Phát triển văn hóa - Lấy gốc từ hoàn thiện nhân cách con người
VOV.VN - Phát triển văn hóa, đổi mới tư duy về văn hóa không phải ở đâu xa, mà bắt đầu trước hết từ việc xây dựng con người, từ gia đình, trường học đến xã hội - thông qua việc tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.
Gốc có chắc - cây mới bền
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước giai đoạn này đó chính là xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá của dân tộc, trong đó có việc “Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hoá, phản văn hoá; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ”.
Điều đó để thấy, phát triển văn hóa, đổi mới tư duy về văn hóa không phải ở đâu xa, mà bắt đầu trước hết từ việc xây dựng con người, từ gia đình, trường học đến xã hội - thông qua việc tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.
Không phải đến tận bây giờ, mà trước đó, tại Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI), Đảng ta đã sớm cảnh báo: “Phòng, chống sự tha hóa con người và những lệch chuẩn văn hóa”.
Mới đây nhất, văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ: Phải “Từng bước khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”, đồng thời khẳng định: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”…
Đổi mới tư duy, đổi mới cách nhìn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam - đó cũng là nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng ta, tạo điều kiện cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới…
Môi trường văn hóa tạo ra những con người văn hóa. Con người văn hóa lại giữ vai trò chủ thể để giải quyết những bài toán căn cơ về phát triển văn hóa, từ đó hình thành những giá trị chuẩn mực đạo đức, lan tỏa nét đẹp văn hóa đến mỗi người. Qua đó, thực hiện nhiệm vụ văn hóa là sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững đất nước. Nhưng làm thế nào để tạo dựng một môi trường thuận lợi, lành mạnh cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam? Đó quả là điều không hề dễ dàng.
“Môi trường đó cần đến từ không khí tự do sáng tạo, tự do tranh luận để tìm ra những cách thức, giá trị phù hợp nhất cho phát triển văn hóa, con người. Từ chính sách, pháp luật cả trực tiếp (về điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, công nghiệp văn hóa...) lẫn gián tiếp (về đất đai, thuế, đối tác công - tư, quản lý, sử dụng tài sản công...) để văn hóa nhận được sự quan tâm thực chất hơn, nguồn lực đầu tư nhiều hơn từ toàn xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.
Rõ ràng, việc đầu tư cho văn hóa là cấp thiết. Và nếu sự đầu tư thực sự mang lại hiệu quả thì dù có phải chi bao nhiêu cũng phải làm cho được, bằng không - một chút cũng là lãng phí. Tất nhiên, nếu chỉ tập trung vào tạo dựng môi trường văn hóa không thôi sẽ là chưa đủ. Chúng ta cần nhiều hơn thế cho một cuộc “cải tổ” toàn diện, có chiều sâu.
Khơi dậy khát vọng Việt Nam
Cái gốc có chắc mới có thể làm bệ đỡ cho các yếu tố khác tồn tại lâu dài và phát triển bền vững. Nhưng thực tế thì sao? Nền tảng văn hóa của chúng ta đang bị lung lay từ nhận thức chưa đúng, từ một tinh thần xem ra còn khá hời hợt và thiếu quyết tâm, thiếu đổi mới sáng tạo… Nếu như chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám thừa nhận sự thật thì sẽ rất khó để có được các quyết sách phù hợp. Và khi ấy - bài toán chấn hưng văn hóa sẽ vẫn chỉ là câu chuyện… trên bàn nghị sự.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển, đưa đất nước đi tới phồn vinh là phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, đặc biệt là giới trẻ. Có khát vọng sẽ có sự tự tin và sáng tạo, có quyết tâm để biến những gì mình có thành lợi thế, thành sức mạnh - một thứ “sức mạnh mềm” quý giá của văn hóa dân tộc.
Vậy lâu nay, chúng ta đã coi đây như là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược? Đã dành cho nó những nguồn lực đầu tư thực sự xứng tầm hay chưa?
"Chúng ta cần một môi trường để tuổi trẻ có thể bộc lộ tài năng và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Cần phải có các cơ chế, động lực, giải pháp, chính sách để nuôi dưỡng và phát huy khát vọng cống hiến. Từ khát vọng cống hiến thành hành động cống hiến để biến khát vọng phát triển thành hành động phát triển của đất nước", GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Văn hóa như phù sa bồi đắp dần dần. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai và sự phát triển bền vững. Do vậy cần có một tầm nhìn xa, chiến lược, một nguồn lực ưu tiên thỏa đáng. Không hề dễ dàng, không thể nóng vội, nhưng cũng phải kiên quyết, quyết liệt với sự đồng lòng nhất trí cao và sự quan tâm chú ý thường xuyên.
“Nếu mất văn hóa thì phải mất nhiều thế hệ để khắc phục, thậm chí là sụp đổ”. Câu nói đó của một nhà lãnh đạo của chúng ta vài năm trước có lẽ đã đủ để khẳng định tính cấp thiết của việc cần phải chấn hưng văn hóa trong bối cảnh hiện nay.
Văn hóa Việt Nam đã, đang được đặt trong tâm thế mới, yêu cầu mới, với mục tiêu trọng tâm và cốt lõi là xây dựng con người. Vậy nên cần phải suy nghĩ nhiều hơn về những giải pháp mang tính toàn diện cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới, để làm sao lan tỏa tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Chỉ khi chúng ta mang đầy đủ những giá trị phẩm chất, tinh thần Việt Nam - một công dân toàn cầu chân chính, thì chúng ta mới có được sự ghi nhận và một chỗ đứng xứng đáng. Khi ấy, công cuộc chấn hưng văn hóa mới thực đúng nghĩa, đúng tầm.