Quảng Ninh: Hành trình 30 năm gìn giữ di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long
VOV.VN - Trong hành trình 30 năm kể từ khi vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, việc gìn giữ và bảo vệ di sản được ưu tiên hàng đầu, gắn liền với trách nhiệm quốc gia và cộng đồng du khách.
Sau 1 năm được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Ban quản lý vịnh Hạ Long được thành lập. Đây là bước đi đầu tiên, mang tính chiến lược của địa phương khi kiến tạo một cơ quan chuyên trách, đóng vai trò nòng cốt, chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Việc thành lập Ban quản lý vịnh Hạ Long không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong tuân thủ các quy định của quốc tế mà còn khẳng định sự chủ động của địa phương trong bảo tồn và phát triển di sản bền vững.
Ông Nguyễn Công Thái - nguyên Phó Trưởng ban quản lý đầu tiên của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cho biết: "Trước mắt là cơ quan quản lý di sản, ban đầu thành lập chỉ hơn 10 người, bây giờ là gần 400 người, với đầy đủ bộ phận chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động đón tiếp khách rất chuyên nghiệp. Trước đó, khi VHL chưa được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới thì nếu muốn tham quan hang Đầu Gỗ, Thiên Cung hoặc Sửng Sốt thì rất khó khăn và chỉ có khách du lịch ưa mạo hiểm mới đi được. Nhưng bây giờ mọi đối tượng khách đều được tiếp cận khách, chiêm ngưỡng những giá trị nổi bật của VHL một cách thuận lợi, an toàn".
Có cơ quan tham mưu chuyên trách, Vịnh Hạ Long từng bước được bảo vệ, tránh xâm hại di sản lần lượt qua hệ thống các Quy hoạch chi tiết về bảo tồn và phát huy giá trị di sản; Quy hoạch môi trường, quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới, Kế hoạch quản lý tổng hợp Di sản vịnh Hạ Long được xây dựng theo từng giai đoạn 5 năm... Ông Nguyễn Đức Dương, phòng Nghiệp vụ Nghiên cứu ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết địa phương cũng dành nguồn lực để xây dựng hệ thống cầu cảng, bến neo đậu tàu thuyền và hành lang tại các khu vực tham quan.
Ông Dương nói: "Chúng tôi đã mời các chuyên gia từ các bộ ngành, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp bảo vệ như đánh giá độ ổn định của nền hang, giảm thiểu ánh sáng trong hang động để giảm thiểu mức độ tác động đến nhũ đá, gia cố nền hang yếu có nguy cơ sạt lở để giữ an toàn cho du khách khi tham quan vịnh Hạ Long".
Dù có nhiều nỗ lực, vịnh Hạ Long vẫn đứng trước những thách thức về môi trường hay tăng trưởng "nóng" du khách trong thời gian dài. Để hạn chế thấp nhất những tác động từ các thách thức, rất nhiều dự án về môi trường được triển khai, tiêu biểu như "chiến dịch làm sạch môi trường vịnh"; không sử dụng đồ nhựa khi tham quan vịnh Hạ Long; lắp thiết bị xử lý nước thải la canh trên tất cả các tàu du lịch... Đáng chú ý, Vịnh Hạ Long là di sản đầu tiên trong cả nước được Tổ chức uy tín trên thế giới nghiên cứu, đánh giá, xác định sức tải trên tổng thể các lĩnh vực xã hội - môi trường và du lịch.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: Đây là bước đi mới, tiệm cận cách quản lý khoa học, kiểm soát những tác động tiêu cực của con người nhất và cũng là cam kết của Quảng Ninh trong việc phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn di sản đúng như tinh thần của Công ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới: "Điều này thể hiện vị thế rất to lớn của VHL trong việc đi đầu, phối kết hợp làm sao mà hài hòa giữa bảo vệ và khai thác phát triển du lịch cũng tốt. Phát triển du lịch đôi khi mang lại những khía cạnh kinh tế, nhưng ngược lại tác động tiêu cực đến văn hóa xã hội và môi trường. Và việc đánh giá sức tải là rất tốt để cho chúng ta cách nhìn nhận cách tiếp cận và giải quyết tồn tại".
Sau 30 năm có thương hiệu quốc tế, vịnh Hạ Long đã trở thành biểu tượng của du lịch Việt Nam khi mỗi năm đón khoảng 4,4 triệu lượt khách, với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng, đóng góp vào tăng trưởng của địa phương. Vịnh Hạ Long tiếp tục gặt hái những danh hiệu quốc tế như "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu Châu Á"; hình ảnh vịnh Hạ Long xuất hiện trong các bộ phim của Holywood hay sách hướng dẫn du lịch quốc tế... đã củng cố vị thế toàn cầu của vịnh, tạo nhiều việc làm cho chính người dân ở thành phố di sản. Điều quan trọng nhất trong hành trình 30 năm qua là việc tăng cường nhận thức của cộng đồng được nâng lên rõ rệt đặc biệt là những người dân bản địa, hàng ngày sinh sống ngay trong lòng di sản...
Ông Đinh Khắc Dương, người dân phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long bày tỏ: "Những năm 1990, dân biển đi làm nghề thấy nhũ đá, hay mẩu đá đẹp mang về để làm bể cá ở nhà. Ngoài ra còn có cả cây thiên tuế, vạn tuế đẹp nằm ở vách núi, vách đá cheo leo, cứ thấy đẹp là lấy về. Nhưng bây giờ người dân nhận thức được độ nguy hiểm và ban Quản lý vịnh cũng siết chặt quản lý nên họ đã chung tay cùng Ban bảo vệ kỳ quan thiên nhiên".
30 năm qua, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - "hòn ngọc quý" của biển Đông được bảo tồn nguyên vẹn. Hành trình này không chỉ là câu chuyện của riêng Hạ Long mà còn là thông điệp, là trách nhiệm của Quảng Ninh muốn gửi đến thế giới trong việc bảo vệ di sản đến mai sau...