Phải thay đổi tư duy "làm văn hoá" sang "quản lý Nhà nước về văn hoá"
VOV.VN - Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, VOV2 đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL.
Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hoá, xã hội vẫn tiếp tục được đầu tư phát triển và đạt nhiều kết quả rõ rệt, đúng tinh thần: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi".
Để có được bước đầu thành công đó, toàn ngành Văn hóa đã nỗ lực tạo nên những bước ngoặt đột phá, những dấu ấn chưa từng có từ khát vọng xây đắp và phát huy "sức mạnh mềm" của nền văn hóa quốc gia, dân tộc.
VOV2 đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về nội dung này:
PV: Thưa Bộ trưởng! Nhìn lại chặng đường nửa nhiệm kỳ qua, có thể đánh giá khách quan rằng, với mục tiêu đổi mới chuyển từ Làm văn hóa sang Quản lý Nhà nước về văn hóa, bằng phương châm: “Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến”, ngành văn hoá đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những kết quả khả quan. Xin Bộ trưởng cho biết những thay đổi về tư duy, quan điểm, thể chế, chính sách phát triển của ngành qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tại Hội nghị Trung ương VII, trong phát biểu kết luận hội nghị Trung ương Tổng Bí thư đã khẳng định, trong điều kiện khó khăn nhưng lĩnh vực văn hóa được quan tâm đầu tư và phát triển, đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, lĩnh vực văn hóa đã có bước phát triển, đạt được nhiều kết quả tiến bộ rõ rệt, để tập trung vào nhiệm vụ chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhận định của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương VII đã khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của toàn ngành, chúng ta đã có nhiều bước phát triển. Điều đó không chỉ khích lệ cho những người làm văn hóa mà còn là sự ghi nhận từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Ngành Văn hóa đã tập trung vào việc xây dựng các chương trình, đề án cụ thể. Cùng với đó, đồng hành với các địa phương để tập trung thực hiện cho được các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã chuyển được quan điểm văn hóa phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sỹ là người giữ vai trò quan trọng. Vì vậy chúng ta phải khu trú lại, xác định lại trách nhiệm của ngành. Từ đó ngành văn hóa đã tham mưu để làm tốt vai trò quản lý nhà nước chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa.
Ngành văn hóa đã bổ sung và kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ để hoàn thiện về thể chế, chính sách. Nhiều luật đã được trình Quốc hội thông qua, tạo ra cơ sở pháp lý để chúng ta phát triển văn hóa. Đi kèm với đó, chủ động đề xuất kiến nghị những khoảng trống về mặt pháp lý, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có công cụ đầy đủ để thực thi, điều hành trong lĩnh vực văn hóa. Đi kèm với đó là tập trung để khơi thông các nguồn lực văn hóa, tham mưu kiến tạo chính sách, từng bước tháo gỡ được những điểm nghẽn lâu nay trong lĩnh vực văn hoá.
Thứ hai là đã chuyển đổi được nhận thức trong nhân dân, nhận thức trong các cấp ủy đảng, hành động của chính quyền các cấp có sự thay đổi, hiểu đúng hơn về văn hóa, sâu sắc hơn trong nhận định về văn hóa với sự phát triển bền vững.
Điểm thứ ba, từ nhận thức đúng đến hành động quyết liệt. Và cũng rất mừng đây là lần đầu tiên chúng ta cán mốc của Bộ Chính trị về chi cho đầu tư văn hóa, đồng thời lồng ghép được các nguồn vốn khác nhau, góp phần tôn tạo, bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa Việt Nam, chính là chi cho sự nghiệp phát triển bền vững.
Giá trị di tích, di sản cũng bắt đầu từng bước được phát huy, trở thành giá trị trong kinh tế, kết nối để biến nó trở thành sản phẩm du lịch, góp phần thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính Trị, đưa văn hóa vào tất cả lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
PV: Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phải quan tâm đúng mức đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế”. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ đã và đang có các giải pháp gì để thực hiện định hướng này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Toàn ngành đã nhìn lại và thấy được môi trường văn hóa là cơ bản. Vì vậy, khi triển khai sâu rộng Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phải được lượng hóa, xác định các tiêu chí cụ thể và lan tỏa trong đời sống.
Môi trường văn hóa của chúng ta bắt đầu được chú ý nhiều hơn, chúng ta đã quan tâm đến các nội dung phải làm, phải hướng đến. Trong việc này, Bộ đã tập trung triển khai chỉ đạo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chọn những khâu có tính chất đột phá. Chúng ta chú ý hơn về thực chất, về chiều sâu của các phong trào, trong đó lấy nhân dân làm chủ thể, thông qua việc xây dựng các hương ước, quy ước do người dân tự nguyện...
Trong nửa nhiệm kỳ, toàn ngành Văn hóa đã nỗ lực cố gắng, chăm lo, kiến tạo, đề xuất và chủ động xây dựng những người làm văn hóa am hiểu về văn hóa và biết cách vận hành nó. Vì vậy, đã xây dựng được sức mạnh của khối đại đoàn kết, phát huy được vai trò của tổ chức hội văn hóa các cấp, đều có chung khát vọng là tập trung để thực hiện bằng được 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp mà đồng chí Tổng Bí thư đã đề ra.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp và chính sách trọng tâm, đột phá mà Bộ sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Văn hóa là lĩnh vực rộng, không phải làm trong ngày một ngày hai. Việc biến nhận thức trở thành hành động cũng không phải đồng đều. Vì vậy, phải biết tổ chức thực hiện và kiên trì. Chúng tôi coi những kết quả bước đầu là tiền đề nhưng không phải chủ quan và cũng không bằng lòng với hiện tại. Chính vì vậy, ngành Văn hóa cũng phải tập trung để tham mưu cho Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế, cụ thể hóa hệ thống pháp luật…
Ngoài ra, chúng ta cũng phải thấy kinh tế gắn liền văn hóa. Vì vậy phải xem xét để tháo gỡ những rào cản, huy động được nhiều nguồn lực và sức mạnh của toàn xã hội trong phát triển văn hóa. Kiến tạo phát triển văn hóa không phải ngày một ngày hai và cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, sự phối hợp tổng thể của các bộ ngành, để tạo ra "sức mạnh mềm" của văn hóa. Vì vậy chú ý giữ gìn cho được môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, qua đó để chúng ta phát triển giá trị văn hóa Việt Nam.
Trong quá trình hội nhập và phát triển cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, ngoài việc định hình các giá trị, chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến quá trình tiếp biến văn hóa, phải biết gạn đục khơi trong, bổ sung giá trị tiến bộ của nhân loại để làm phong phú hơn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngoài việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, thường xuyên cập nhật, bổ sung những điểm mới, yêu cầu có tính chất bắt buộc là phải chú ý nhiều hơn đến nguồn lực. Nguồn lực ở đây bao gồm nhân lực làm văn hóa và nguồn lực thực tế để đầu tư cho văn hóa. Khi chúng ta đáp ứng được hai yếu tố cần và đủ này sẽ có bước phát triển đúng như mong muốn của Đảng và Nhà nước mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!