Nhiều điểm mới trong mùa lễ hội 2024: Thêm nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch mới
Mùa lễ hội 2024 được dự báo sẽ rất đông, nhằm tránh tình trạng quá tải và tình huống phát sinh, các lễ hội trọng điểm thu hút đông du khách dịp đầu Xuân từ sớm đã triển khai kế hoạch chuẩn bị, trong đó điểm nhấn là các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn.
Bên cạnh đó, trong xu thế phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động văn hóa, du lịch hậu đại dịch, BTC một số lễ hội cũng nỗ lực tìm kiếm những ý tưởng, tạo điểm mới đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Trong đó, có những ý tưởng mới được kỳ vọng sẽ bổ sung sản phẩm văn hóa, du lịch nhằm thu hút du khách.
30 vạn cánh ấn đáp ứng nhu cầu người đi lễ
“BTC và nhà đền dự kiến phát hành hơn 30 vạn ấn bản đến nhân dân và du khách thập phương”. Đây là thông tin được BTC lễ hội Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) cung cấp trong cuộc họp báo về lễ hội mới đây.
Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL Khu Di tích Đền Trần - Chùa Tháp, lễ Khai ấn năm nay diễn ra vào dịp cuối tuần, dự đoán lượng du khách rất đông. Các phương án đảm bảo an ninh trật tự đã được sẵn sàng. Số lượng ấn lộc sẽ cố gắng đảm bảo đủ để phát cho nhân dân và du khách thập phương. Thông tin về lễ hội Khai ấn đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024, BTC cho biết lễ hội Khai ấn đền Trần 2024 sẽ diễn ra từ ngày 20.2 - 25.2 (tức ngày 11-16 tháng Giêng âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Cũng theo ông Bình, lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2024 sẽ có nhiều điểm mới so với những năm trước như có thêm các hoạt động triển lãm sinh vật cảnh, các trò chơi truyền thống dân gian, triển lãm diều sáo, trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh, các hoạt động văn hóa văn nghệ như hát xẩm, hát văn, múa rối nước...
Các hoạt động, nghi thức truyền thống được BTC, nhà đền tập trung chuẩn bị từ nhiều ngày nay. Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2024 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc. Đặc biệt, các hoạt động, nghi lễ truyền thống như rước kiệu ấn, dâng hương sẽ được UBND TP Nam Định chủ trì tổ chức trong đêm khai ấn 14 tháng Giêng tại đền Thiên Trường. Trong thời gian làm Lễ Khai ấn, BTC đóng cửa đền Thiên Trường để đảm bảo sự tôn nghiêm của nghi lễ truyền thống. Từ 5h sáng ngày 15 tháng Giêng (24.2.2024), nhà đền tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 3 nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày Đền Trùng Hoa. Từ ngày 16 tháng Giêng (25.2.2024), hoạt động phát ấn tiếp tục được tổ chức tại các nhà Giải Vũ từ 7h sáng.
Trưởng BQL Khu Di tích Đền Trần - Chùa Tháp chia sẻ, vì dự báo lượng khách đông, công tác tổ chức đối với lễ hội trọng điểm này luôn được đề cao các yếu tố trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đảm bảo an ninh trật tự. BQL khu di tích phối hợp chặt chẽ với 3 phường và các ngành liên quan thực hiện công tác chuẩn bị, quản lý và tổ chức lễ hội; sắp xếp ổn định các ki-ốt; không để người hành khất, hát rong, người bán hàng trái phép vào khu vực lễ hội và khu vực trước cổng đền. UBND phường Lộc Vượng cũng chỉ đạo Hội Người cao tuổi, nhà đền tổ chức thực hiện các nghi lễ rước, nghi lễ Khai ấn theo tục lệ truyền thống; có kế hoạch tổ chức trông coi phương tiện giao thông tại các bãi xe đảm bảo theo quy định. Đặc biệt, nghiêm cấm các hoạt động cờ bạc dưới mọi hình thức tại khu vực lễ hội; ngăn chặn việc mua, bán ấn, lưu hành ấn không do nhà đền phát hành; xây dựng phương án tuyên truyền, phòng ngừa dịch bệnh nơi đông người; kiểm tra việc đảm bảo công tác ATVSTP tại di tích…
Cũng như mọi năm, để đảm bảo an ninh trật tự, điều gây lo lắng nhiều nhất ở lễ hội đền Trần trong đêm Khai ấn chính là cảnh tượng đông đúc, chen lấn xô đẩy tạo cảnh quan lộn xộn, phản cảm, năm nay sẽ có khoảng 2.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ tại lễ hội. Theo đại diện Công an TP Nam Định, để vừa đảm bảo công tác bảo vệ kiệu ấn nghiêm trang, an toàn, vừa không gây cảm giác cứng nhắc trong lễ hội truyền thống, công an thành phố sẽ “mềm mại” hơn khi triển khai nhiệm vụ này.
Tò mò với 3D mapping trong lễ hội
Lần đầu tiên, 3D mapping sẽ xuất hiện tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng 2024. Đây là điểm mới tạo sức thu hút, cũng nhằm tạo thêm sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo trong khuôn khổ các hoạt động của lễ hội năm nay. Công nghệ mới này sẽ được ứng dụng trong chương trình nghệ thuật đặc sắc, dự kiến diễn ra với tên gọi “Âm vang Mê Linh” trong khuôn khổ các hoạt động tại Lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, đến nay, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã và đang được khẩn trương hoàn thiện, đặc biệt là lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024. Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024 sẽ được tổ chức với những nghi thức truyền thống, trang trọng theo hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, Phó Chủ tịch huyện cho hay, Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024 sẽ có nhiều đổi mới mang tính chất đột phá. Chủ trương xây dựng chương trình nghệ thuật với kỳ vọng tạo sản phẩm văn hóa mới nhằm phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích; góp phần thúc đẩy văn hóa du lịch tâm linh gắn với phát huy tiềm năng giá trị di sản trên địa bàn huyện đã được tích cực triển khai.
Lễ kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024 được tổ chức tại di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng Mê Linh, trên vùng đất thiêng đắc địa, được tổ chức trang trọng, giữ gìn nguyên gốc bản sắc truyền thống. Lễ hội diễn ra từ ngày 15 - 17.2.2024 (mùng 6-8 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Lễ hội được tổ chức nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Hai Bà Trưng, tạo điểm nhấn để đưa di tích đền Hai Bà Trưng trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Trong đó, chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” được mở màn vào tối 15.2.2024 (mùng 6 tháng Giêng) và con đường nghệ thuật sáng tạo “Âm vang nguồn cội” dự kiến kéo dài trong thời gian một tháng.
Với chủ đề “Âm vang Mê Linh”, xuyên suốt chương trình, âm thanh, ánh sáng, đồ họa, kỹ xảo, dàn dựng sân khấu sẽ cùng kết hợp để tái hiện lại câu chuyện lịch sử vùng đất Mê Linh theo cách thức hiện đại và mới mẻ. Đây là chương trình nghệ thuật được thực hiện theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại. Chương trình kể câu chuyện lịch sử với các chương hồi, cảnh diễn nối tiếp, được chuyển biến tinh tế bằng kỹ xảo, âm nhạc hấp dẫn, đa dạng hình thức với ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống… Đặc biệt, hệ thống chiếu sáng sẽ chiếu cả xuống sàn sân khấu biểu diễn để khán giả có thể tưởng tượng mình đang đứng trong bối cảnh câu chuyện. Lần đầu tiên trong một chương trình tại Khu di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng, khán giả được tương tác, trải nghiệm chân thực, hòa mình vào câu chuyện đang diễn ra.
“Công nghệ 3D mapping vẽ lại bức tranh oanh liệt mà bi tráng bằng ánh sáng, mang đến cho người xem trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan. Công nghệ hiện đại trên nền tảng cốt lõi là các câu chuyện lịch sử tạo nên một cách tiếp cận và biểu đạt mới, thu hút nhân dân và du khách…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết...
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh lưu ý: “Chương trình nghệ thuật đặc sắc lần đầu tiên áp dụng các công nghệ hiện đại và mới mẻ để kể câu chuyện lịch sử là ý tưởng giàu sáng tạo của Mê Linh. Địa phương cần rà soát, hoàn thiện kỹ càng, cẩn trọng trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, tôn trọng các yếu tố truyền thống, bản sắc để tạo nên điểm nhấn mang tính hình mẫu trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội của thành phố”.