Rộn ràng nhịp chiêng mùa xuân
VOV.VN - Đối với người Êđê, mùa xuân là mùa lễ hội, mùa “ăn năm uống tháng” và là mùa nhịp chiêng vang lên rộn ràng. Ngày nay, tuy các lễ hội không còn được tổ chức nhiều như trước, nhưng nhờ các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, tiếng chiêng vẫn có thể vang lên rộn ràng trong những ngày đầu xuân mới.
Một ngày đầu xuân mới, hai đội chiêng trẻ của buôn Kmrơng Prong A (xã Ea Tu) và buôn Kbu (xã Hòa Khánh) cùng gặp nhau ở bến nước buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để giao lưu diễn tấu chiêng tre. Đội chiêng buôn Kmrơng Prong A là đội chiêng nam trong độ tuổi từ 12 đến 15, còn đội chiêng buôn Kbu là đội chiêng nữ từ 14 đến 32 tuổi.
Mở đầu buổi giao lưu, đội chiêng buôn Kmrơng Prong A đánh bài chiêng "Đón khách" rộn ràng, nhịp chiêng như thúc giục, mời gọi đội bạn mau đến cùng hòa nhịp. Anh Y Bây Kbuôr (ama Sắc), Trưởng buôn kiêm Phó Bí thư Chi bộ buôn Kmrơng Prong A cho biết, đây là đội trẻ nhất trong 3 đội chiêng của buôn Kmrơng Prong A hiện nay. Nghe có đội bạn đến giao lưu, các em rất háo hức và ra bến nước từ sớm để ôn lại bài chiêng đã được học.
"Đây là đội trẻ nhất so với trước đây. Đội này được thành lập từ năm ngoái, nhờ chương trình tập luyện và dạy của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố. Đây là lần đầu tiên đội trẻ được giao lưu với đội của buôn Kbu, Hòa Phú. Điều đáng mừng là các em, các cháu thấy rất tự hào vì được nghe mỗi bài chiêng của mỗi đội khác nhau. Mong rằng sau này sẽ có cơ hội các em được truyền đạt và được giao lưu, học hỏi các cuộc thi lớn hơn; để các em có thể tìm hiểu nhiều hơn về đội chiêng của các đội bạn khác" - anh Y Bây Kbuôr cho biết.
Sau bài chiêng đón khách của đội chiêng nam buôn Kmrơng Prong A, các thành viên đội chiêng nữ buôn Kbu, xã Hòa Khánh nhanh chóng tiếp nhịp bằng bài chiêng đối đáp. Tuy chỉ mới được tiếp cận học chiêng từ mùa hè năm 2020, nhưng 10 thành viên đội chiêng nữ buôn Kbu tỏ ra khá nhuần nhuyễn với bài chiêng đã được luyện tập, các em đều tâm huyết và say mê ôn luyện.
Bài chiêng đối đáp là bài chiêng tương đối khó, với tiết tấu nhịp chiêng nhanh, rộn ràng, vui tươi, thường được dùng trong các nghi lễ như cúng lúa mới, cúng bến nước, đám cưới. Bài chiêng có 2 lần đổi nhịp chiêng, lần đầu đánh nhịp 2, lần sau đánh nhịp 3. Sau 2 hồi đánh sẽ có 1 người hô đổi nhịp chiêng. Chị H Uêt Niê, thành viên đội chiêng nữ buôn Kbu cho biết, để đánh nhuần nhuyễn bài chiêng này, cả đội đã học trong 2 tháng và luyện tập thường xuyên hàng tuần.
Chị H Uêt Niê nói: "Từ khi mở lớp học đánh cồng chiêng, chúng em cũng có tham gia đánh ở bên xã. Đến ngày đại đoàn kết, chúng em được đánh ở trong buôn và cũng tập với nhau vào thứ 7, chủ nhật. Đây là lần đầu tiên đội chiêng nữ của buôn Kbu được đến giao lưu với các đội khác. Em rất mong muốn có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các bạn nơi khác nữa, thêm kiến thức và cả thêm những bài hay, mới để học hỏi với nhau".
Sau phần đánh riêng lẻ của từng đội, 2 đội ngồi lại thành hình vòng cung đối nhau, cùng hòa nhịp bài chiêng mời rượu. Đối với người Êđê, có một đội chiêng nữ đánh chiêng là điều hiếm, việc các đội chiêng trẻ ở các buôn đánh chiêng giao lưu cũng chưa từng có tiền lệ.
Theo ông Y Blăng Kbuôr (ama Jen), ở buôn Kbu, xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột, tuy lần đầu tiên diễn ra nhưng hoạt động giao lưu này rất thú vị, 2 đội chưa từng tập trước nhưng khi hòa nhịp, tiếng chiêng vẫn rất đều và đúng nhịp.
"Ngày hôm nay có sự giao lưu giữa 2 đội, tôi thấy các đội đánh rất hay, đúng nhịp, và tôi cảm thấy rất phấn khởi. Việc đánh chiêng giao lưu giữa các buôn, như ngày xưa đã có giữa các đội nghệ nhân cao tuổi. Khi có các sự kiện như cúng sức khỏe, cúng mừng nhà mới hay ăn mừng các dịp lễ lớn, ăn heo, ăn bò thì những người cao tuổi ở buôn nọ, buôn kia sẽ rủ nhau để cùng giao lưu đánh chiêng. Tuy nhiên ở đây chưa từng diễn ra hoạt động giao lưu cồng chiêng giữa 2 buôn như thế này" - ông Y Blăng Kbuôr cho hay.
Có thể thấy, đây là một hoạt động rất mới mẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng ở thành phố Buôn Ma Thuột. Nhờ đó tạo ra sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau và tạo cảm hứng mới mẻ, để các đội chiêng có môi trường diễn tấu các bài chiêng một cách thường xuyên hơn.
Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, hoạt động này do trung tâm tổ chức lần đầu đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đội chiêng trẻ ở 2 buôn. Theo kế hoạch trong năm nay, trung tâm sẽ tổ chức một liên hoan cấp thành phố để tạo điều kiện cho tất cả các đội chiêng trẻ được gặp gỡ, giao lưu như thế này.
Bà Phạm Thị Hải Bình nói: "Đây là một hoạt động chưa từng có trong các hoạt động văn hóa cồng chiêng, đưa văn hóa cồng chiêng đến nhiều người được thưởng thức hơn. Theo kế hoạch của đơn vị, đến tháng 4 năm 2021 chúng tôi sẽ lần đầu tiên tổ chức Liên hoan các đội chiêng trẻ. Trong các năm tiếp theo, đây sẽ là một trong những hoạt động định kỳ hai năm một lần và đã được UBND thành phố rất đồng tình và tạo điều kiện".
Tuy chưa từng có tiền lệ, nhưng hoạt động giao lưu giữa 2 đội chiêng trẻ ở thành phố Buôn Ma Thuột đã tạo ra những hứng khởi mới cho hoạt động diễn tấu cồng chiêng. Đây cũng là dịp để các thanh thiếu niên yêu thích chiêng có cơ hội được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, qua đó biết thêm nhiều bài chiêng mới, cách đánh hay. Từ đó góp phần tốt hơn để lưu giữ, lan tỏa nhịp chiêng của dân tộc mình./.