Nghệ thuật xẩm qua góc nhìn giới trẻ
VOV.VN - Chuỗi sự kiện trải nghiệm đa giác quan "Mắt xẩm" không chỉ mong muốn tìm hiểu một môn nghệ thuật của người xưa mà còn muốn đóng góp cho xẩm những góc nhìn của con người đương đại.
Chuỗi sự kiện trải nghiệm đa giác quan "Mắt xẩm" với các loại hình như âm nhạc thể nghiệm, triển lãm tranh, nghệ thuật sắp đặt và tọa đàm chuyên môn, nhằm giới thiệu những góc nhìn, quan điểm về bộ môn nghệ thuật truyền thống hát xẩm đang diễn ra tại Hà Nội. Do tình hình dịch bệnh Covid-19, chuỗi sự kiện bắt đầu vào ngày 16/5 và sẽ không kết thúc vào ngày 22/5 như dự kiến mà sẽ kéo dài hơn, được tổ chức theo hình thức online.
“Mắt xẩm” do nhóm “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương" tổ chức, với sự bảo trợ của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia VN và Dự án không gian văn hoá sáng tạo Việt Nam.
Xẩm là loại hình diễn xướng dân gian gắn với những người khiếm thị. Khác với nghệ thuật cung đình, xẩm gắn bó với tầng lớp bình dân, người dân nghèo khổ, do đó mang những góc nhìn chân thực và sâu sắc về cuộc đời, thể hiện qua nội dung các bài hát. Trải qua bao năm tháng, Xẩm tồn tại qua lăng kính của nhiều thế hệ và tất nhiên không thể thiếu những người trẻ, chủ nhân tiếp nối di sản ngày hôm nay.
Nhờ một cái duyên kì lạ kết nối với nghệ thuật truyền thống, những bạn trẻ thuộc nhóm “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” đã đến gần hơn với xẩm, không chỉ mong muốn tìm hiểu một môn nghệ thuật của người xưa mà còn muốn đóng góp cho xẩm những góc nhìn của con người đương đại, được diễn ngôn bằng tranh, bằng nhạc… để duy trì sức sống cho bộ môn nghệ thuật này.
Giai đoạn 1 của dự án gồm 4 talkshow với các chủ đề khác nhau như: Hát Xẩm trong thích ứng văn hóa, Hát Xẩm nhìn từ Nghệ thuật thị giác, Hát Xẩm nhìn từ góc độ Nghệ thuật trình diễn và Hát Xẩm nhìn từ góc độ Âm nhạc đương đại… sẽ lần lượt lên sóng trên fanpage Chèo 48h.
Số đầu tiên của Mắt Xẩm Talkshow: Hát xẩm trong thích ứng văn hóa với sự tham gia của PGS.TS Kiều Trung Sơn và Nhà sưu tầm tư liệu nghệ thuật dân gian Mai Đức Thiện, điều phối Lệ Quyên lên sóng hôm 16/5 đem đến cho công chúng cái nhìn đầy đủ về nguồn gốc của Xẩm.
Theo nhà sưu tầm tư liệu nghệ thuật dân gian Mai Đức Thiện, hát xẩm xưa kia là một nghề kiếm sống của các nghệ sĩ: “Từ xa xưa, xẩm là nghề đàn hát của những người khiếm thị có năng khiếu, họ biểu diễn, dùng sức lực của mình để kiếm tiền kiếm sống", anh Mai Đức Thiện nói. "Thời điểm bây giờ, nghề hát xẩm kiếm sống như thế không còn nữa. Nhưng nghệ thuật hát xẩm thì vẫn tồn tại qua sự biểu diễn và gìn giữ của các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân và những người yêu mến bộ môn hát xẩm”.
Các chuyên gia cũng chia sẻ với công chúng về sự khác nhau giữa xẩm xưa và nay. Theo đó xưa kia hát xẩm chủ yếu là các nghệ sĩ khiếm thị, ngày nay thì các nghệ sĩ sáng mắt cũng trình diễn xẩm. Xẩm xưa kia trình diễn ngoài phố, ngoài chợ; ngày nay đã được đưa vào các sân khấu. Và một điều mà nhiều người không biết, cho đến tận ngày hôm nay vẫn có những làn điệu xẩm mới ra đời nhờ sáng tạo của các nghệ sỹ đương đại...
“Trước đây, vào những năm 60 – 70, theo cụ Trần Nhật Ngữ ghi nhận thì xẩm chỉ có khoảng 8 làn điệu thôi", nhà sưu tầm Mai Đức Thiện cho biết.
"Nhưng đến đầu năm 2000 thì có những làn điệu ví dụ như Xẩm Tàu điện hay Xẩm chợ chính là những sáng tác của nhạc sĩ Thao Giang và Bùi Hạnh Nhân. Họ quy chuẩn hóa những nét giai điệu kế thừa từ làn điệu cũ. Đến giờ những thế hệ sau họ dựa vào những quy chuẩn đó để phát triển thêm lên. Điều đấy cho thấy xẩm vẫn luôn trong quá trình sáng tạo thêm nhiều làn điệu mới khác nhau. Cái gì hay họ giữ lại, cái gì không hay sẽ tự mất đi”.
Điều phối viên Lệ Quyên nhận xét rằng, đó là một biểu hiện của thích ứng văn hóa, là cách mà xẩm thích ứng với những thay đổi của thời cuộc: “Thích ứng văn hóa là bản chất của các hiện tượng văn hóa. Đối với hát xẩm, thích ứng văn hóa vừa là động lực cho hát xẩm phát triển, nhưng nó cũng là công cụ lọc tự nhiên”.
Tưởng như những bộ môn nghệ thuật truyền thống chỉ còn được lưu giữ bởi lớp nghệ nhân già, những người cũng đã như bóng đèo leo lét trước gió. Nhưng với dự án “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương”, xẩm cũng như nhiều bộ môn khác được tiếp sức giữ gìn bởi những bạn trẻ.
Thành lập từ năm 2014, đến nay Chèo 48h đã tổ chức hơn 12 khoá học, hàng loạt sự kiện biểu diễn, cuộc thi, điền dã, tọa đàm nghệ thuật… với hàng nghìn lượt tham gia, qua đó giáo dục văn hóa nghệ thuật truyền thống cho người trẻ, truyền cảm hứng, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu với văn hoá nước nhà, góp phần thúc đẩy các hành động bảo tồn, phát huy hiệu quả trong xã hội hiện đại.
“Dự án Mắt xẩm được khởi xướng bởi những người trẻ, với tâm thức của những người trẻ, với những góc nhìn hoàn toàn khác nhau, chúng tôi mong muốn không chỉ có sự ủng hộ của quí vị, mà còn nhận được sự bổ sung, góp ý để dự án ngày một hoàn thiện hơn, từ đó có thể lan tỏa tình yêu với nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ”, điều phối viên Lệ Quyên chia sẻ.
Khán giả có thể tiếp tục theo dõi các sự kiện triển lãm online, các buổi tọa đàm của Mắt xẩm qua fanpage “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương”./.