoá này?

NSND Thuý Mùi: Trong trường hợp này cần có một cơ chế hợp lý để tiếp đón, đối đãi với các nghệ sĩ có cống hiến, lao động nghệ thuật. Nếu không có cơ chế thì người nghệ sĩ rất khổ, không biết đi đâu về đâu.

Những người đủ năng lực cũng không lo lắm, bởi nếu đủ năng lực sẽ có nhiều nơi mời gọi. Còn các nghệ sĩ ở diện phải tinh giản, chúng ta cần có cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ và các nhà quản lý để tìm ra tiếng nói chung. Vì biết đâu các nghệ sĩ khi sang cơ quan mới có thể phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn. Tâm lý lo lắng, quá phụ thuộc vào bao cấp và không muốn thay đổi có thể làm cản trở họ. Tôi vẫn nói nghệ sĩ nhạy cảm, dễ buồn dễ vui, song họ cũng có thể làm mới mình rất nhanh chóng. Vậy thì cái năng lực làm mới mình đó có thể phát huy trong câu chuyện này.

Tôi lấy ví dụ, các đơn vị sở ngành đều có bộ phận thông tin truyền thông, các nghệ sĩ có thể về làm công tác phong trào rất phù hợp. Đó có thể là một cửa để các nghệ sĩ phát triển năng lực của mình./.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tinh gọn bộ máy: Đã lường trước việc 2-3 cán bộ chung 1 “ghế“?
Tinh gọn bộ máy: Đã lường trước việc 2-3 cán bộ chung 1 “ghế“?

VOV.VN - Một số địa phương đã chuẩn bị phương án sáp nhập, hợp nhất như đề xuất của Bộ Nội vụ, thậm chí lường trước việc có 2-3 cán bộ chung 1 "ghế"...

Tinh gọn bộ máy: Đã lường trước việc 2-3 cán bộ chung 1 “ghế“?

Tinh gọn bộ máy: Đã lường trước việc 2-3 cán bộ chung 1 “ghế“?

VOV.VN - Một số địa phương đã chuẩn bị phương án sáp nhập, hợp nhất như đề xuất của Bộ Nội vụ, thậm chí lường trước việc có 2-3 cán bộ chung 1 "ghế"...

Tinh gọn bộ máy, tránh được tình trạng “6 ông bà cùng xuống một nơi”
Tinh gọn bộ máy, tránh được tình trạng “6 ông bà cùng xuống một nơi”

VOV.VN -Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ Quảng Ninh: hoạt động mô hình Cơ quan khối, tránh được tình trạng khi ở xã có việc cả 6 đại diện 6 tổ chức ở huyện cùng xuống…

Tinh gọn bộ máy, tránh được tình trạng “6 ông bà cùng xuống một nơi”

Tinh gọn bộ máy, tránh được tình trạng “6 ông bà cùng xuống một nơi”

VOV.VN -Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ Quảng Ninh: hoạt động mô hình Cơ quan khối, tránh được tình trạng khi ở xã có việc cả 6 đại diện 6 tổ chức ở huyện cùng xuống…