Người "hồi sinh" tinh hoa của làng nghề dệt lụa truyền thống La Khê
VOV.VN - Những tinh hoa của làng nghề dệt lụa truyền thống La Khê đang được hồi sinh và phát triển bởi tâm huyết của gia đình nghệ nhân Lê Đăng Toản.
"The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn". Trong câu ca xưa, vải the La Khê được nhắc tới là một trong những sản phẩm làng nghề đặc trưng. Trong "Tứ quý danh hương" Mỗ - La - Canh - Cót thì "La" chính là làng cổ La Khê (nay thuộc địa phận phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) nổi tiếng với nghề dệt The, Lụa.
Giữa nhịp sống hối hả thường ngày, thanh âm rộn ràng của khung cửi, tiếng lách cách của thoi đưa vẫn vang lên mỗi ngày tại làng La Khê. Trong không gian đó, được nghe nghệ nhân Lê Đăng Toản cùng vợ là Nguyễn Thị Thúy Quỳnh trải lòng về nghề dệt quê mình và câu chuyện gian nan phục hồi những dòng The lụa quý khiến tôi thêm nể phục anh chị hơn.
Theo chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, ban đầu, khi mới được thành lập, các sản phẩm dệt của làng vẫn còn rất thô sơ, chủ yếu là các mặt hàng về sồi, đũi để phục vụ cho nhu cầu của người dân Thăng Long xưa. Đến đầu thế kỷ XVII, người Hoa ở vùng Lưỡng Quảng của Trung Quốc đã di cư sang Việt Nam và mang theo nghề dệt thủ công. Trong số đó, 10 gia đình người Hoa đã đến lập nghiệp ở đất La Khê, đem nghề dệt The, Sa nhuộm đen và công nghệ dệt dạy lại cho dân làng. Các sản phẩm The, vân, địa, quế, gấm vóc của La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo dần thay thế sồi, đũi nhờ chất lượng được nâng cao như mỏng, nhẹ hơn nhưng lại rất bền và đẹp, được các tầng lớp quý tộc ưa chuộng.
Qua các thư tịch cổ, làng La Khê được hình thành từ thế kỷ thứ V với tên gọi ban đầu là làng La Ninh, mãi đến thế kỷ thứ XV mới được đổi tên thành làng La Khê. Đến đầu thế kỷ XIX làng La Khê thuộc tổng La Nội, huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Nay là phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Thời kỳ thịnh vượng nhất của làng lụa La Khê là vào thế kỷ XVII. Thời gian này, mỗi nhà sẽ có từ 1 đến 2 khung dệt, nhà nhiều có thể có đến hơn 10 khung dệt.
Câu ca “The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn” đã phần nào khẳng định tinh hoa làng nghề La Khê.
Trải qua thời gian với biết bao thăng trầm, làng lụa La Khê vang danh một thời có lúc tưởng chừng biến mất, nhưng nhờ chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống của Đảng và Nhà nước cùng quyết tâm gìn giữ làng nghề, gia đình anh Toản chị Quỳnh vẫn đang kiên trì bám nghề dù gặp nhiều khó khăn.
Giấc mơ hồi sinh làng nghề La Khê cũng như đưa sản phẩm đến với mọi người của vợ chồng nghệ nhân Lê Đăng Toản những ngày đầu gặp không ít khó khăn. Không chỉ về vốn và thị trường tiêu thụ mà còn thiếu cả người làm nghề. “Khi hợp tác xã không còn làm nữa thì vợ chồng tôi thấy rất tiếc. Tôi đã được một nghệ nhân trong làng đào tạo thành thạo nghề dệt nên chúng tôi đã xin hợp tác xã cho lưu giữ nghề. Khi bắt đầu, vợ chồng tôi chỉ có hai bàn tay trắng, phải tự thân vận động mọi việc: thuê lại nhà xưởng, nguồn vốn, nhân lực, tìm đầu ra cho sản phẩm… Hai vợ chồng có đến đâu làm đến đó, đều là từ sự nỗ lực của bản thân. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi nghề, tạo ra những sản phẩm dệt cao cấp không thể trộn lẫn với nơi khác”, nghệ nhân Lê Đăng Toản chia sẻ.
Tiếp lời chồng, chị Thuý Quỳnh cho hay, sản phẩm the lụa là mặt hàng rất kén người sử dụng, giá thành lại cao hơn nên chưa thể cạnh tranh được với các sản phẩm từ sợi tổng hợp may công nghiệp. Đặc biệt, áp lực lớn nhất là làm sao phải cố gắng gìn giữ được những tinh túy của làng và phát triển hơn nữa những điều mà các cụ để lại. Vượt qua được những khó khăn này cần sự đồng lòng, quyết tâm của cả hai vợ chồng.
"Nhà tôi có may mắn là hai vợ chồng làm hai nghề cổ truyền nhưng có sự tương quan với nhau. Chồng thì làm dệt, còn tôi làm may, cho nên chúng tôi thấu hiểu được công việc của nhau. Chẳng hạn thị trường có nhu cầu gì về chất liệu vải, màu sắc, hoa văn hay trong quá trình dệt cần làm như thế nào để có được sản phẩm tốt nhất thì chúng tôi trao đổi với nhau, hỗ trợ cho nhau trong nghề nghiệp".
Có chứng kiến tận mắt mới thấy tình yêu của vợ chồng nghệ nhân Lê Đăng Toản dành cho nghề dệt sâu đậm như thế nào. Hàng ngày hết cặm cụi bên khung dệt, từ go sợi, lên máy, dựng máy đến thăm go, anh lại sô nan và đục bìa (vẽ hoa để dệt) ở từng mẫu hàng. Hiện nhà anh Toản đang giữ 4 mẫu hoa văn cổ truyền, bên cạnh đó, anh vẫn tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra các mẫu hoa văn khác. “Dệt the rất tỉ mỉ và công phu, có những mẫu phải mất 2 đến 3 tháng mới dệt xong, thậm chí những mẫu hàng phức tạp phải mất nửa năm. Trong đó, công đoạn vẽ hoa để dệt là khó nhất. Bởi không chỉ là vẽ một bức tranh, người vẽ mẫu dệt phải tính toán từng đường nét sao cho thật cân đối để khi lên vải đường nét hoa văn nổi bật, hài hòa”.
Một trong những bí quyết làm nên sự khác biệt khiến lụa La Khê khác với lụa tơ tằm của các nơi khác chính là bộ go võng tạo nên công nghệ dệt. “Trong tiếng Hán, The có nghĩa là thưa, một tấm vải nhìn rất thưa, mỏng nhưng lại rất chặt mặt, không bị xô dạt. Một đặc điểm nữa là sợi ngang, sợi dọc đều được làm từ tơ tằm chứ không pha như sản phẩm của những nơi khác. Đấy là đặc trưng bí quyết tổ truyền để lại của các sản phẩm dệt La Khê, từ The, đến Sa, lụa Vân, Xuyến", chị Quỳnh chia sẻ.
Rất tự hào về nghề truyền thống của làng, mong nghề được khôi phục, phát triển nên Nghệ nhân Lê Đăng Toản luôn đau đáu nỗi lòng tìm người kế cận. "Chúng tôi giữ nghề truyền thống trong cô đơn. Người già thì đã yếu, không làm nghề, người trẻ thì không quan tâm bởi bây giờ có quá nhiều điều khiến người trẻ bận tâm hơn. Chính quyền địa phương cũng chưa hiểu và đồng hành cùng gia đình trong việc lưu giữ nghề".
"Để trao truyền lại thì cũng phải có duyên, vì nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, đam mê, các bạn trẻ phải hiểu, phải yêu thì mới truyền dạy được chứ hiện nay mối quan tâm lớn nhất của giới trẻ chính là điện thoại, công nghệ, sống ảo thì làm sao mà truyền dạy được. Tôi rất mong gặp được người có nhân duyên thì sẽ truyền nghề luôn, vì cái này không thể ép buộc được. Bây giờ chúng tôi mà không làm nữa thì sẽ mất nghề, vì thế hai vợ chồng lại động viên nhau cố gắng”, anh Toản trăn trở.
Chứng kiến sự thăng trầm của nghề dệt La Khê, hơn ai hết, ông Nguyễn Bao Hòa, người dân làng La Khê vô cùng cảm phục những nỗ lực gìn giữ, phát triển nghề của gia đình nghệ nhân Lê Đăng Toản.
"Lãnh đạo địa phương đã có thời đầu tư rất lớn để khôi phục nghề nhưng không được, phải phá bỏ mấy chục khung cửi. Chỉ có anh Toản là người kiên trì, một mình mải miết ngày đêm phục dựng. Tất cả các mẫu đều tự tay anh Toản làm, kể cả đục hoa, tùy theo từng chất liệu mà đục hoa văn cho phù hợp vì kỹ thuật này cực kỳ khó, nhất là các hình chữ Thọ, Công, Phượng, Rồng… Anh đã bỏ bao công sức sưu tầm, phục dựng nhiều loại The, lụa quý, mong giữ lại cho con cháu đời sau những kỹ thuật tinh xảo, nét tinh hoa làng nghề. Tôi rất khâm phục và cũng tự hào về anh Toản. Nhờ có anh mà nghề dệt The La Khê vẫn còn được duy trì trong xã hội hiện đại ngày nay”.
Hiện tại, cả làng La Khê chỉ còn duy nhất nhà nghệ nhân Lê Đăng Toản theo nghề. Đây là nỗi tiếc xót cho một nghề từng được coi là tinh hoa xứ Bắc. Để nghề dệt The ở La Khê phát triển, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nghệ nhân giữ nghề để họ “sống” được bằng nghề là vô cùng quan trọng.
Năm 1823, nhà Nguyễn đã ra sắc lệnh thành lập La Khê trở thành một xưởng dệt phục vụ cho Kinh thành Huế, chuyên dệt vải phục vụ Vua, Hoàng hậu, Thái tử, Công chúa. Bởi vậy, cả làng được miễn đi lính để nhằm mục đích tập trung cho việc phát triển làng nghề. Lịch sử làng ghi lại, trong khoảng những năm 1840 dưới thời vua Thiệu Trị, xưởng dệt làng La Khê được gọi là Chức tạo cục, hàng năm phải sản xuất và cung cấp cho triều đình 600 tấm Sa màu.
Chợ Cầu Ðơ - chợ nổi tiếng của vùng mở một tháng 6 phiên là nơi để người dân trong làng bán buôn sản phẩm dệt cao cấp đi khắp cả nước. Sang đầu thế kỷ 20, các nghệ nhân của làng nghề còn được phong Cửu phẩm, Bá hộ, đồng thời the làng La Khê còn được triển lãm ở thành phố Paris nước Pháp.