Nhạc sĩ – NSƯT Quang Dũng qua đời ở tuổi 75
VOV.VN - Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện y dược Buôn Ma Thuột, nhạc sĩ – NSƯT Quang Dũng (sinh sống ở Đắk Lắk) đã qua đời vào chiều 14/1 ở tuổi 75. Tang lễ của ông diễn ra từ sáng nay (15/1) đến chiều 17/1 tới tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Nhạc sĩ – NSƯT Quang Dũng tên thật là Võ Anh Dũng, sinh năm 1950, quê gốc ở Thừa Thiên - Huế. Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên Trường Quốc gia Âm nhạc Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế) năm 1968, về nhận công tác tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk từ năm 1979 và từng giữ chức Phó trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Năm 1980 (một năm sau khi nhận công tác tại Đắk Lắk) ông đã đoạt 2 huy chương vàng tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Hà Nội và liên tiếp sau đó là Giải đặc biệt ở Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 1983 tại TP. Hồ Chí Minh, Huy chương vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 tại Hà Nội, cùng nhiều giải thưởng khác. Ông vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2019.
Nhắc đến Nghệ sĩ ưu tú Quang Dũng, công chúng nhớ đến hình ảnh người nghệ sĩ với cây đàn guitar. Cùng với đó, ông còn là một nhạc sĩ có sức sáng tác khỏe. Trước khi nhập viện, ông đã hoàn thành ca khúc “Về với em nhé” (phổ thơ Niê Thanh Mai) và đạt giải C, Giải Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk năm 2024. Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, Nhạc sĩ Quang Dũng đã có nhiều đóng góp trong nền âm nhạc tại Đắk Lắk, được nhiều đồng nghiệp gọi là “cánh chim đầu đàn của văn nghệ Đắk Lắk”. Ông cũng là người thầy của nhiều nghệ sĩ thành danh tại Đắk Lắk.
Một số tác phẩm tiêu biểu của NSƯT Quang Dũng như "Âm vang Tây Nguyên", "Khúc nhạc brố đêm trăng"… Lúc còn sống, nhạc sĩ Quang Dũng từng chia sẻ, ông luôn cố gắng kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc hiện đại và âm nhạc dân tộc Tây Nguyên trong từng tác phẩm, nhất là sự gắn bó với Đắk Lắk – quê hương thứ 2 của mình: “Sự đam mê, kiên trì và lòng tin của mình về nghệ thuật, của bản sắc văn hóa của quê hương Đắk Lắk và mình sẽ phát triển trên nền văn hóa ấy, những giai điệu của đồng bào dân tộc Ê Đê. Tôi nghĩ rằng, muốn đạt được thành quả như vậy thì người nghệ sĩ trước tiên phải có tầm, có sự tìm tòi, vững tin và yêu nghề, yêu mảnh đất này”.