Phát hiện nhiều dấu tích trang sức đá ở di chỉ khảo cổ học Thác Hai (Đắk Lắk)
VOV.VN - Phát hiện nhiều dấu tích gợi mở khả năng có hoạt động sản xuất trang sức đá ở di chỉ khảo cổ học Thác Hai. Đây là nội dung được công bố tại hội nghị báo cáo kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai lần thứ 3 do Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức chiều nay (13/9).
Di chỉ khảo cổ học Thác Hai thuộc thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, được phát hiện đầu năm 2020. Bảo tàng Đắk Lắk đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật 2 lần trong các năm 2021 và 2022. Qua đó thu được nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo, lần đầu tìm thấy tại Tây Nguyên; trong đó có “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đã được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2023.
Phân tích tổng thể cho thấy di tích Thác Hai có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 - 2.000 năm trước, tồn tại kéo dài hơn 1.000 năm, từ thời Hậu kỳ Đá mới đến thời đại đồ Sắt. Đây là di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, vừa là công xưởng chế tác mũi khoan quy mô lớn.
Trong đợt khai quật thứ 3, thực hiện từ cuối tháng 6 đến hết tháng 7 năm nay, chỉ trong một hố khai quật khoảng 20 m2 đã thu thập được gần 1.400 hiện vật gồm bàn mài, hòn ghè, hòn kê, bàn nghiền, rìu, bôn, đục, nhiều mảnh vỡ công cụ, dao đá, mũi khoan,… Đặc biệt, lầu đầu tìm thấy các doi se sợi, nhiều mảnh trang sức khoan dở, khoan hoàn thiện, các mảnh gãy vỡ, gợi mở khả năng về hoạt động sản xuất trang sức đá tại đây.
“Lần khai quật thứ 3 này có hai phát hiện mới, đó là doi chỉ và các chuỗi hạt. Với phát hiện mới này một lần nữa khẳng định, Bộ sưu tập mũi khoan Thác Hai và các di vật phát hiện mới thể hiện đời sống, nền văn minh rất phong phú và trù phú có từ lâu đời ở vùng đất này”, ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết.