Nghệ thuật sân khấu dì kê trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
VOV.VN - Tối 20/12, tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, trang trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể Nghệ thuật trình diễn sân khấu dì kê của người Khmer, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Những năm qua, di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng chính là đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.
Nghệ thuật sân khấu dì kê là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của cộng đồng Khmer tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn. Đây là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tổng hợp, kết hợp âm nhạc ca kịch dân gian tích hợp múa, đọc thơ, còn được người Khmer gọi là hát lăm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, qua đợt kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể huyện Tri Tôn, nghệ thuật sân khấu dì kê được đánh giá là loại hình nghệ thuật chứa đựng nhiều giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa truyền thống và gắn kết cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình UBND tỉnh cho chủ trương lập hồ sơ khoa học “Nghệ thuật sân khấu dì kê của người Khmer tỉnh An Giang” để trình Bộ VHTTDL xem xét công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 2/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 160/QĐ-BVHTTDL về việc công bố đưa nghệ thuật sân khấu dì kê của người Khmer tỉnh An Giang vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Để phát huy giá trị các di sản văn hóa vừa mới được công nhận, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển quê hương An Giang nói chung và cụ thể là huyện Tri Tôn được phồn vinh, hạnh phúc, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch sẽ phối hợp với UBND huyện Tri Tôn, tham mưu UBND tỉnh có những cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật dì kê gắn với phát triển du lịch theo như mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch