Nhạc chế tràn lan và sự vô cảm của nghệ sĩ Việt
Mạng xã hội TikTok và sự thờ ơ của một bộ phận nghệ sĩ giúp các đoạn nhạc chế lan truyền mạnh mẽ, tác động không tốt đến khán giả.
Nhạc chế xuất hiện từ lâu và luôn tìm cách len lỏi vào đời sống bằng cách này hay cách khác. Với nhiều người, đây là hình thức giải trí đơn giản mà hiệu quả. Tuy nhiên theo thời gian, những bài nhạc “xào nấu” ngày càng phát triển theo chiều hướng tiêu cực.
Chúng biến tướng với phần lời vô nghĩa, nhảm nhí, tác động không tốt đến người nghe đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ. Điều này xuất phát từ sự trỗi dậy của các mạng xã hội như TikTok, cũng như sự thiếu cẩn trọng của một số nghệ sĩ.
Nhạc chế xuất hiện tràn lan
Gần nhất, Lê Dương Bảo Lâm là đối tượng bị chỉ trích khi đưa bài nhạc chế lên sóng truyền hình. Trong game show "2 ngày 1 đêm" chiếu trên đài HTV7 đang được khán giả chú ý, anh hát: “Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu, còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobito chào đời”.
Sau đó, Lê Dương Bảo Lâm và đoạn nhạc chế nhanh chóng được VTV24 nhắc đến trong chương trình Thị hiếu và công chúng - Sản phẩm nhiều lượt xem chưa chắc đã là sản phẩm tốt. Theo đánh giá của nhà đài, những bản nhạc chế này không chỉ có ca từ vô nghĩa mà còn phá nát tuổi thơ của nhiều người, khiến giới trẻ tiếp cận nguyên tác một cách sai lệch.
Thực tế, đoạn nhạc chế Doraemon này vốn xuất hiện từ lâu. Khoảng hơn chục năm trước, nhiều người đã tìm cách trộn giai điệu bài hát "Say you will" (Tokyo Square) và phần lời tự viết dựa trên các nhân vật truyện tranh Doraemon. Về cơ bản đoạn, nhạc vẫn phản ánh đúng câu chuyện nổi tiếng, được thiếu nhi Việt Nam yêu thích với nội dung cụ thể như sau: “Má Chaien thì nghèo, má Xeko thì giàu còn Chaien luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Xuka. Nếu Xuka bằng lòng lấy Nobita làm chồng thì một năm sau Nobito chào đời”.
Trong khi đó, ca từ Lê Dương Bảo Lâm sử dụng lại đảo lộn vị trí các nhân vật, tạo thành phiên bản vừa phi lý vừa phản cảm. Không chỉ làm sai lệch nội dung bộ truyện đến từ Nhật Bản, cây hài còn khiến người nghe ức chế việc bôi nhọ các nhân vật quá đỗi quen thuộc. Trong đó có những câu phản cảm và lố lăng, điển hình là câu “Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng” sau đó sinh con.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu anh hát ca khúc này trên sóng truyền hình. Cây hài từng hát trong nhiều chương trình thực tế, chẳng hạn game show "Cặp đôi hài hước" chiếu trên Truyền hình Vĩnh Long năm 2017, hay game show "Sàn đấu ca từ" trên HTV7 năm 2019. Tuy nhiên, chỉ đến khi xuất hiện trên TikTok, đoạn video bài nhạc chế mới được lan truyền mạnh mẽ, tác động nhiều đến người xem và bị phê phán mạnh mẽ.
Tác hại của TikTok
Trên TikTok, các đoạn video cắt cảnh Lê Dương Bảo Lâm hát nhạc chế Doraemon đều có lượt xem rất cao, trung bình thu hút hàng trăm thậm chí hàng chục triệu lượt. Chẳng hạn, một học sinh cấp 3 dùng tài khoản tt.tien1411 để quay clip hát nhép theo cây hài, thu về 17,7 triệu lượt xem. Hay clip remix của tài khoản djatom.tiktok cũng gây chú ý, đạt gần 22 triệu lượt xem.
Trước nay, mạng xã hội đến từ Trung Quốc thường xuyên bị đánh giá thấp vì mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nhạc Việt, làm thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật của người dùng. Xu hướng nhạc chế, nhạc dài 15 giây trên nền tảng đã tạo ra nhiều đoạn nhạc vô nghĩa, gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ. Sự “trỗi dậy” của đoạn nhạc chế Doraemon chỉ là một trong những dấu hiệu cho thấy mặt trái của công nghệ. Các đoạn video dùng bài nhạc chế Doraemon đều có lượt xem cao trên TikTok.
Với tốc độ lan truyền đến chóng mặt trên TikTok, đoạn nhạc chế Doraemon dễ dàng trở thành đề tài gây sốt. Phần lớn người dùng mạng xã hội này là các bạn trẻ, thuộc lứa tuổi học sinh cấp 2, cấp 3 nên chưa thực sự ý thức được tác hại của ca khúc. Họ chỉ quan tâm đến tính giải trí mà bỏ qua nội dung vô nghĩa và phản cảm. Đáng chú ý, dưới phần bình luận của các clip có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự yêu thích, thậm chí cổ vũ tác giả làm thêm nhiều clip tương tự.
Chỉ đến khi truyền thông lên tiếng, vấn đề mới được đem ra mổ xẻ. Không ít khán giả bày tỏ bức xúc lẫn nỗi lo sợ trước tác hại của các đoạn nhạc chế và trào lưu TikTok. Họ cho rằng những sản phẩm có lời lẽ thô thiển và phản cảm sẽ dễ gây ảnh hưởng xấu đến người nghe, nhất là các bạn thiếu nhi. Do đó, cần có phương án khắc phục triệt để tình trạng này.
Tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho TikTok. Khi Lê Dương Bảo Lâm hát trên sóng truyền hình, nhiều nghệ sĩ không phản ứng mà còn vỗ tay, cỗ vũ đồng nghiệp. Mang danh người làm nghệ thuật nhưng bản thân họ lại chưa đủ khả năng để đánh giá những “chế phẩm” âm nhạc kém chất lượng.
Ngay cả ê-kíp sản xuất cũng chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không mạnh dạn cắt bỏ khoảnh khắc vô nghĩa ra khỏi chương trình. Chính sự hời hợt của họ mới là nguyên nhân trực tiếp, tiếp tay cho các sản phẩm vô nghĩa lan rộng trong đời sống thường nhật./.