Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Tạo đà chấn hưng văn hoá dân tộc

VOV.VN - PV VOV.VN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội về những dấu ấn mà toàn ngành VHTTDL đạt được trong nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Năm 2023 đánh dấu chặng đường nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Một trong những điểm rất mới trong các văn kiện của Đại hội XIII là phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, toàn ngành VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

PV VOV.VN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội về những dấu ấn mà toàn ngành VHTTDL đạt được trong nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam.

Dấu mốc đặc biệt đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam

PV: Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức ngày 24/11/2021 có vị trí quan trọng như thế nào đối với lĩnh vực văn hóa trong nửa nhiệm kỳ vừa qua?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là một dấu mốc đặc biệt đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam. Điều này không chỉ nằm ở dấu ấn để kỷ niệm 75 năm kỷ niệm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 với thông điệp truyền cảm hứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, mà còn ở tinh thần quan trọng của hội nghị trong việc chấn hưng văn hóa dân tộc, để văn hóa đồng hành với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới – một bối cảnh có nhiều thuận lợi những cũng không ít thách thức - mà văn hóa cần phải được đặt ở vị trí trung tâm, là hệ điều tiết sự phát triển bền vững, tạo nên sự tự tin cho dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Những kết quả đầu tiên, dễ nhận thấy nhất, đó chính là chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa. Nếu như tại Hội nghị, Tổng Bí thư đã nêu rõ nguyên nhân: “Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị” thì ngay trước, trong và sau Hội nghị, việc thông tin, tuyên truyền về văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Những loạt bài về văn hóa có chất lượng đã đạt giải cao trong các giải thưởng báo chí chính là những minh chứng rõ nhất cho sự quan tâm của báo chí và toàn xã hội đối với vấn đề này.

Văn hóa ngày càng được nhìn nhận rõ ràng hơn với tư cách “là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...)”. “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn.” Những thông điệp vững chắc về văn hóa như vậy đã giúp hình thành nhận thức tốt hơn về văn hóa như nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, từng địa phương nói riêng.

Điều đáng mừng là, cùng với việc triển khai Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chính phủ đã triển khai đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Đây được xem là khung chính sách rất quan trọng để định hướng các chương trình, đề án và hành động cụ thể cho phát triển văn hóa. Những đề án được nêu trong chiến lược đã bao quát nhiều vấn đề về văn hóa, từ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đến những chính sách quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng các chương trình nghệ thuật đỉnh cao hay các thiết chế văn hóa xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh... Những kế hoạch lớn này, khi được thực hiện thành công, sẽ tạo điều kiện tốt cho không chỉ sự phát triển văn hóa, mà còn cho sự phát triển bền vững đất nước trong thời gian sắp tới.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hành động thực tế ở lĩnh vực văn hóa trong nửa nhiệm kỳ qua của các bộ - ban - ngành - hội địa phương?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nhận thấy những chuyển biến còn được thể hiện ở cả các cơ quan Trung ương và địa phương. Những người làm văn hóa rất cảm kích khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong các cuộc họp quan trọng của quốc gia, đều nhắc đến việc triển khai thực hiện thành công kết luận của Tổng Bí thư trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Quyết tâm chính trị này chắc chắn xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa. Trong các kỳ họp Quốc hội, những ý kiến tâm huyết cho phát triển văn hóa đang ngày càng thể hiện rõ ràng hơn. Những lo ngại về đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm, sự xuống cấp đạo đức trong xã hội, vấn đề sự trong sáng của tiếng Việt, hay di sản văn hóa... từ các đại biểu Quốc hội là nguyện vọng lớn của cử tri cả nước đối với việc cần tạo điều kiện cho phát triển văn hóa.

Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên, trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ 4, những vấn đề về văn hóa được dành một phần xứng đáng với 27 dòng (so với chỉ không nhiều dòng trong những báo cáo trước đó), đủ để chúng ta thấy sự quan tâm và quyết tâm của Chính phủ trong phát triển văn hóa.

Năm 2022, Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng các cơ quan liên quan cũng tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến phát triển văn hóa. Đáng lưu ý, Quốc hội đã tổ chức hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Kết luận của hội thảo đã làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những vấn đề về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Năm 2023, cả nước tiến hành kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam đã huy động được sự quan tâm, tăng cường hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về văn hóa.

Sự chuyển biến ở các bộ ngành cũng rất đáng lưu ý. Bên cạnh nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang rất quyết tâm triển khai Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” và Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”; Bộ Quốc phòng cũng ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong Quân đội...

Với sự tham gia chủ động, đồng bộ này, chúng ta có quyền hy vọng những giải pháp quan trọng nhất về cơ chế, chính sách lớn về văn hóa, khi được thảo luận tại cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, sẽ tạo điều kiện mới, xung lực mới cho sự phát triển văn hóa.

Đối với các địa phương, đó là những hành động cụ thể như ban hành nghị quyết riêng về văn hóa, tổ chức hội nghị văn hóa toàn tỉnh, hay ban hành chính sách, tăng đầu tư cho văn hóa. Với đặc điểm là thủ đô, nơi hội tụ và lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp của cả đất nước, Hà Nội luôn là thành phố tiên phong trong phát triển văn hóa, con người. Bên cạnh chủ trương xuyên suốt trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, ngay sau Hội nghị, ngày 22/2/22022, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TƯ về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hà Nội cũng dự kiến phân bổ 27.687 tỷ đồng cho 1.287 dự án tôn tạo di tích.

Bắc Ninh, Hà Tĩnh hay gần đây như Bình Phước, rồi Đồng Nai... đã và sẽ tiến hành tổ chức hội nghị văn hóa toàn tỉnh để lắng nghe ý kiến của đội ngũ văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa, tạo tinh thần phấn khởi cho nhân dân trong phát triển văn hóa. Trong đó, Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, xác định phấn đấu nâng mức đầu tư tối thiểu lên 4% tổng chi ngân sách nhà nước cho văn hóa. Đây là những tín hiệu đáng mừng khi những chuyển biến nhận thức đã biến thành những hành động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao” đã được nêu trong bài phát biểu của Tổng Bí thư.

Chính sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho văn hóa trong thời gian vừa qua, đã lan tỏa tinh thần tích cực trong đời sống nhân dân. Chúng ta có thể thấy sự tin tưởng của Nhân dân vào những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước thông qua quá trình chống dịch COVID-19 thành công hay công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra rất quyết liệt hiện nay.

Chính từ niềm tin và sự chung tay, góp sức của toàn thể nhân dân, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã thực sự tỏa sáng để chúng ta cảm nhận rõ hơn về tinh thần yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình mà dân tộc ta đã hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Đời sống văn hóa - nghệ thuật có rất nhiều khởi sắc với nhiều sự kiện nổi bật như các lễ nhận bằng UNESCO của thực hành then của người Tày, Nùng, Thái, hay của nghệ thuật xòe Thái, của các liên hoan phim, hội diễn, triển lãm nghệ thuật, hay của các sản phẩm nghệ thuật như những bài hát, bộ phim,... đã góp phần hình thành nên tinh thần tích cực, phấn khởi để thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Cần có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

PV: Ngoài những thành tựu, ông thấy còn tồn tại những khó khăn, hạn chế nào trong việc triển khai nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng về văn hóa?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đầu tiên là vấn đề tư duy quản lý văn hóa nhiều khi chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Dấu ấn của tư duy bao cấp, “xin cho”, tư duy hành chính – mệnh lệnh, tác nghiệp vẫn còn nặng nề.

Pháp luật chưa trở thành công cụ tối thượng để điều tiết, kiểm soát, điều chỉnh đời sống văn hóa. Nhận thức về văn hóa của các ngành, các cấp có lúc còn cứng nhắc, áp đặt, giáo điều. Mối quan hệ tổng thể của văn hóa với bộ, ngành, lĩnh vực khác, như giữa văn hóa với kinh tế, với giáo dục... có lúc còn bị xao nhãng.

Thứ hai là chính sách, pháp luật về văn hóa và liên quan đến văn hóa chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển văn hóa. Trong khi một số luật về văn hóa đã không còn bao quát hết tình hình thực tiễn, một số luật chưa được ban hành, thì một số luật liên quan đến văn hóa như đất đai, thuế, đối tác công tư, hay quản lý, sử dụng tài sản công vẫn chưa chú ý đầy đủ đến tính đặc thù của văn hóa, khiến văn hóa thiếu dư địa, nguồn lực để phát triển.

Thứ ba là nguồn lực cho văn hóa, dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa trong tình hình mới.

Mức độ đầu tư, chính sách tuyển dụng, chế độ đãi ngộ… đối với các nghệ nhân, với các tài năng nghệ thuật nói riêng và văn nghệ sĩ, tầng lớp trí thức nói chung còn chưa phù hợp. Lực lượng sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn yếu và thiếu. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật chưa theo kịp với yêu cầu của đời sống văn hóa ngày càng mới mẻ, phức tạp. Cán bộ làm công tác văn hoá ở các cấp còn tình trạng chắp vá, trình độ chuyên môn còn hạn chế.

Đầu tư cho văn hóa ở cả trung ương và địa phương chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển. Về tổng thể, mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách tương đối thấp so với các lĩnh vực khác, chưa tương xứng với thực tiễn. Chi cho văn hóa chưa bền vững, đồng đều. Theo số liệu báo cáo, năm 2019 tỷ lệ chi cho văn hóa chỉ đạt 1,71% và dù hiện nay, trong Chiến lược phát triển văn hóa đã đưa ra chỉ tiêu 2% chi ngân sách, nhiều địa phương cũng đặt ra mục tiêu này, nhưng thực sự mà nói, chỉ tiêu này vẫn chưa mang tính bền vững, đồng đều giữa các địa phương…

Kinh phí từ ngân sách còn hạn hẹp, huy động nguồn đầu tư từ xã hội cho các hoạt động nghệ thuật còn rất thấp. Trong khi đó, hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá nhìn chung còn kém phát triển và trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Hệ thống các thiết chế văn hóa truyền thống chưa được nghiên cứu để bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả, trong khi các thiết chế văn hóa mới chưa được xây dựng đủ và phù hợp.

Cơ sở vật chất trang bị cho hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở hiện còn thiếu nhiều, một số nơi không duy trì được hoạt động thường xuyên, nội dung hoạt động nghèo nàn. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển thiết chế văn hóa trọng điểm còn chậm, chưa có sự đầu tư và kế hoạch khả thi để xây dựng các công trình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị xứng tầm thời đại.

Hệ thống thiết chế văn hoá vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm vùng miền, đến nhu cầu và nguyện vọng của người dân, nội dung hoạt động còn nghèo nàn, chưa thiết thực. Một số thiết chế văn hóa còn phân tán, hiệu quả hoạt động thấp, mô hình, cơ chế quản lý chưa phù hợp như các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa. Nhiều thiết chế văn hóa nghệ thuật của nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả do thiếu kỹ năng kinh doanh, cơ chế quản lý không phù hợp, trang thiết bị đều trong tình trạng lạc hậu, chắp vá, thiếu thốn và hiệu quả sử dụng không cao.  

PV: Trong nửa nhiệm kỳ cuối, theo ông, ngành văn hóa cần tập trung làm những nhiệm vụ cụ thể gì để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Để triển khai thành công Nghị quyết Đại hội XIII, tôi thấy chúng ta còn có rất nhiều việc phải làm. Điều đáng mừng là ngành văn hóa và các cấp, các ngành và các địa phương đã tích cực triển khai và có một số những kết quả đáng khích lệ. Dù vậy, chúng ta vẫn cần phải quan tâm hơn nữa đến việc hoàn thiện chính sách, luật pháp về/liên quan đến văn hóa để tạo hành lang pháp lý và môi trường thông thoáng hơn cho lĩnh vực này.

Những vấn đề tồn tại trong luật đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, thuế,... hay chính sách sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các nhà hát vào trung tâm văn hóa cần phải được xem xét, cân nhắc cẩn thận hơn nữa. Tiếp theo là vấn đề đầu tư nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật – yếu tố then chốt làm nên thành công của văn hóa cho không chỉ nhiệm kỳ này mà còn cả những nhiệm kỳ tiếp theo.

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng để có các thiết chế văn hóa xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh cũng cần lưu ý để từ đó chúng ta có thể tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa phù hợp với bối cảnh mới. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, tổ chức, sự kiện văn hóa, nghệ thuật để lan tỏa những câu chuyện hay, hình ảnh đẹp, giá trị Việt Nam cho người dân trong nước và toàn thế giới, khẳng định bản lĩnh và sự tự tin Việt Nam cũng rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu này.

Cuối cùng, chúng ta đã có Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, giờ đây chúng ta cần có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để có nguồn lực thực hiện Chương trình đó thông qua các đự án, đề án được ưu tiên đầu tư, trở thành định hướng cho sự phát triển văn hóa những năm sắp tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ VHTTDL khuyến khích các sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương
Bộ VHTTDL khuyến khích các sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương

VOV.VN - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, với mục tiêu tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế; góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Bộ VHTTDL khuyến khích các sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương

Bộ VHTTDL khuyến khích các sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương

VOV.VN - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, với mục tiêu tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế; góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống
Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống

VOV.VN - Hôm qua (8/11), giải đua ghe Ngo kết thúc tốt đẹp đã khép lại chuỗi hoạt động Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII – 2022 và Lễ hội Oóc Om Bóc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần V - 2022.

Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống

Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống

VOV.VN - Hôm qua (8/11), giải đua ghe Ngo kết thúc tốt đẹp đã khép lại chuỗi hoạt động Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII – 2022 và Lễ hội Oóc Om Bóc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần V - 2022.

Khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII tại Sóc Trăng
Khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII tại Sóc Trăng

VOV.VN - Tối nay 6/11, Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Ngày hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ V năm 2022 đã chính thức được khai mạc.

Khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII tại Sóc Trăng

Khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII tại Sóc Trăng

VOV.VN - Tối nay 6/11, Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Ngày hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ V năm 2022 đã chính thức được khai mạc.