Phong tục đón Tết cổ truyền của người Dao đỏ Lào Cai
VOV.VN - Người Dao đỏ Lào Cai quan niệm một năm có 2 tết chính, đó là rằm tháng bảy và Tết Nguyên đán.Tết Nguyên đán là tết lớn nhất trong năm được đồng bào chuẩn bị từ sớm để con cháu vui xuân đón Tết, với mong muốn một năm mới bình an, no ấm.
Cũng giống như nhiều dân tộc khác, người Dao đỏ Lào Cai đón Tết cổ truyền theo lịch âm. Bà con quan niệm, Tết là dịp để cả nhà nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động sản xuất và báo cáo tổ tiên mọi thành quả lao động sản xuất, mọi chuyện vui, buồn xảy ra trong năm. Vì vậy, ngay từ giữa tháng chạp, đồng bào đã chuẩn bị đồ lễ và cúng Tết. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà sẽ làm mâm cỗ to hay nhỏ cho phù hợp.
“Người Dao Lào Cai ăn Tết Nguyên đán như các dân tộc anh em, trong lễ cúng tết của người Dao nhất thiết phải mổ lợn, làm bánh dày nhân hạt bí, hoặc nhân lạc để cúng tết. Báo cáo ông bà tổ tiên thành quả lao động, sản xuất của gia đình sau một năm, với mong muốn một năm mới bình an, làm ăn tấn tới”- Ông Tẩn Vần Siệu, nghệ nhân ưu tú thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết.
Đặc biệt, người Dao đỏ Lào Cai có phong tục mổ lợn làm lễ cúng tết. Gia đình nào có điều kiện sẽ mổ từ 2 đến 3 con lợn, hoặc ít nhất cũng phải một con để làm 2 đến 3 mâm cơm cúng tết. Lợn sau khi mổ làm sạch sẽ được cắt làm 3 phần: đầu, 2 đùi trước và 2 đùi sau, cùng 6 chiếc bánh dày, 3 chén nước, 1 chén rượu và 1 bát hương, tiền giấy (giấy bản) được đặt lên bàn cúng. Thầy trong lễ cúng tết phải là thầy cúng hay người lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng. Trước sự có mặt đông đủ của mọi thành viên trong gia đình, thầy cúng thay mặt gia chủ làm lễ cúng giải hạn để xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ, đồng thời mời ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn Tết, cầu xin sức khỏe, may mắn và sự bình an cho tất cả mọi người, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trâu bò, lợn gà khỏe mạnh.
Thầy cúng Lý Sài Ngan, thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết nội dung bài cúng tết như sau: “Hôm nay gia đình tổ chức mâm cỗ Tết gồm lợn, bánh trái, rượu, tiền vàng…báo cáo ông bà, tổ tiên về chứng giám và phù hộ cho con cháu trong gia đình. Cầu cho mưa thuận gió hoà, cây trồng xanh tốt, bội thu, mọi thành viên trong gia đình mạng khoẻ, làm ăn tấn tới”.
Sau khi kết thúc lễ cúng Tết, đồ lễ được gia chủ dọn xuống, đem chế biến các mâm cơm, mời anh em họ hàng, người thân đến ăn tết cùng gia đình, tiễn năm cũ qua đi, đón một năm mới tới với mong muốn vạn sự bình an. Bà con tổ chức đón Tết theo từng nhà và quay vòng cho bằng hết các hộ gia đình trong bản.
Ngày 30 Tết, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, chuẩn bị cho đêm giao thừa thật ấm cúng. Từ người lớn đến trẻ nhỏ tự chọn cho mình những bộ trang phục Dao đẹp nhất để đón giao thừa.
Sáng ngày mồng một tết cũng là một ngày đặc biệt nhất trong năm mới, người Dao nơi đây quan niệm: một năm mới được khởi đầu từ ngày mới, vì vậy tục hái lộc đầu xuân lúc trời còn tờ mờ sáng được người Dao đỏ rất coi trọng. “Sáng sớm mồng một tết tất cả các thành viên trong gia đình đi ra cửa chính, về hướng đông đến một gốc cây để hái lộc đầu xuân, cầu mong một năm mới vạn sự như ý, mọi thành viên được bình an”- Ông Tẩn Vần Siệu, nghệ nhân văn hoá, thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết thêm.
Xông nhà đầu năm cũng là nét văn hoá có từ bao đời nay, vẫn được người Dao duy trì, phát huy như một nét văn hoá không thể thiếu. Vì vậy, người được gia đình mời đến xông nhà cũng phải là người được chọn lựa kỹ như: tuổi tác, lối sống….phải phù hợp với gia đình, gia đình nào chưa có người đến xông nhà thì tuyệt đối không ai được tự tiện đến chơi.
Trong những ngày Tết, sau khi đi chúc năm mới những người trong họ thì già trẻ, trai gái lại nô nức kéo nhau về nơi sinh hoạt cộng đồng, thường là bãi đất rộng (nay là nhà văn hóa thôn bản). Tại đây, người lớn tuổi cùng nhau ôn lại truyền thống và những phong tục, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, lớp thanh niên thì chia thành tốp ca hát, nhảy múa, chơi các trò chơi dân gian. Đây cũng chính là dịp để những chàng trai, cô gái Dao gặp gỡ, tìm hiểu rồi ướm lời nhau qua những lời hát tỏ tình, giao duyên, nhiều đôi đã nên nghĩa vợ chồng cũng từ những buổi đi chơi xuân như thế.
Tết Nguyên Đán 2022 cũng là một Tết đặc biệt, bởi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào xuân sẽ có những hạn chế. Hiện tại cấp ủy chính quyền các địa phương đều rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân vui xuân đón tết trong không khí vui tươi, ấm áp và quan trọng hơn cả là đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid 19. Có thể thấy, cho đến nay dù đời sống kinh tế đã phát triển về mọi mặt, song người Dao đỏ ở bất cứ nơi đâu vẫn luôn giữ được những phong tục đón Tết truyền thống, đã trở thành nét đặc trưng riêng có giúp người Dao đỏ ở Sa Pa, Lào Cai phát triển du lịch và phát triển kinh tế, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Cũng với việc vui xuân đón Tết, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo phòng chống dịch vocid 19, với phương châm đảm bảo sức khoẻ của người dân là trên hết ”- Ông Lý Quẩy Dảo, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa nhấn mạnh.
Phong tục đón Tết cổ truyền dân tộc được cộng đồng người Dao đỏ ở Lào Cai gìn giữ qua các thế hệ, là dịp để gia đình, cộng đồng thêm gắn kết, xây dựng bản làng no ấm./.