NSND Văn Chương – Giọng hát vàng trong làng chèo Việt Nam
VOV.VN - Sở hữu chất giọng ngọt ngào, ấm áp với lối diễn giản dị nhưng tinh tế và giàu cảm xúc, Văn Chương đã tạo cho mình chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Anh là một trong những nghệ sĩ của VOV được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSND đợt 10 năm 2023.
Duyên chèo, nghiệp chèo đã ngấm vào máu thịt tôi
PV: Là một trong 5 nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV được phong tặng danh hiệu NSND theo quyết định do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký, cảm xúc của nghệ sĩ Văn Chương như thế nào?
NSND Văn Chương: Danh hiệu cao quý NSND là sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, của các cấp lãnh đạo dành cho tôi và các nghệ sĩ, và sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp, là sự yêu mến vô cùng lớn lao của khán thính giả dành cho Văn Chương và các nghệ sĩ.
Đây là động lực mà Văn Chương sẽ tiếp tục cống hiến cho nền nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và sẽ tiếp tục phục vụ khán thính giả nhiều hơn nữa. Bởi nghệ thuật sân khấu chèo truyền thống, hát chèo, hát dân ca, ngâm thơ đã gắn liền với cả cuộc đời tôi, là ăm ắp những kỷ niệm của ánh đèn sân khấu, là hàng triệu ánh mắt nụ cười của khán thính giả dành cho tôi. Vì thế đam mê ấy sẽ không bao giờ dừng. Nếu còn hát được, diễn được, tôi vẫn hát ở bất kỳ đâu hoặc thu thanh, thu hình, biểu diễn để phục vụ khán thính giả. Vì duyên chèo, nghiệp chèo đã ngấm vào máu thịt tôi.
PV: Duyên nghiệp với chèo đến với NSND Văn Chương từ bao giờ?
NSND Văn Chương: Hồi nhỏ, khi rất ít nhà có đài và tivi thì “món ăn tinh thần” gắn liền tuổi thơ tôi là các chương trình 30 phút dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình tiếng thơ, chương trình sân khấu truyền thanh... Nhà tôi nghèo không có đài radio nên mỗi lần có chương trình phát sóng của Đài mà tôi yêu thích tôi phải chạy đến các gốc cây, cột điện, chỗ treo loa để nghe cho đã. Tôi thuộc hết lịch các chương trình dân ca phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi học mót được cách lấy hơi, nhả chữ, buông câu, cắt nhịp và cách luyến láy. Do vậy, những bài hát, làn điệu dân ca đó cứ ngấm dần vào tôi. Đến năm 15, 16 tuổi thì khát khao trở thành nghệ sĩ với tôi ghê gớm lắm.
PV: NSND có thể chia sẻ về cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp hát chèo của mình?
NSND Văn Chương: Năm 1984, khi vừa tròn 16 tuổi, tôi may mắn trúng tuyển vào Đoàn chèo Hà Tây. Đó cũng là thời điểm nhà trường gấp rút “bồi dưỡng” cho đội tuyển Văn của tôi đi thi học sinh giỏi ở tỉnh. Do đó, khi nghe tin tôi vào Đoàn chèo các thầy cô cứ động viên tôi ở lại học văn hóa, sau này đi văn công cũng không muộn. Nhưng niềm vui háo hức được làm diễn viên với tôi ngày ấy đã vượt qua mọi nuối tiếc của chiếc ghế nhà trường cấp 3. Bởi đây cũng là cơ hội để tôi hiện thực hóa mơ ước cháy bỏng của mình.
Từ khi được vào Đoàn chèo Hà Tây, được các nghệ sĩ dạy bảo tận tình cùng với chương trình đào tạo diễn viên sân khấu chèo bài bản của tỉnh Hà Tây nên tôi nhanh chóng trở thành một trong không nhiều kép nam được yêu mến nhất của làng chèo Việt Nam. Khán giả biết tới tên Văn Chương khi tôi hóa thân vào các vai diễn như: Hoàng tử trong vở Tấm Cám, vai Tâm trong vở Quê hương có thật; Mai Tấn Hồng trong vở Người tử tù mất tích, vai Nguyễn Trãi trong Ánh Sao khuê, Phan Huy Chú trong Dáng trúc Sài Sơn, vai Tự So trong vở Nước mắt cô đào.
Đặc biệt, vai Lưu Bình trong vở chèo truyền thống Lưu Bình Dương Lễ đã đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời làm nghệ sĩ sân khấu chèo mà giới chuyên môn gọi là “hiện tượng” chưa có trong tiền lệ, đưa tên tuổi của tôi đến gần và rộng hơn với công chúng.
Với vai diễn này, tôi đã đoạt cùng lúc 4 giải thưởng lớn trong Liên hoan Sân khấu chèo truyền thống chuyên nghiệp toàn quốc năm 2001: Huy chương Vàng, Giải diễn viên nam có có giọng hát hay nhất; Giải diễn viên đóng vai kép nền đẹp nhất; Giải diễn viên xuất sắc nhất.
PV: Có thể nói, sân khấu chèo đã đem đến cho Văn Chương một nghệ danh có dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Phải chăng đây cũng nhờ năng khiếu thiên phú mà ở anh hội tụ cả tài và sắc?
NSND Văn Chương: Khi tôi hát thử một vài câu hát dân ca, ban giám khảo ai cũng bảo cậu này có chất giọng “thổ đồng” (rất ấm áp, dày dặn, vang, rền) và khuôn mặt vuông chữ điền thì rất hợp với kép chèo. Nhưng khi được học một chương trình bài bản thì một diễn viên bước lên sân khấu chèo ngoài kiến thức học được, khổ luyện và trải nghiệm từ thực tế phải hội đủ các tiêu chí “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần”. Và càng không được ỷ lại giọng hát trời cho. Giọng hát đó phải đạt các yếu tố vang-dền-nền-nẩy mới truyền tải cảm xúc, để bộc lộ tính cách của nhân vật, ra được tính cách của từng phân đoạn diễn thì mới chinh phục được khán giả, và vai diễn đó mới thành công.
Tôi nhớ như in thời kỳ đó, chèo cải biên rất thịnh nhưng các thầy vẫn dậy trò cần giữ nguyên gốc của chèo truyền thống. Bọn tôi được học toàn bộ giáo trình diễn viên chèo truyền thống. Từ những động tác cơ huấn đầu tiên, bước chân đầu tiên, động tác múa cơ bản, rồi những luyến láy, nhấn nhá trong hát chèo, hát dân ca cần sự tinh tế... đều phải học theo vai mẫu của chèo truyền thống (mẫu vai đào, kép, lão, mụ, hề,...). “Vốn liếng” 3 năm học được từ những vai mẫu có múa-hát-vũ đạo-kỹ năng biểu diễn là hành trang của diễn viên bước vào nghề phải được trang bị bởi hàng trăm làn điệu chứ không phải cứ vào là diễn xuất được ngay.
Khán giả là nguồn cảm hứng, nguồn động viên tinh thần quý giá
PV: Ngay từ những chương trình đầu tiên phát trên làn sóng, giọng hát Văn Chương đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo thính giả. Hàng trăm lá thư gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam yêu cầu được nghe lại, được làm quen với nghệ sĩ Văn Chương. Khi ấy, cảm xúc của anh ra sao?
NSND Văn Chương: Ngày ấy, sáng nào thức dậy tôi cũng nhận được những lá thư, thậm chí có cả chuyển phát nhanh, thư bảo đảm, thư đưa tay từ miền Nam đến miền Bắc, từ hải đảo xa xôi. Thính giả yêu cầu và mong muốn được lắng nghe nghệ sĩ Văn Chương hát những bài như: Nón trắng quê mình, Ký ức tuổi xuân, Tình xuân xin gửi nơi quê, Khúc hát dưới trăng thu, và một số bài hát dân ca đồng bằng Bắc bộ, hát xẩm, hát quan họ, chầu văn, ngâm thơ... Đó là nguồn cảm hứng, là sự cổ vũ động viên tinh thần quý giá của khán thính giả giành cho tôi.
PV: Anh có cảm thấy chạnh lòng khi có ý kiến cho rằng nghệ thuật sân khấu truyền thống và các làn điệu dân ca truyền thống khó hấp dẫn được giới trẻ không?
NSND Văn Chương: Nghệ thuật sân khấu truyền thống và các làn điệu dân ca không bao giờ mất. Có thể ở một thời điểm, giới trẻ đang theo đuổi những dòng nhạc hiện đại và họ lơ là đi một chút nghệ thuật dân gian truyền thống. Nhưng không phải tất cả, chỉ có một số, một bộ phận thôi.
Tôi cũng chạnh lòng vì đôi khi sự yêu mến của lớp trẻ dành cho bộ môn nghệ thuật bị lơ là đi, những người làm nghệ thuật như chúng tôi lại bớt đi những người để tương tác, để phục vụ.
Tôi cũng hơi lo lắng, nếu bớt đi người thưởng thức cũng đồng nghĩa với việc bớt đi người làm nghề. Tôi nghĩ rằng cần hơn nữa truyền thông đưa tin, các nhà tài trợ và đặc biệt Nhà nước quan tâm hơn nữa để từ đó tạo ra những buổi chuyên sâu, tương tác, làm nhiều chương trình hơn nữa để tiếp cận được với khán giả trẻ.
PV: Theo NSND Văn Chương, muốn trở thành một người nghệ sĩ “vàng” cần phải hội tụ những yếu tố gì?
NSND Văn Chương: Muốn thành công ở sân khấu truyền thống cũng như lĩnh vực sân khấu dân gian, ngoài năng khiếu cần đam mê. Khi người ta có đam mê cháy bỏng sẽ vượt qua được những yếu tố đời sống mưu sinh. Còn nếu đam mê còn mỏng, còn mơ hồ sẽ không đủ để vượt qua được những cám dỗ vật chất. Điều này rất khó, vì nghệ sĩ cũng có hỷ, nộ, ái ố giống như những người bình thường. Nhưng thực sự, nếu đam mê không cháy bỏng, sẽ không thể vượt qua được những thứ bên lề để làm nghề. Vì thế, tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, hãy đam mê bởi khi hết mình vì đam mê, chắc chắn sẽ có trái ngọt.
PV: Xin cảm ơn anh!