Người Dao Nà Hắc với "lệ bản" giữ rừng tự nhiên
VOV.VN - Đời này qua đời khác, giữ gìn những cánh rừng nguyên sinh đã trở thành bản sắc văn hóa của người dân bản Nà Hắc (thôn Đoàn Kết, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh). Nà Hắc cũng là bản người Dao duy nhất của xã Hà Lâu nằm giáp khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn với diện tích khoảng 300ha.
Để đến được bản Nà Hắc - nơi có 30 nóc nhà của đồng bào Dao nép bên bìa rừng nguyên sinh cần rất nhiều nỗ lực, nhất là trong những ngày nồm ẩm hay mưa phùn rả rích. Không tính 15km đường xe máy từ trung tâm xã, chúng tôi phải đi bộ hơn nửa tiếng và lội qua 5 con suối. Phần lớn con đường mòn chỉ vừa 1 người đi.... Căn nhà của ông Chìu Chăn Lỷ (56 tuổi) được dựng ngay lối ra vào rừng.
Ông Chìu Chăn Lỷ cho biết đã sống ở đây hơn 40 năm và biết rõ từng gốc cây, tảng đá trong khu rừng. Ông kể: "Ở đây có cây táu, cây mai có giá trị. Năm ngoái có người vào đây cho tiền nhưng tôi không lấy. Rồi họ có lên rừng định lấy và tôi gọi điện ngay cho xã để làm việc, rồi họ bỏ chạy".
Bên mảnh ruộng nước hơn 1.300 m2 đang cấy vụ lúa mới, anh Chìu Vằn Chăn vui vẻ cho biết, cánh rừng nguyên sinh phía xa có rất nhiều cây gỗ lát cổ thụ mấy người ôm không xuể, cả nhiều loại chim thú quý... Vậy nhưng không ai được vào đó chặt cây, săn thú mà chỉ nhặt nấm chẹo, quả mây hay các loại lá cây thuốc, vì "ở đây không cho phá đâu, cả thôn sẽ ghét đấy. Trưởng thôn bảo đây là rừng phòng hộ, không được phá, không được chặt".
Từ năm 2015, với sự đầu tư của Nhà nước, các ngầm tràn được xây dựng nên đường vào thôn Đoàn Kết dễ dàng hơn. Giao thông thuận lợi giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội, nhưng cũng vô tình khiến việc bảo vệ rừng nguyên sinh thêm vất vả. Dân bản cho biết, không ít lần các đối tượng lạ mặt vào bản dọa dẫm, mua chuộc bà con để được vào rừng khai thác gỗ nhưng đều bị dân bản kiên quyết từ chối.
Bảo vệ rừng và thiên nhiên đã trở thành nét văn hóa đặc biệt trong cuộc sống của người dân bản Nà Hắc. Không chỉ giữ rừng, các hộ trong bản còn có hương ước bảo vệ nguồn lợi tự nhiên từ những con suối chảy dọc quanh bản. Trước đây, khi bản có khách quý thì dân bản mới vào suối Cá Nhảy - con suối trong rừng nguyên sinh bắt cá đãi khách. Sau đó, do số lượng cá tự nhiên tại thác Cá Nhảy có chiều hướng giảm sút, việc khai thác cá cũng được chấm dứt nhằm bảo vệ đa dạng sinh học.
Ông Lã Văn Vi, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâu cho biết: "Bà con nhân dân vừa là chủ thể vừa là người quản lý, hưởng thụ nguồn lợi từ rừng. Đây là kênh thông tin giúp chúng tôi bảo vệ rừng, nhất là gần đây các thông tin tố giác của các đối tượng lạ mặt vào để khai thác, chặt phá rừng trái phép".
Theo ông Hoàng Văn Khánh - Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên, bên cạnh chốt bảo vệ rừng gồm lực lượng kiểm lâm, công an và cán bộ xã nhưng chính dân bản Nà Hắc mới là những "người giữ rừng" thực thụ. Ông Hoàng Văn Khánh nói: "Phải lấy nguồn tin của bà con nhân dân trong này để phát hiện đối tượng lạ. Chúng tôi được giao 11 cán bộ, công chức, lao động nhưng bảo vệ hàng trăm ha rừng nên việc nắm bắt đôi khi còn hạn chế. Riêng Hà Lâu chúng tôi cử 2 đồng chí ở tại địa bàn để quản lý bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ rừng. Vì vậy việc ra vào của các đối tượng, người dân được phát hiện đầu tiên và cũng là nguồn tin quan trọng với chúng tôi".
Chẳng biết từ bao đời, bản Nà Hắc nép mình bên bìa rừng nguyên sinh, cũng chẳng biết dân bản Nà Hắc đều một lòng giữ gìn những cánh rừng nguyên sinh. Nhưng điều đáng quý là dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các thế hệ người Nà Hắc chưa từng nghĩ tới việc khai thác gỗ rừng nguyên sinh, để Hà Lâu không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp của phiên chợ vùng cao, sự đa dạng và độc đáo của văn hóa truyền thống các tộc người mà còn cuốn hút bởi rừng, bởi màu xanh những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi với tình yêu rừng của dân bản Nà Hắc./.