Nỗi đau từ không gian mạng
Nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng, 2021 là năm bi thương của showbiz Việt khi nhiều người tự cho mình quyền xỉ vả nghệ sĩ một cách vô tội vạ.
Rác thải mạng xã hội nhiều quá
''Năm bi thương của showbiz Việt" - nhà biên kịch Chu Thơm đã phải thốt lên như vậy khi ngày nào ông cũng đọc được những thông tin xỉ vả, gọi nghệ sĩ là thằng, là con. Tại sao người làm nghệ thuật lại bị chửi nhiều đến thế? Tại sao rác của mạng xã hội giờ nhiều như thế? - ông Chu Thơm đặt câu hỏi.
Ở góc nhìn của mình, nhà biên kịch Chu Thơm lý giải: "Chúng ta thấy rằng rác thải mạng xã hội bây giờ nhiều quá. Nào là giang hồ mạng người đầy xăm trổ lên mạng chém gió, nói tục chửi bậy thế là nổi tiếng, nào là người đeo đầy vàng kim cương cũng livestream khoe của và thể hiện cái tôi thế là được tung hô. Có những người không phải là người của công chúng nhưng tìm kiếm trên Google lại ra hàng nghìn kết quả.
Mạng ảo nhưng lại có sức sát thương người khác, làm tổn hại danh dự và cả gia đình của người khác nếu vô tình bị cộng đồng mạng "chửi hội đồng".
Đối tượng mà dễ phán xét nhất theo nhà biên kịch Chu Thơm chính là những người biểu diễn trên sân khấu, màn ảnh, vì đó là người của công chúng.
Rất lạ là bây giờ nhiều người cho mình cái quyền nhục mạ người khác một cách vô cớ. Thật không hiểu nổi! Tuy nhiên, người ta có câu: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Cũng phải xem lại người làm nghệ thuật, vì sao lại bị chửi bới như thế? Bây giờ Việt Nam ra ngõ là gặp người nổi tiếng, phim truyền hình bây giờ ngày nào cũng có, diễn viên có người chỉ cần đóng một phim là thành minh tinh màn ảnh. Nhiều người bị huyễn hoặc khả năng về họ. Họ nghĩ mình là người của công chúng nên cư xử không đúng chừng mực.
Tôi nhớ có câu: Tài năng sẽ chết nếu không có người hâm mộ. Vậy khán giả là người hun đúc, động viên người nghệ sĩ, là người bỏ tiền mua vé xem nghệ sĩ, nên nghệ sĩ phải trân trọng khán giả. Không thể nói rằng ai thích xem thì xem, không thì tắt TV đi, sao lại đánh đố như thế?
Trên các chương trình, nhiều người ngả ngốn, khích bác nhau, thậm chí cầu hôn trên sóng truyền hình, làm đủ trò lố. Vậy thì bị chỉ trích cũng có lý của họ, tất nhiên nhiều người cũng quá đà.
Các nghệ sĩ luôn nói rằng nghệ thuật là thánh đường của họ. Thế thì bước chân vào thánh đường - nơi tôn nghiêm, họ phải cởi giầy ra, giống như đi vào cửa Chùa vậy. Nhưng một số nghệ sĩ lại mang đôi giày nhơ nhớp vào hoặc mang đôi giày sạch sẽ, hàng hiệu đấy nhưng mua bằng những đồng tiền từ quảng cáo láo ảnh hưởng tới khán giả, thì liệu những người đó có xứng đáng được khán giả tôn trọng hay không? Con mắt của nhân gian tinh tường lắm, không thể giấu được. Đừng nghĩ rằng người ta yêu quý mình mà qua mặt được. Một số người làm nghệ thuật, lợi dụng sự nổi tiếng của mình để làm điều xấu thì đáng bị lên án?".
Showbiz muôn màu, cần lên án cái xấu và ông là người "ở trong chăn" nên cũng quá rõ những thói hư tật xấu ở nơi đây nhưng nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng, không được phép chửi bới, nhục mạ người khác, nhất là những người làm nghệ thuật.
Những người làm nghệ thuật sống nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Ngoài một vài cá nhân làm bậy, đa số các nghệ sĩ là những người sống hết lòng với nghề dù đôi khi nghề vẫn chưa mang lại cuộc sống đủ đầy cho họ.
"Nói đến rác của mạng xã hội thì thiết nghĩ phải nói qua về rác thải vũ trụ. Rác thải là những đồ vật ngoài không gian mà cơ quan ngoài vũ trụ không kiểm soát được. Nhưng rác thải của mạng xã hội thì cơ quan quản lý Nhà nước có thể kiểm soát được. Đã đến lúc cần quét sạch nó", ông Chu Thơm nhấn mạnh.
Nỗi đau từ không gian mạng
Diễn viên Chi Bảo than, trong bối cảnh xã hội khổ sở và mất mát vì dịch bệnh, cộng đồng lại phải đối mặt với một hiểm họa khác tiêu cực không kém: "Nỗi đau từ không gian mạng".
"Các hiện tượng đang xảy ra trên không gian mạng làm tức giận, đau lòng cho tất cả các bên. Chúng gây mất niềm tin và hoang mang của người trẻ, sự bất lực đến chơi vơi và lạc lõng. Vậy tôi muốn hỏi còn chờ gì nữa mà chúng ta không lên tiếng?
Rõ ràng trong hiện tượng ấy, tất cả chúng ta đang bất an và đau đớn. Đây là nỗi đau chung cần giải quyết, chứ không phải mỗi cá nhân tự tách mình ra và xem như không liên quan. Ta cũng phải được chữa trị chứ không phải ta đi chữa trị người khác, vậy thì: "Mỗi người cùng chữa lành nỗi đau từ không gian mạng", Chi Bảo chia sẻ.
Tuy nhiên, nam diễn viên cũng bày tỏ anh không đồng tình với việc một số cá nhân dùng những ngôn từ hay hành vi thiếu kiềm chế để đáp trả những nhân vật đang vướng vòng tiêu cực. Thay vì thế, mỗi người cần có sự lý trí, bình tĩnh để sự việc được giải quyết và khép lại một cách trọn vẹn, không gây quá nhiều tổn thương cho chính những người trong cuộc.
"Dù bất cứ lý do nào, tôi cũng thật sự rất đau lòng và thấy nhẫn tâm khi số đông đi ức hiếp, lên án, trả thù dồn một con người vào đường cùng - cho dù đó là một tội phạm. Ta đang ở thời bình chứ đâu phải thời chiến. Ta nhất định không để những hình ảnh đau xót ấy tái hiện mỗi ngày, con cháu ta sẽ nghĩ gì về người lớn?
Hơn lúc nào hết, ta nên quay về chỉnh đốn chính ta. Bởi vì ta có đầy đủ sức mạnh và công cụ để trả lại sự yên bình cho tất cả. Những sai lầm, yếu kém dù có ta trong đó vẫn là rất nhỏ so với những gì ta đã làm được và dành cho nhau trong quá khứ. Cái đẹp mãi là cái đẹp, cái đẹp tự thân có một sức mạnh rất ghê gớm, lịch sử nhân loại đã chứng minh điều đó. Đừng cố gắng đẩy lùi bóng đêm, hãy thắp lên một ngọn nến dù nhỏ, bóng tối sẽ tự phai dần”, anh nêu quan điểm.
Trong câu chuyện trên, Chi Bảo cho rằng vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông cũng cần phải quyết liệt trong kiểm duyệt, tránh không sa đà đối với những thông tin tiêu cực. Khi cư dân mạng không có sự định hướng, họ dễ bị dẫn dắt và dẫn đến sa lầy vào những cuộc tranh cãi. Hơn lúc nào hết người dùng mạng đang cần điểm tựa. Mà đã là điểm tựa thì phải chắc, vững chãi, không thiên vị.
Nghệ sĩ cần ý thức nhiều hơn về hình ảnh, uy tín và vai trò làm gương
"Nếu như trước kia, chúng ta quen với câu muốn mình trở nên vĩ đại thì phải biết cách đứng lên vai những người khổng lồ thì giờ đây câu này lại được sửa thành: "Muốn mình trở nên nổi tiếng thì phải biết cách đứng lên vai những người nổi tiếng". Người nổi tiếng trở thành nạn nhân của một trào lưu là điều dễ hiểu. Một số người muốn mình nhanh chóng trở nên nổi tiếng bằng cách “mượn” sự nổi tiếng của người khác. Rác mạng hình thành từ việc gây tò mò, tạo kích thích, kể cả từ các thông tin giả (fake news) không khó kiểm chứng trở thành một trào lưu ở Việt Nam (và cả ở trên thế giới).
Cha ông ta cũng có câu: Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên. Rõ ràng, những người nổi tiếng, đặc biệt là các nghệ sĩ cũng đã tạo điều kiện cho những thông tin trên xuất hiện. Nghệ sĩ là những người luôn được xã hội quan tâm và luôn là chủ đề yêu thích của truyền thông đến mức thậm chí có những tờ báo chỉ đưa một loại thông tin về đời tư, nghề nghiệp của các nghệ sĩ. Bối cảnh xã hội thay đổi khi mà bất kỳ ai cũng có thể trở thành “nhà báo” thì việc soi đời tư của người khác, đặc biệt các nghệ sĩ là một nhu cầu tự thân.
Trong khi đó, các nghệ sĩ không có đủ trang bị kiến thức và kinh nghiệm, thiếu người chuyên nghiệp hỗ trợ trong việc xử lý những vấn đề truyền thông này khiến cho những khủng hoảng truyền thông được kéo dài, mở rộng ra. Chưa kể, nhiều nghệ sĩ cũng không giữ được hình ảnh, thương hiệu của mình trong những hoàn cảnh nhất định, một số người còn lợi dụng mặt trái của truyền thông mới để lăng xê cho mình bằng cách tạo scandal. Tất cả hợp thành một khối hỗn loạn, một lần nữa tạo kích thích cho một bộ phận khá đông đảo công chúng tò mò, hưởng ứng.
Để trả lại môi trường trong lành cho không gian mạng, tạo năng lượng tích cực cho cuộc sống, chắc chắn chúng ta cần bắt đầu bằng nhận thức đầy đủ về những lợi ích, tác hại của các tương tác, tranh luận trên môi trường này. Chúng ta cũng cần có một bộ quy tắc ứng xử phù hợp với môi trường mạng. Nếu như những ứng xử ngoài cuộc sống dần dần đã được chế tài bởi cả quy định luật pháp và ngoài luật pháp thì không có lý do gì những nguyên tắc đó không được áp dụng cho môi trường mạng.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cùng cần có ý thức nhiều hơn về hình ảnh, uy tín và vai trò làm gương của mình. Mạng xã hội giờ không còn là ảo nữa mà tác động của nó rất thật, vì thế cũng cần có chế tài phù hợp" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nói./.