Phim Cậu Vàng - Một không gian mới trên nền các tác phẩm của Nam Cao
VOV.VN - Ra rạp trong tuần đầu tiên của năm 2021, “Cậu Vàng” là phim lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn Nam Cao, được cố NSND Bùi Cường (người thủ vai Chí Phèo trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”) chắp bút xây dựng kịch bản.
Ra rạp trong tuần đầu tiên của năm 2021, “Cậu Vàng” là phim lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn Nam Cao, được cố NSND Bùi Cường (người thủ vai Chí Phèo trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”) chắp bút xây dựng kịch bản, với đạo diễn Trần Vũ Thủy cùng sự tham gia của các diễn viên: Viết Liên, Hữu Châu, Chiều Xuân, Khánh Huyền, Băng Di, Will, Thanh Hoa, Trần Lê Nam...
Sau khi chính thức ra rạp, có thể thấy “Cậu Vàng” thực sự là một tác phẩm điện ảnh hoàn toàn mới, mới cả về nội dung, bối cảnh, nhân vật… so với nguyên tác. Đúng như đạo diễn Trần Vũ Thủy từng chia sẻ: Phim chỉ lấy cảm hứng từ các tác phẩm của nhà văn Nam Cao, để tri ân nhà văn.
Được xây dựng với cốt truyện hoàn toàn mới đặt trong bối cảnh xã hội cũ, bộ phim vẫn đầy đủ những câu chuyện muôn thuở giữa người với người trong vòng xoáy xã hội, những xung đột giữa cường hào ác bá, quan lại với người dân nghèo mà thời nào cũng có, những tranh đoạt lợi ích, những mưu mô cưỡng đoạt. Nhân vật chính trong phim - Cậu Vàng - hiện lên với những đức tính tốt đẹp, lòng trung thành, tình yêu thương trong không gian ấm áp tình làng nghĩa xóm… dẫn dắt câu chuyện phim để truyền tải những thông điệp nhân văn. Tình cảm của con người với con người, con người với động vật được đề cao đến cực điểm trong phim, như một tình cảm thiêng liêng. Nhân vật Cậu Vàng như một nhân vật chính diện trong dòng phim siêu anh hùng. “Cậu” ấy trung thành, khôn ngoan, sẵn sàng xả thân chiến đấu vì chủ, để bảo vệ người chủ trước mọi sự áp bức bất công.
“Cậu Vàng” có những nhân vật kinh điển bước ra từ nguyên tác nhưng vẫn có sự thay đổi mới mẻ trong cách tạo hình. Vẫn là Bá Kiến, Lý Cường, Lão Hạc, Giáo Thứ… nhưng đặc biệt hơn khi xuất hiện một Binh Tư đầy sáng tạo, có 3 năm đi tù và 2 năm đi lính, mang phong cách của một tay giang hồ anh chị, có bản lĩnh và nhân cách. Ngoài ra còn có thêm nhiều nhân vật như con trai Lão Hạc và người yêu, người yêu của bà Ba nhà Bá Kiến… với những câu chuyện riêng, số phận riêng trong một bộ phim.
Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển để “phóng tác” là một lựa chọn thông minh và khá phổ biến cả ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay. Bởi lẽ, những tác phẩm đã trở thành kinh điển thì kể cả câu chuyện hay hình tượng nhân vật đều đã trở thành biểu tượng, khó có thể xóa nhòa trong lòng công chúng. Cũng chính những biểu tượng này khiến cho khán giả không thể không so sánh nó với bất cứ tác phẩm nào, dù là chuyển thể, phóng tác hay lấy cảm hứng từ nguyên tác. Để khán giả dễ tiếp nhận hơn, đoàn làm phim cần có công tác quảng bá sâu hơn, nhấn mạnh yếu tố phim phóng tác để tránh sự nhầm lẫn.
Với thời lượng khoảng 1 giờ 45 phút, những hình ảnh xuyên suốt thời lượng phim tuy không nêu rõ được thời gian, không gian cụ thể của truyện phim giống như trong “Làng Vũ Đại ngày ấy” - phim chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nam Cao - nhưng vẫn lột tả được bức tranh làng quê Bắc bộ điển hình với cây đa, bến nước, sân đình… chuẩn xác, gần gũi và chân thực. Có ý kiến cho rằng, việc xử lý kỹ xảo, màu sắc trong phim chưa hợp lý. Tuy nhiên, cảm giác này có lẽ do đã quá quen với những hình ảnh này qua các thước phim nhựa đen trắng và không gian u ám của các bộ phim lấy bối cảnh thời bấy giờ nên khán giả có phần bỡ ngỡ, không quen với những hình ảnh màu sắc có phần tươi mới, sống động của “Cậu Vàng”.
Truyện phim bắt đầu với câu chuyện lão Hạc (Viết Liên), một người nông dân sống cùng con trai tên Cò và chú chó tên Cậu Vàng. Tuy nhiên, do gia đình quá nghèo, người yêu của Cò bị bán vào làm người hầu ở nhà Bá Kiến (Hữu Châu).
Để tránh khỏi sự truy đuổi của Lý Cường và hy vọng kiếm được đủ tiền chuộc thân cho người yêu, Cò bỏ nhà vào Nam đi làm thuê ở đồn điền cao su. Lão Hạc ở nhà sống cùng Cậu Vàng trên mảnh đất tổ tiên để lại và không ngừng thương nhớ về đứa con trai của mình... Cha con Lão Hạc và người yêu của Cò là đại diện cho những người nghèo khổ, bần cùng trong xã hội nông thôn Việt Nam trước năm 1945.
Đối lập với những số phận nghèo khổ, gia đình Bá Kiến, Lý Cường đại diện cho tầng lớp thống trị, giàu có, tham lam, độc ác. Tuy nhiên, trong gia đình Bá Kiến vẫn tồn tại nhiều phức tạp. Chuyện tình mang màu sắc drama giữa Lý Cường (Will) - con trai Bá Kiến - với vợ lẽ của cha (Băng Di), bất chấp thủ đoạn chiếm đoạt mẹ kế của mình. Trong khi đó, người vợ ba này lại liên tục phải chịu áp lực từ gia đình nhà chồng vì đã về làm lẽ được vài năm mà chưa có con. Đồng thời tìm mọi cách thoát ra khỏi gia đình Bá Kiến để đến với tình yêu đích thực.
Những drama tình ái đem lại màu sắc mới mẻ cho bộ phim có bối cảnh Việt Nam trước năm 1945, vốn là giai đoạn lịch sử mà tình yêu nam nữ là điều xa lạ trong đời sống của mọi tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, lòng tham của gia đình Bá Kiến khi âm mưu cướp đoạt mảnh đất tổ tông để lại của Lão Hạc mới là câu chuyện chính của “Cậu Vàng”.
Những xung đột trong câu chuyện chính của phim cuối cùng sẽ được giải quyết thông qua hành động của Cậu Vàng, nhân vật xuyên suốt bộ phim mà diễn biến tâm lý, tình cảm và hành động của nó như một tấm gương để khán giả soi chiếu, so sánh với các nhân vật khác. Mặc dù ở phần giữa của phim, với những biến cố bắt đầu nảy sinh, bóng dáng Cậu Vàng có phần mờ hơn, nhưng ở thời điểm những xung đột, tranh chấp mảnh vườn hay bi kịch tình cảm lên đến cực điểm, Cậu Vàng lại xuất hiện như một “siêu khuyển” mà hành động của “Cậu” đã giải quyết mọi vấn đề, đem đến cái kết có hậu cho cả bộ phim.
Trong phim, những vấn đề điển hình của xã hội thực dân phong kiến như sưu cao thuế nặng, mê tín dị đoan, nghèo đói, phân biệt nam - nữ... được đề cập một cách đặc biệt chi tiết. Số phận người dân với những bất hạnh, tủi nhục, quẫn bách không lối thoát, phải tự tìm đến cái chết để giải thoát như Lão Hạc. Hay hành động quật khởi của Binh Tư cũng có kết cục là một cái chết bi thương. Hành động chống lại cái ác của Binh Tư về bản chất khá giống với hành động của Chí Phèo trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Nếu như câu hỏi “ai cho tao lương thiện” của Chí Phèo như xoáy vào sự quẫn bách không lối thoát của con người, thì với Binh Tư, câu nói “Đến con chó còn biết sống sao cho phải đạo nữa là con người” cũng để lại nhiều trăn trở.
Xem phim, bên cạnh kết cấu, nội dung và những thông điệp mà bộ phim truyền tải tới khán giả thì dàn diễn viên diễn xuất tốt. Nhân vật Cậu Vàng dù đã gây không ít tranh cãi ngay từ giai đoạn casting nhưng đã vào vai hợp lý và diễn xuất để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Trước khi “Cậu Vàng” được khởi chiếu, dư luận đã nhiều lần dậy sóng với những scandal ngoài lề không liên quan đến nội dung hay chất lượng điện ảnh. Trong đó, vấn đề được bàn tán sôi nổi nhất là “diễn viên” được chọn đóng nhân vật Cậu Vàng là chú chó giống Shiba Inu của Nhật Bản. Đây là lý do khiến ngay từ khi còn chưa chính thức bấm máy, phim “Cậu Vàng” đã bị nhiều người “ném đá”, tẩy chay không thương tiếc. Tuy nhiên, khi xem phim tại rạp, nhiều khán giả đã ấn tượng với những nét biểu cảm thông minh, độc đáo của Cậu Vàng, thể hiện được đúng tinh thần dũng cảm, yêu thương quyến luyến chủ nhân mà chúng ta vẫn cảm nhận được qua tác phẩm Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Thực tế, đoàn làm phim đã đầu tư khá công phu cho việc huấn luyện chú chó này để chuyển tải được thông điệp của tác phẩm.
Sau khi chính thức ra rạp ngày 8/1/2021, “Cậu Vàng” tiếp tục bị chê bai, “ném đá” không thương tiếc với những bình luận có phần chủ quan theo kiểu “nhặt sạn”, “bới lông tìm vết” thiếu chính xác và không liên quan đến nội dung, chất lượng nghệ thuật của bộ phim. Thậm chí, nhiều người chưa từng bước chân ra rạp cũng chê bai dựa trên ý kiến của người khác. Điều quan trọng là một số bình luận đã quên đi yếu tố chính, đó là “Cậu Vàng” chỉ lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao để phóng tác thành tác phẩm điện ảnh, không phải là phim chuyển thể từ nguyên tác văn học. Thực tế, nội dung phim là một câu chuyện hoàn toàn mới mẻ.
Tất nhiên cũng có thể hiểu phẩn nào phản ứng của một bộ phận khán giả khi đưa ra những so sánh như vậy, bởi “cái bóng” của “Làng Vũ Đại ngày ấy” quá lớn. Sau gần 40 năm, những gì mà “Làng Vũ Đại ngày ấy” làm được đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều tầng lớp khán giả điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, “Cậu Vàng” là một phim điện ảnh khá chỉn chu, có kết cấu phim mạch lạc và diễn xuất tròn vai của của dàn diễn viên tên tuổi. Nội dung phim chuyển tải những thông điệp xã hội sâu sắc. Đặc biệt, với việc lần đầu tiên một chú chó lên màn ảnh với vai trò là nhân vật chính, diễn xuất của Cậu Vàng quá thành công, phá tan những âu lo của những người làm phim và thỏa mãn sự tò mò của khán giả./.