Nhạc sĩ Phạm Tuyên và cuộc gặp gỡ "Cây đại thụ và cánh én tuổi thơ"
VOV.VN - Ngày 12/1, nhạc sĩ Phạm Tuyên tròn 91 tuổi. Vào đúng sinh nhật của ông, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện cuộc gặp gỡ “Cây đại thụ và cánh én tuổi thơ”.
Ngay khi giai điệu quen thuộc của ca khúc "Nổi trống lên các bạn ơi" cất lên, rất nhiều khán giả trong Nhà hát VOV đã nhanh chóng hòa mình cùng giai điệu. Có người vỗ lên tay ghế, người lại gật gù theo tiếng phách, tiếng trống.
Khán giả tới dự chương trình “Cây đại thụ và cánh én tuổi thơ” đủ mọi lứa tuổi, từ những em bé chạy đùa khắp sảnh cho đến các cụ già tóc bạc phơ, phải để con cháu dìu. Điểm chung nhất giữa họ chính là tình yêu mến đặc biệt dành cho các ca khúc không tuổi của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Các tác phẩm được lựa chọn kỹ lưỡng, đa dạng phong cách, đa dạng vùng miền như "Từ làng Sen", "Cánh cò trong câu hát mẹ ru", "Từ một ngã tư đường phố", "Nơi ấy Trường Sa", "Khát vọng mùa xuân", "Cánh én tuổi thơ, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội"... Các sáng tác của ông dung dị, mộc mạc, dạt dào cảm xúc, dễ nghe, dễ thuộc, càng nghe lại càng thấm.
Một ca sĩ nhí tham gia chương trình cho biết: "Con rất thích những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên và hôm nay con rất hạnh phúc khi được hát bài "Nơi ấy Trường Sa" cho ông nghe".
Một khán giả khác cho biết: "Cảm xúc ùa về thấy mình trẻ lại như ngày xưa khi được nghe các ca khúc của bác Tuyên như bài "Rước đèn ông sao này", "Dềnh dềnh dàng dàng"... Tôi thích nhất là bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".
Cả cuộc đời dành trọn tình yêu cho âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác gần 700 tác phẩm, trong đó có hơn 200 bài hát dành cho thiếu nhi. Ông được ví như người kể lịch sử bằng âm nhạc, nhạc sĩ của nhân dân. Nhạc sỹ rất xúc động khi được đón tuổi mới của mình tại chính ngôi nhà thân thiết ông đã làm việc gắn bó suốt 1/4 thế kỷ, nơi cả gia đình ông sống năm 1973, khi khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam ở 126 Đại La bị bom Mỹ san phẳng.
"Nhiều đồng nghiệp của tôi ở lứa tuổi này không còn nữa. như Nguyễn Đức Toàn, Văn Ký, Tôi cho đây là phần thưởng cuối đời khi được tổ chức ở đây. Nhiều phóng viên phỏng vấn tôi sao viết nhiều bài hát như viết lịch sử thế. Tôi đã trả lời tôi cám ơn môi trường báo chí, môi trường phát thanh tôi đã gắn bó suốt 1/4 thế kỷ. Nay làm ở đây thế này tôi rất xúc động" - nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên không viết về những chiêm nghiệm cá nhân ông với cuộc đời, với thân phận của mỗi kiếp người trong xã hội tại những thời điểm lịch sử của đất nước, mà nảy ra những giai điệu đẹp, chân thật như bước ra từ cuộc đời. Để rồi mỗi khi cất lên, ca từ đẹp đẽ ấy lướt nhẹ mà đi sâu vào trái tim mỗi người.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam tin rằng, chính sự góp sức của những thế hệ nhạc sỹ như Phạm Tuyên đã nâng tâm hồn của cả dân tộc: "Nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng rất nhiều nhạc sĩ thế hệ của ông đã nâng tâm hồn của cả dân tộc trong kháng chiến gian lao, trong xây dựng vất vả. Và phải nói là đất nước ta được như hôm nay do rất nhiều lực lượng đóng góp, nhưng chúng tôi nghĩ lực lượng văn nghệ sỹ, trong đó có các nhạc sĩ tài danh nổi tiếng như ông Phạm Tuyên đã giúp chúng ta rất nhiều, cho cả đất nước, cho từng gia đình và cho mỗi con người".
Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 91 của nhạc sĩ Phạm Tuyên, NXB Hội Nhà văn ra mắt cuốn sách Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Tuyển tập 100 bài hát và khởi động dự án “Cánh én tuổi thơ” làm mới, phát triển bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên nhằm góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần của trẻ em./.